Để người dân đủ lương thực thực phẩm, yên tâm ở nhà chống dịch, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình “Đi chợ giúp dân” thiết thực, hiệu quả.

Những “Bông lúa vàng” ở Quang Phong (Thái Hòa)

Nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai “Đi chợ giúp dân” mùa dịch
Ngay khi địa bàn phường thực hiện Chỉ thị 16, Hội Nông dân phường Quang Phong đã lập tức thành lập đội tình nguyện "Bông lúa vàng" đi chợ giúp dân. Ảnh: TP

Khi TX Thái Hòa thực hiện Chỉ thị 16, trên địa bàn phường Quang Phong có 36 trường hợp cách ly tại nhà và 1 trường hợp cách ly tập trung, nhiều học sinh, công nhân ở trọ trên địa bàn Thái Hòa “mắc kẹt” lại do dịch nên Hội Nông dân phường đã thành lập Đội tình nguyện “Bông lúa vàng” với 8 thành viên tham gia.

“Đội có nhiều hoạt động phục vụ công tác phòng chống dịch như: Nấu cơm cho khu cách ly, kiểm soát cắt góc thẻ đi chợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân… Tuy nhiên, khi việc phòng dịch được “nâng cao một mức, đi trước một bước” thì đội triển khai hoạt động đi chợ giúp dân”, anh Phan Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quang Phong (TX. Thái Hòa) cho biết.

Nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai “Đi chợ giúp dân” mùa dịch
Hàng ngày, dựa trên nhu cầu của người dân, các tình nguyện viên sẽ đi chợ mua hàng và giao đến tận nơi cho mỗi gia đình. Ảnh: TP

Theo đó, hàng ngày, 8 thành viên của đội sẽ tập hợp đơn hàng qua tin nhắn Facebook, Zalo, điện thoại của các hộ có nhu cầu, trong đó, tập trung vào các gia đình cách ly, học sinh, công nhân thuê trọ trên địa bàn thị xã. Chỉ trong 2 ngày triển khai, đội đã đi chợ giúp cho khoảng 200 gia đình với hàng trăm đơn hàng gồm những mặt hàng thiết yếu như: rau xanh, thịt, gạo, thực phẩm khô…

Nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai “Đi chợ giúp dân” mùa dịch
Các tình nguyện viên trong đội "Bông lúa vàng" ở Quang Phong hàng ngày đi chợ giúp dân. Ảnh: TP

Riêng đối với các hộ gia đình và học sinh bị kẹt lại phòng trọ trên địa bàn thì hoạt động “Đi chợ giúp dân” thực sự có ý nghĩa. Em Lê Minh Thiện, một học sinh ở trọ trên địa bàn phường Quang Phong cho biết: “Là học sinh ở trọ, không chuẩn bị trước thức ăn, gạo, mỳ… nên em cũng như các bạn khá bị động khi phường thực hiện Chỉ thị 16. Cũng may, em và mọi người được các cô, chú ở Hội Nông dân phường đi chợ mua giúp và hỗ trợ rau, cá, gạo”.

Để người dân vùng biển không thiếu rau xanh

Nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai “Đi chợ giúp dân” mùa dịch
Bằng nhiều cách khác nhau, mô hình "Tổ kết nối, hỗ trợ nông dân" ở 7/7 phường của TX. Cửa Lò đã cung ứng đủ rau xanh cho người dân vùng biển. Ảnh: Thanh Phúc

Thu Thủy là phường đặc thù, không có đất sản xuất, nhà cửa san sát nên đất vườn để trồng rau cũng rất hiếm. Do đó, khi phường thực hiện cách ly xã hội, Hội Nông dân phường đã nhanh chóng thành lập đội tình nguyện để kết nối cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thu Thủy cho biết: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi nhận đi chợ hộ cho khoảng 100 gia đình trên địa bàn phường. Trong 1 tuần nay, đã thực hiện vận chuyển, cung ứng hơn 1.000 đơn hàng đến các hộ dân”.

Nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai “Đi chợ giúp dân” mùa dịch
Sau khi tập hợp đơn hàng, rau xanh sẽ được đặt mua hàng ngày đảm bảo tươi, ngon, giá bình ổn. Ảnh: TP

Với đặc thù là địa phương vùng biển, một số phường, người dân không có đất vườn để trồng trọt nên khi thị xã thực hiện Chỉ thị 16 thì nhiều nơi, bà con không chuẩn bị kịp thực phẩm, nhất là rau xanh tích trữ.

Bà Trần Hoàng Phương, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã chia sẻ: “Với đặc thù vùng biển, đất sản xuất ít, cá biệt có những phường như: Nghi Thủy, Nghi Tân, Nghi Hải không có đất vườn, đất ruộng để canh tác. Khi dịch bệnh bùng phát, thị xã có nhiều ca dương tính trong cộng đồng buộc phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để phòng dịch thì việc cung ứng rau xanh gặp khó khăn. Do đó, thị hội đã có kế hoạch chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở có phương án cụ thể để cung cấp các mặt hàng thiết yếu, nhất là rau xanh đến người dân”.

Theo đó, ở mỗi phường sẽ thành lập "Tổ kết nối, hỗ trợ nông dân" với các tình nguyện viên là cán bộ Hội Nông dân thực hiện việc đi chợ giúp dân, kết nối với Hội Nông dân các địa phương khác, nhất là các vùng trồng rau như Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hòa (Cửa Lò), Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Trường (Nghi Lộc) để có nguồn cung ổn định, giá cả bình ổn.

Theo đơn đặt hàng của mỗi hộ dân, các tổ sẽ tổng hợp lại lượng rau cần trong 2-3 ngày, sau đó liên hệ với các địa phương có rau, vận chuyển về các phường, các thành viên trong tổ chia rau theo đơn, mang đến từng nhà dân.

Nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai “Đi chợ giúp dân” mùa dịch
Những gia đình cách ly yên tâm hơn khi được cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: TP

Hiện 7/7 phường đều thành lập các tổ, nhóm đi chợ giúp dân, vừa mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình có nhu cầu; vừa bán các mặt hàng như: hải sản, cá, gia cầm, trứng gia cầm… cho các hộ dân. Chỉ tính riêng 1 tuần qua, các cấp Hội ở Cửa Lò đã cung ứng 7 tấn rau xanh các loại phục vụ người dân trên toàn thị xã. Do đó, dù khó khăn về nguồn cung song các hộ dân trên địa bàn phường vẫn được cung cấp đầy đủ, đa dạng các loại rau xanh, giá cả bình ổn.

Nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai “Đi chợ giúp dân” mùa dịch
Mô hình "Đi chợ giúp dân" đang được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Thanh Phúc

Thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu thực phẩm của người dân ngày mỗi cao, trong khi việc đặt hàng online bị gián đoạn, nhiều người lớn tuổi, người không có điện thoại thông minh, nhất là vùng nông thôn sẽ khó khăn trong việc đi chợ onine, mô hình "đi chợ hộ" được triển khai ở hầu hết các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh. Lực lượng chủ chốt là các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…

Đây là hoạt động hết sức thiết thực trong thời điểm hiện tại, đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân với giá bình ổn, hạn chế người dân ra đường, vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người dân trong điều kiện dịch bệnh.