uuu-1658839521.jpg
Eliot Higgins và Christo Grozev của nhóm Bellingcat. Ảnh: Getty

Trước đó, một người trung gian bị tình báo Nga bắt giữ cho biết anh ta đã nhận lệnh trực tiếp từ Grozev về việc giao tiền mặt cho các phi công Nga để đổi lấy video chứng minh họ thực sự có quyền tiếp cận các máy bay chiến đấu.

“Grozev thực sự không giải thích gì với tôi. Ông ấy chỉ nói với tôi tên của người sẽ chuyển tiền bằng tàu hỏa”, nghi phạm nói.

Đáp lại, Grozev bác bỏ cáo buộc tham gia trực tiếp âm mưu này. “Tuy nhiên, sự thật là tôi có liên quan với tư cách là một nhà sản xuất phim tài liệu”, Grozev viết trong một bài đăng trên Twitter.

Grozev cũng nhấn mạnh rằng toàn bộ vụ việc cuối cùng đã trở thành một “sai lầm nghiêm trọng” đối với tình báo Nga, chứ không phải thành công.

Ông tuyên bố rằng cơ quan tình báo Nga đã “vô tình tiết lộ danh tính của hàng chục sĩ quan phản gián, phương thức hoạt động và tài sản bí mật của họ”. Ví dụ, một trong những phi công đã đột ngột quyết định bỏ trốn khỏi Nga cùng cô gái được gọi là “người tình” thay vì vợ, khiến đồng đội nghi ngờ. Về cơ bản, cô người tình giả mạo được cho là “quá nóng bỏng” để hẹn hò với viên phi công này, trong khi các liên lạc trên điện thoại cho thấy cô có kết nối với các nhân viên tình báo của FSB.

Toàn bộ cuộc đối đầu này cuối cùng đã trở thành kênh thông tin để hai bên cung cấp cho nhau thông tin sai lệch về hệ thống phòng không, đường bay, hành lang độ cao… “Trò chơi lừa dối lẫn nhau đã kết thúc khi FSB nhận ra rằng sẽ không có ai xuất hiện tại bất kỳ buổi gặp mặt nào, và phía Ukraine nhận ra rằng họ cũng có thể sẽ không lôi kéo được một phi công thực sự”, Grozev viết.

Ông cũng tuyên bố rằng chiến dịch này được dàn dựng bởi các “cựu đặc nhiệm” chứ không phải cơ quan tình báo Ukraine. “Nếu có, sẽ không có cách nào chúng tôi có thể tiếp cận với nó”, Grozev nhấn mạnh. Ông cũng phủ nhận mạnh mẽ sự tham gia của bất kỳ cơ quan tình báo phương Tây nào trong chiến dịch.

Trước đó, Nga từng nhiều lần đặt câu hỏi về tính độc lập và uy tín của Bellingcat. Mặc dù tự quảng cáo là một nhóm điều tra chuyên xác minh thực tế và thông tin tình báo nguồn mở, với sự đóng góp của cả các nhà báo chuyên nghiệp và nhà báo công dân, nhưng Bellingcat đã nhận được tài trợ từ nhiều quốc gia phương Tây.

Năm ngoái, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin đã thẳng thừng cáo buộc Bellingcat hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo phương Tây nhằm mục tiêu duy nhất là “gây áp lực lên Nga, lên các cá nhân và thực thể”.

“Họ sử dụng các phương pháp không trung thực. Và thông tin được sử dụng trong những trường hợp như vậy là sai sự thật, không được kiểm chứng. Họ sẵn sàng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, họ làm vì tiền chứ không phải vì sự thật khách quan”, ông Naryshkin khẳng định.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 25/7 cho biết đã ngăn chặn một chiến dịch của tình báo Ukraine nhằm “cướp” máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ Nga.

Theo RT, ngay từ những ngày đầu khi xung đột bùng phát, Ukraine đã lập một danh sách công khai những khí tài quân sự mà Kiev muốn sở hữu, đồng thời hứa hẹn trao tiền thưởng hậu hĩnh cho người giao nộp những loại vũ khí này. Vũ khí càng phức tạp thì thù lao càng cao, ví dụ máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và xe tăng có thể mang lại khoản tiền thưởng cao nhất lên tới 1 triệu đô la.

Nhưng khi lời kêu gọi công khai không mang lại kết quả, cơ quan an ninh Ukraine được cho là đã nhắm trực tiếp vào các quân nhân Nga, đặc biệt là các phi công. Họ đã lần ra và xác định danh tính các phi công thông qua các “dấu vết kĩ thuật số” trên mạng, một đặc nhiệm của FSB nói với RT. Theo người này, Kiev có vẻ đặc biệt quan tâm đến máy bay chiến đấu-ném bom Su-34 và máy bay chiến lược Tu-22M3 của Nga.

Một phi công Su-34 bị nhắm mục tiêu cho biết ban đầu anh miễn cưỡng nói chuyện với các điệp viên Ukraine, vì tin rằng lời đề nghị trả thù lao 1 triệu đô la để đánh cắp máy bay chiến đấu và đào tẩu đến Kiev là một trò đùa. Nhưng sau khi nhận ra đối phương nghiêm túc với đề xuất này, viên phi công đã lập tức báo cáo với cơ quan tình báo Nga.