Nhiều hợp tác xã (HTX) ở Hà Tĩnh đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, làm chủ dây chuyền và mang về nguồn thu lớn mỗi năm.
 
Làm chủ sản xuất, tăng hiệu quả
 
Chăn nuôi lợn, ngoài nguồn vốn, hạ tầng, điều quan trọng phải chủ động quy trình sản xuất. Muốn vậy, đòi hỏi người nuôi phải đầu tư công nghệ tiên tiến chứ không phải làm theo kinh nghiệm xưa cũ.
 
“Chúng tôi chi hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng nuôi theo tiêu chuẩn châu Âu. Với quy trình tự động, lợn được ăn uống khoa học theo khung giờ. Mình chỉ việc theo dõi camera để điều chỉnh chế độ phù hợp. Chẳng thế mà, trước đây, mỗi người giỏi lắm chỉ nuôi được 200 con lợn thì nay 1 người có thể nuôi được 600 con lợn/lứa”, ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi, dịch vụ, xây dựng tổng hợp Hợp Lực (Cẩm Xuyên) cho biết.
 
 
HTX Chăn nuôi, dịch vụ, xây dựng tổng hợp Hợp Lực đã chủ động được quy trình sản xuất
 
Đến thời điểm này, HTX Chăn nuôi, dịch vụ, xây dựng tổng hợp Hợp Lực đã trở thành điểm sáng về chăn nuôi lợn theo hình thức tự chủ. Nắm vững công nghệ, chủ động phòng dịch, trang trại quy mô 400 con nái của HTX luôn đứng vững trước sức ép dịch bệnh. Đều đặn HTX xuất bán số lượng lớn lợn giống và lợn thịt, doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm.
 

 
HTX Thương mại và Dịch vụ cây trồng Đồng Uyên (xã Thượng Lộc - Can Lộc) đầu tư hơn 800 triệu đồng làm nhà màng trồng dưa lưới theo công nghệ Israel.
 
Ông Võ Thúc Đồng - Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ cây trồng Đồng Uyên (xã Thượng Lộc - Can Lộc) chia sẻ: “Tháng 2/2020, HTX chi hơn 800 triệu đồng đầu tư nhà màng trồng dưa lưới theo công nghệ Israel. Chỉ cần thao tác trên thiết bị, dưa được chăm sóc tự động với chế độ đặc thù. Cây không chỉ phát triển tốt mà còn có sức chống sâu bệnh, cấp dinh dưỡng cho quả nhanh lớn, ngon ngọt”.
 
Lứa dưa đầu tiên thu hoạch trong niềm vui được mùa của HTX khi sản lượng đạt 5 tấn trên diện tích 1.500 m2. Dưa lưới được thương lái bao tiêu với mức giá cao, đưa doanh thu từ đầu năm lại nay của HTX đạt trên 700 triệu đồng. Thành công đó đã tiếp sức để HTX thương mại và dịch vụ cây trồng Đồng Uyên mở rộng quy mô sang xã Kim Song Trường và TP Hà Tĩnh.


 
Nhiều HTX chế biến thủy hải sản ở Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ muối nước mắm bằng năng lượng mặt trời.
 
Nếu trước đây, các HTX chế biến thủy hải sản ở Hà Tĩnh chỉ muối nước mắm trong chum vại thì nay họ đã quen với ứng dụng công nghệ mặt trời để cho những giọt nước mắm thơm ngon. Giờ đây, cũng nguồn nguyên liệu đó, quy trình chế biến đó, nhưng người sản xuất có thể giảm 1/3 thời gian và 2/3 nhân lực. Lượng nước mắm cốt sử dụng công nghệ mới thu được nhiều hơn 30% so với phương pháp truyền thống. Hơn nữa, công nghệ mới còn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cao, đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.


 
HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân - huyện Kỳ Anh) đầu tư gần 1,2 tỷ đồng lắp dây chuyền đóng chai tự động.
 
Các thương hiệu nước mắm nổi tiếng của Hà Tĩnh như: Lạch Kèn, Luận Nghiệp, Phú Khương... đều ra đời bằng công nghệ mới. Hiện nay, có HTX đã có trên 100 bệ năng lượng mặt trời, đưa về sản lượng hàng trăm ngàn lít nước mắm/năm.
 
Ngoài nâng tầm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, các HTX còn quan tâm, coi trọng hình thức, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân - huyện Kỳ Anh) đầu tư gần 1,2 tỷ đồng lắp dây chuyền đóng chai tự động nhằm tăng năng suất, tạo sự đồng nhất cho sản phẩm.
 
Đồng hành hỗ trợ hoàn thiện công nghệ
 
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh phấn khởi: “Thực tiễn chứng minh, khoa học - công nghệ là “chìa khóa” giúp các HTX làm chủ quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm. Các HTX tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là những đơn vị cho ra đời lượng hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, mang về nguồn thu lớn”.
 
 
Ngoài chính sách về vốn, đất đai... thì chính sách hỗ trợ đầu tư KHKT vào sản xuất được Hà Tĩnh chú trọng.
 
Cũng theo ông Hùng, những năm qua, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ HTX. Ngoài chính sách về vốn, đất đai, xúc tiến thương mại thì chính sách hỗ trợ đầu tư KHKT vào sản xuất được tỉnh đặc biệt chú trọng. Giai đoạn 2015 - 2020, Hà Tĩnh đã hỗ trợ phát triển công nghệ sinh học gần 14 tỷ đồng, hỗ trợ thiết kế và đăng ký xác lập quyền bảo hộ công nghiệp cho 94 HTX với số tiền 1 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 9 HTX về các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với số tiền 6,2 tỷ đồng. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cũng hỗ trợ 3 HTX vay vốn để thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất với số vốn vay ưu đãi là 4,5 tỷ đồng…
 

Giai đoạn 2020 - 2025, Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành hỗ trợ HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
 
Để tạo sức bật cho HTX, giai đoạn 2020 - 2025, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành với cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.