Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả mạo tên thương hiệu Công ty Chứng khoán để trục lợi ngày càng có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính và thông tin cá nhân cho người dùng.

Các đối tượng lừa đảo đã tạo app với hình thức thiết kế có giao diện giống với app chính thức của các công ty chứng khoán, sau đó đăng tải trên ứng dụng App store và CH Play để đánh lừa người dùng. Ngoài ra, đối tượng còn giả mạo là cán bộ, nhân viên của công ty chứng khoán để liên hệ với người dùng qua nhiều hình thức như gọi điện/nhắn tin/kết bạn qua các trang mạng xã hội nhằm kêu gọi tải app để giao dịch hoặc tham gia các nhóm cộng đồng để được chia sẻ miễn phí kinh nghiệm đầu tư chứng khoán từ các chuyên gia; đồng thời cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mại với lợi nhuận khủng để lôi kéo nhiều người tham gia.

Đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư mới, các app giả mạo này hiển thị lợi nhuận gia tăng chóng mặt, biên độ tăng giá cao hơn nhiều so với sàn chứng khoán thật. Khi thấy khoản tiền của mình trong các app đầu tư giả mạo tăng đáng kể, nhiều nhà đầu tư “say sưa” nộp tiền tiếp. Tuy nhiên, lúc nhà đầu tư muốn rút tiền lại không rút được. Đối tượng lừa đảo sau đó sẽ yêu cầu nhà đầu tư đóng thêm tiền thuế thu nhập cá nhân 10% hoặc phí sàn, tiền duy trì hồ sơ, phí rút tiền, tiền nâng cấp hồ sơ lên khách hàng VIP nhưng khi khách hàng nộp tiền xong liền bị chặn liên lạc.

Giữa các bẫy lừa đảo giăng khắp nơi, nhiều nhà đầu tư cũng đã vô tình bị sập bẫy và mất số tiền khủng.

Mới đây anh N.V.H (trú tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) nhận được cuộc điện thoại gọi đến của người không quen biết. Quá trình nói chuyện, đối tượng mời chào anh H. tham gia cộng đồng để được chia sẻ miễn phí kinh nghiệm đầu tư chứng khoán và đề nghị nạn nhân kết bạn qua Zalo.

Sau khi kết bạn, một đối tượng tự giới thiệu là nhân viên của Quỹ đầu tư chứng khoán (có địa chỉ tại TP. Hà Nội) và tiếp tục đề nghị anh H. tham gia "nhóm giao lưu chứng khoán" trên Telegram. Tại đây, nạn nhân được các "chuyên gia" giảng dạy hàng loạt kiến thức liên quan đến đầu tư chứng khoán, đồng thời hướng dẫn anh H. tải và đăng ký tài khoản trên một ứng dụng có tên "SACVN".

yy-1699604546.png
Cảnh báo app đầu tư lừa đảo.

Lúc này, đối tượng liên tiếp đưa ra thông tin về các mã cổ phiếu đang tăng giá mạnh, nếu tham gia đầu tư sẽ được mua với giá gốc, khi bán ra sẽ được lợi nhuận từ 5% - 7% giá trị lúc mua. Bị thuyết phục bởi mức lợi suất đầu tư hấp dẫn, anh H. đã tham gia mua các mã cổ phiếu trên.

Nạn nhân được hướng dẫn cách thức nạp tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Thấy có lợi nhuận, anh H. đặt lệnh rút tiền nhưng không thực hiện được với lý do chưa đến hạn. Lúc này, đối tượng tiếp tục đưa thêm các mã cổ phiếu khác để anh H. mua nhằm tăng thêm lợi nhuận. Tuy nhiên khi nạn nhân đặt lệnh mua, hệ thống tự phân phát cho anh H. số lượng cổ phiếu lớn dẫn đến số tiền trong tài khoản ứng dụng của nạn nhân bị âm.

Thấy vậy, các đối tượng yêu cầu anh H. nạp thêm tiền để tài khoản không bị khóa. Đến lúc này, anh H. mới nghi ngờ các đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền nên không nạp thêm tiền vào tài khoản. Tổng số tiền anh H. bị đối tượng chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.

Hay trường hợp của anh H. (ở Hà Nội) nhận được điện thoại lạ của một người phụ nữ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán nhưng anh từ chối. Tuy nhiên, người này tiếp tục đề nghị kết bạn qua Zalo và sau đó mời anh H. vào nhóm "Chia sẻ giao lưu Quỹ SeQuoia Capital VN". Vì tò mò đọc tin nhắn trong nhóm và theo dõi thấy các mã chứng khoán được tư vấn tăng tốt, hiệu quả nên anh H. đã tham gia. Sau đó, người đàn ông này được hướng dẫn cài app "Smart SQV" mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Số tiền anh H. đã đầu tư mua mã chứng khoán là 14 tỷ đồng và giá trị sau khi tăng "ảo" là hơn 30 tỷ đồng.

Tiếp đó, anh H. nhận được các thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về. Để rút được tiền, anh H. phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận là 1,6 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 332 triệu đồng. Nộp xong, anh H. không liên lạc được với quỹ đầu tư chứng khoán trên. Lúc này anh mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Một trường hợp khác là anh A. (ở Hà Nội) được một tài khoản mạng Zalo mời đầu tư chứng khoán qua Quỹ đầu tư SeQuoia VN. Anh A. đã giao dịch với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng nhưng khi bán mã cổ phiếu đã mua thì nhận được thông báo: "Đóng băng vị thế!", không bán được. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh A. đã đến cơ quan công an trình báo.

Cơ quan công an cảnh báo: Để tránh rơi vào bẫy và trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các nhà đầu tư nên tìm hiểu về hệ thống bảo mật, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch, công ty trực tuyến; hệ thống bảo mật và cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân tài sản của người dùng.

Mọi người cần cảnh giác với mức phí, chi phí, đặc biệt cần cẩn trọng với các khoản phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường. Cẩn thận khi người khác đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư chưa có thông tin rõ ràng... Đặc biệt, người dân cần cảnh giác với các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán online. Không làm theo những hướng dẫn, mời chào của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram...