Vừa qua, Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận “Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang”. Hiện, việc xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đang được khẩn trương tiến hành. Việc này mở ra cơ hội rất lớn để vực dậy ngành du lịch vốn đã “chết lâm sàng” gần 2 năm nay.
Phú Quốc, Quảng Nam đã sẵn sàng
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang dự thảo kế hoạch phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh. Trong đó, thí điểm cho phép TP Phú Quốc được đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”.
Sở Du lịch được giao chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho tỉnh tổ chức triển khai thực hiện thí điểm, xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine” tại TP Phú Quốc. Sở Y tế tổ chức tiêm vaccine cho người dân toàn tỉnh Kiên Giang, trước mắt trên địa bàn TP Phú Quốc để tạo miễn dịch cộng đồng.
Ông Cao Thành Nam, Giám đốc CDC Kiên Giang cho biết, để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương, quy trình triển khai đón khách du lịch quốc tế được chia thành các bước từ trước chuyến bay, trước khi nhập cảnh, sau khi nhập cảnh, vận chuyển khách du lịch, lưu trú và các phương án xử lý sự cố.
Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, tiêu chí để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đón khách du lịch quốc tế cũng rất khắt khe. Ngoài ra, sẽ có tiêu chí riêng cho từng đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển…
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, qua khảo sát, số lượng người dân có độ tuổi từ 18 - 65 tuổi trên địa bàn thành phố là 127.000 người.
Nếu có đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, việc tiêm chỉ mất 7 ngày. Dự kiến, Phú Quốc sẽ đón khách vào cuối tháng 10/2021, thị trường khách du lịch bao gồm các nước như: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Italia, Úc...
Theo đó, phương án triển khai là khách du lịch quốc tế sử dụng chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức với thời gian lưu trú tối thiểu 5 ngày, sử dụng chuyến bay thuê bao hoặc chuyến bay thương mại quốc tế.
Tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước đó, tỉnh đã gửi văn bản đề nghị cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên đến nay tỉnh chưa nhận được phản hồi từ Bộ VH-TT&DL.
Trên cơ sở nội dung đề nghị của Quảng Nam, Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm trình Chính phủ và khi nào được Chính phủ phê duyệt, cho phép thì Quảng Nam mới được phép triển khai thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, tỉnh đề xuất thí điểm mở lại hoạt động du lịch quốc tế bắt đầu từ tháng 7 - 9/2021.
Trong đó, tập trung vào sản phẩm nghỉ dưỡng biển và du lịch golf dành cho khách đến từ Hàn Quốc. Qua khảo sát thực tế, Bộ VH-TT&DL đánh giá tỉnh Quảng Nam đáp ứng đủ các điều kiện về hạ tầng giao thông, y tế, cơ sở dịch vụ du lịch, yêu cầu quản lý khách, không gian an toàn cho cộng đồng dân cư... để triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
“Trong thời gian chờ ý kiến từ Trung ương, Quảng Nam vẫn chủ động xây dựng phương án chọn sân bay Chu Lai và khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An, Tui Blue Nam Hội An làm thí điểm đón khách du lịch quốc tế bằng chuyến bay Charter (bay thuê nguyên chuyến)”, ông Hồng thông tin.
Ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay, nếu được phê duyệt, khi triển khai thì khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam sẽ có thời gian lưu trú từ 5 - 10 ngày.
Chờ kế hoạch chi tiết
Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc, thời gian tới sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, trước bối cảnh chủng virus mới (Delta) có thời gian lây truyền nhanh, mức độ lây nhiễm phức tạp, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng được kế hoạch chi tiết để đón khách du lịch ở huyện đảo Phú Quốc.
“Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine Covid-19 đến Phú Quốc và tiêm vaccine cho người dân tại đây. Trước khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, mọi phương án tổ chức cần phải có kế hoạch chuẩn bị tốt”, ông Tuyên nói.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã có kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam. Các doanh nghiệp hàng không cũng khẳng định luôn sẵn sàng mở lại các đường bay chở khách.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, một công ty lữ hành quốc tế chia sẻ, tình cảnh các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không trong 2 năm qua rất bi đát. Do vậy, “hộ chiếu vaccine” là cơ hội duy nhất để vực dậy các lĩnh vực này.
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông Hà, cần một “nhạc trưởng” có năng lực, đưa ra lộ trình rõ ràng, thông tin cập nhật các tiêu chí về du lịch an toàn khi đón khách để các doanh nghiệp thực hiện. Trong đó, cần chỉ rõ cơ quan quản lý làm gì và địa phương, doanh nghiệp làm gì. Đặc biệt, kịp thời truyền thông để doanh nghiệp và báo chí truyền thông quốc tế biết đến.
“Chúng ta đang nhìn thấy một châu Âu đang hồi sinh qua hình ảnh có 61.000 người ngồi trên khán đài xem bóng đá ở Thủ đô Budapest (Hungary). Hay việc ngày 14/6 vừa qua, các Chủ tịch của Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu đã chính thức ký ban hành Quy định về áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại ở khu vực châu Âu.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021 - 31/6/2022”, ông Hà nói và cho rằng, Việt Nam cũng nên chấp nhận thông lệ quốc tế này để không bị chậm trễ khi các nước trong khu vực như Thái Lan đang thực hiện rất tốt lộ trình 4 bước cho việc khôi phục du lịch giai đoạn tới.
Cụ thể, Thái Lan dự tính mở lại thị trường quốc tế từ ngày 1/7 tại Phuket; Bước 2 mở tiếp 10 điểm đến khác vào tháng 9; Bước 3 mở vào tháng 1/2022, bước 4 họ mở toàn bộ các điểm đến để đón khách quốc tế trở lại. Theo kế hoạch này, du khách nước ngoài đã được tiêm chủng 2 mũi sẽ được phép tới Phuket mà không cần phải cách ly 14 ngày.
Chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ cũng cho rằng, “hộ chiếu vaccine” là một biện pháp để mở dần dịch vụ du lịch: “Điều quan trọng là loại vaccine Việt Nam tiêm phải được các nước chấp nhận và ngược lại.
Như vậy, “hộ chiếu vaccine” mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, do đây là cách làm mới nên chúng ta vừa làm vừa quan sát, đánh giá và phải rút kinh nghiệm, đồng thời điều chỉnh ngay. Trên cơ sở đó, từ việc thực hiện ở Phú Quốc có thể mở rộng thêm ra những nơi khác”.
Các nước triển khai “hộ chiếu vaccine” như thế nào?
Khi tỉ lệ tiêm chủng tăng cao và nhu cầu mở cửa đất nước để bình thường hóa kiểu mới bất chấp dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận áp dụng “visa vaccine”, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine” từ đầu năm 2021.
Một số quốc gia/khu vực như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU)... mới chỉ áp dụng trong nội bộ nước/khối và mở rộng với một số nước/đối tác đặc biệt.
Điển hình, đầu tháng 7 tới, EU sẽ chính thức áp dụng “Chứng chỉ COVID kỹ thuật số EU” (EUDCC), cho phép dỡ bỏ rào cản đối với 27 quốc gia trong khối.
Chứng chỉ này có hiệu lực với người dân trong toàn khối EU và một số nước đặc biệt không thuộc khối. Đây không phải là chứng chỉ bắt buộc trong quá trình di chuyển. Đồng thời, EU chỉ chấp nhận các loại vaccine được Cơ quan Y tế Châu Âu (EMA) cấp phép là AstraZeneca-Oxford, Johnson & Johnson, Moderna, và Pfizer/BioNTech.
Trung Quốc thực hiện cấp “hộ chiếu vaccine” điện tử trên ứng dụng WeChat tới người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 từ đầu tháng 3.Hiện tại, Bắc Kinh đang đàm phán với một số đối tác trong khu vực như Singapore và Thái Lan... để chấp nhận “hộ chiếu vaccine”của nước này.
Hàn Quốc cũng đã chính thức cấp “hộ chiếu vaccine” theo hình thức kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, tích hợp các thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine COVID-19 của người dân.
Kế hoạch này chỉ được áp dụng với người dân, cư dân thường trú tại Hàn Quốc đã tiêm chủng đầy đủ, không áp dụng với người trở về từ các nước có biến chủng COVID-19 như Brazil, Nam Phi hay những người tiêm phòng ở nước ngoài. Những người được sử dụng “hộ chiếu vaccine”, họ sẽ không phải cách ly bắt buộc nếu tiếp xúc với người đã nhiễm COVID-19 hoặc từ nước ngoài trở về.
Một số nước sớm chấp nhận áp dụng hình thức này với khách quốc tế là Estonia, Romania, Gruzia... với điều kiện họ phải chứng nhận tiêm vaccine ít nhất trong vòng 10 ngày; còn những ai mới chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vẫn sẽ phải thực hiện 14 ngày tự cách ly.
Trang Trần