Chính phủ ban hành Nghị quyết 103/2022 về chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non và tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do Covid-19.
"Mục tiêu của Nghị quyết là hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giúp ổn định đội ngũ, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học ngoài công lập; bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh, giúp phụ huynh có con trong độ tuổi Mầm non, Tiểu học yên tâm tham gia lao động, góp phần để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống và an sinh xã hội", nghị quyết nêu.
Theo Nghị quyết, đối tượng được hỗ trợ gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục Mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; cơ sở giáo dục Tiểu học tư thục; Trường Mẫu giáo, Mầm non SOS, Trường Tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 (cơ sở giáo dục ngoài công lập).
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách khi bảo đảm các điều kiện sau: Là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, những người được hưởng chính sách còn phải đáp ứng các điều kiện: Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết số 68 của chính phủ do không tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc; có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại) ít nhất hết năm học 2021 - 2022.
Nghị quyết nêu rõ, hỗ trợ một lần mức 3,7 triệu đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP; hỗ trợ một lần mức 2,2 triệu đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Nghị quyết yêu cầu việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học ngoài công lập dễ dàng tiếp cận chính sách.
Bên cạnh đó, Nghị quyết có nội dung về việc không hỗ trợ đối tượng đã được hưởng chính sách đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ (Nghị quyết số 68/NQ-CP); không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia; nếu đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách thì chỉ giải quyết hỗ trợ theo chính sách cao nhất.
Việc hỗ trợ phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phát huy tính chủ động của các cấp, ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương còn lại.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Năm học 2019-2020, cả nước có 15.041 trường mầm non, trong đó 2.900 trường ngoài công lập. Về số lượng nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, tổng cả nước có hơn 193.700, ngoài công lập chiếm khoảng một phần bốn - 50.500. Việt Nam có hơn 5 triệu trẻ mẫu giáo, mầm non và khoảng 1 triệu trong số đó theo học tại các cơ sở ngoài công lập.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho thấy, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Năm ngoái, hơn 150 cơ sở giáo dục mầm non tại TP HCM xin giải thể vì Covid-19 kéo dài. Tháng 10/2021, gần 100 chủ cơ sở mầm non khác phải làm đơn kiến nghị, xin sự hỗ trợ từ các ban ngành và chính quyền./.