Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trong năm 2021 cả nước có 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thì có đến 57 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ và 45 doanh nghiệp có số nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu và 10 doanh nghiệp có tỷ lệ phát hành trái phiếu gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.

Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có rủi ro tài chính

Một số tổ chức phát hành là công ty chưa niêm yết, không phải công ty đại chúng, có thời gian hoạt động ngắn, khó tìm kiếm thông tin về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, không có trang web; một số doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ hoặc tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) thấp dưới 1%.

u-1654171180.jpg

Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 có vấn đề, trong đó có khoản lỗ lớn, nợ gấp từ 5-10 lần vốn chủ sở hữu (Ảnh minh hoạ).

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, một số doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ hoặc tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) thấp dưới 1%. Điển hình như Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai lỗ 188,7 tỷ đồng năm 2020; CTCP Tư vấn quản lý và đầu tư Đỏ lỗ 13,5 tỷ đồng, ROE -16,95% năm 2020; CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc lỗ 964 tỷ đồng, ROE -40% năm 2020…

Theo thống kê của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia dựa trên số liệu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch niêm yết của FinGroup, có 98,3% (1056/1074) các công ty niêm yết và đăng ký giao dịch tại HoSE, HNX, UpCoM có tỷ lệ Nợ vay/Vốn chủ sở hữu từ 05 lần trở xuống.

Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ, một số doanh nghiệp bất động sản huy động khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao (12-13%/năm, gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng). 

Đơn cử, trong hồ sơ công bố thông tin phát hành lô trái phiếu WTPCH2125003 trị giá 3.230 tỷ đồng do Công ty CP Cung điện Mùa Đông phát hành ngày 16/12/2021, không đề cập đến mục đích sử dụng vốn, trong khi 2 lô phát hành riêng lẻ trước đó có đề cập đến mục đích sử dụng vốn. Nhưng số vốn hoàn toàn sử dụng sai mục đích, không sử dụng vào hoạt động kinh doanh theo hồ sơ trái phiếu.

Đặc biệt, số vốn huy động động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp "lòng vòng" qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư, đặc biệt trong trường hợp dự án đầu tư gặp khó khăn, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển vốn có thể mất khả năng thanh toán đồng thời tạo nên hiệu ứng dây chuyền trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài vấn đề của doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tín dụng cũng được cảnh báo nhiều nguy cơ khi tham gia sâu vào hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Cảnh báo đến hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng

Báo cáo trích dẫn, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các trái chủ và hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, trên thị trường sơ cấp, trong năm 2021, các tổ chức tài chính và công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính, lần lượt mua 37,87% và 34,47% tổng khối lượng phát hành. 

Còn trên thị trường thứ cấp, tính đến cuối năm 2021, tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân lần lượt nắm giữ 45,76% và 30,1% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký. Như vậy, phần lớn các trái phiếu được các công ty chứng khoán mua trên thị trường sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tài chính, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác.

Tính đến cuối tháng 3/2022, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là 326.500 tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021, trong đó có một số ngân hàng thương mại tăng đầu tư trái phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến ngày 14/01/2022 trước thời điểm Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tài chính mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 15/01/2022) nhằm tránh những quy định chặt chẽ hơn tại Thông tư.

Trong đó quy định tổ chức tài chính không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Nếu tính cả đầu tư trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn và cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 160,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so với cuối năm 2021.