Điển hình như, Dự án khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai 1 thuộc địa bàn các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai được khởi công năm 2008 với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch là 289,67ha, do Công ty CP Đầu tư KCN Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên định hướng quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và là một trong những KCN được ghi vào danh mục các KCN ưu tiên phát triển.
Đến năm 2016, dự án cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, KCN Hoàng Mai 1 chỉ có lèo tèo vài nhà đầu tư đăng ký thuê đất, đầu tư dự án. Phần lớn diện tích khu công nghiệp vẫn đang “ngủ đông” chờ các nhà đầu tư đến “đánh thức”...
Trước thực trạng trên, cuối năm 2017, Công ty CP Đầu tư KCN Hoàng Mai đã làm thủ tục để chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất, cơ sở hạ tầng cho Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt có trụ sở tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau khi bàn giao cho chủ đầu tư mới, KCN này có tổng mức đầu tư 740 tỷ đồng, thay đổi quy mô từ 289,67ha xuống còn 264,77ha nhưng cũng không mấy tươi sáng hơn!
Tìm hiểu của phóng viên được biết, không chỉ dự án KCN Hoàng Mai 1 đìu hiu, ở thị xã Hoàng Mai còn có KCN Đông Hồi tại 2 xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc với diện tích 1.436ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay KCN này cũng chỉ hút được vài dự án vào đầu tư (Nhà máy Hoa Sen Nghệ An - Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An; Bến cảng Thanh Thành Đạt thuộc cảng biển Đông Hồi - Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; Nhà máy bánh kẹo Hải Châu II… ). Phần lớn diện tích còn lại vẫn là bãi đất trống, hoang hóa hàng nghìn hecta, trở thành nơi chăn thả gia súc cho người dân địa phương.
Tại KCN Nghĩa Đàn xã Nghĩa Hội (huyện Nghĩa Đàn), được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 từ tháng 11/2012, quy mô diện tích gần 250ha, do Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ đầu tư. Đến nay, KCN này chỉ có duy nhất 1 dự án đầu tư và đi vào hoạt động là Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An - Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm với gần 40ha...
Tính đến tháng 3/2020, KCN VSIP Nghệ An (huyện Hưng Nguyên), cũng mới chỉ có 8 dự án đi vào hoạt động, 7 dự án đang triển khai xây dựng và 5 dự án đang làm thủ tục sau cấp phép. Hiện, tổng diện tích cho thuê đất trong KCN này mới chỉ đạt 53,38ha/368ha đất. Một tỷ lệ đang rất thấp nếu so với những tiềm năng, thế mạnh cũng như các điều kiện lý tưởng cho nhà đầu tư thứ cấp mà KCN VSIP Nghệ An đang có.
Tìm hiểu được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 11 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng; trong đó, có 6 KCN đang xây dựng hoặc đã đi vào hoạt động gồm: KCN Bắc Vinh (60ha), KCN Tân Kỳ (600ha), KCN Nghĩa Đàn (200ha), KCN Sông Dinh (300ha), KCN Tri Lễ (200ha), KCN Phủ Quỳ (300ha) được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung vào danh mục các KCN ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đặc biệt, KKT Đông Nam với quy mô rộng 20.776,47ha bao gồm: Toàn bộ KCN Nam Cấm, KCN Hoàng Mai 1, KCN Hoàng Mai 2, KCN Đông Hồi, KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP và KCN - Đô thị Hemaraj.
Với tiềm năng và lợi thế đã nêu trên, vậy đâu là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư “kén chọn” với các cụm, KCN ở Nghệ An? Theo tìm hiểu, một số nhà đầu tư lại cho rằng, hạ tầng kỹ thuật của các KCN hiện nay vẫn chưa đồng bộ. Nhiều KCN ở Nghệ An vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, giao thông, nước sinh hoạt, cơ chế chính sách thay đổi liên tục. Bên cạnh các nguyên nhân khác, thì khó khăn trong thu hút đầu tư của Nghệ An là hệ thống hạ tầng, dịch vụ logictics còn kém phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư dù được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chú trọng, song vẫn chưa thực sự thông thoáng, khiến nhiều nhà đầu tư với tâm ý e ngại....
Về lâu dài, tình trạng nhiều khu, cụm công nghiệp bỏ hoang hoặc thiếu vắng nhà đầu tư gây lãng phí về đất đai, hạ tầng, trong khi ngân sách còn hạn hẹp, người lao động địa phương cần việc làm. Trong nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.
Để hút các nhà đầu tư đến các khu, cụm công nghiệp, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng: Ban Quản lý KKT Đông Nam cần chủ động hơn nữa tham mưu với UBND tỉnh trong xử lý những tồn tại, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh hấp dẫn, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện các mục tiêu phát triển đặt ra. Trước mắt, cần linh hoạt trong thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất ở các KCN, trên cơ sở phối hợp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19…”.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam, cho hay: Năm 2022, Ban Quản lý KKT Đông Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương.
Mục tiêu xây dựng và phát triển KKT Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi được tỉnh Nghệ An đặt ra.