Cuộc gặp giữa tôi và nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu diễn ra thân thiện, cởi mở. Tham gia “cafe âm nhạc” sáng ấy còn có người thầy, người anh cùng quê xứ Nghệ của ông là nhạc sỹ Mạnh Chiến. Trịnh Ngọc Châu hiền lành đến thánh thiện, nhìn vóc dáng bên ngoài chẳng khó nhận ra...
 
Chúng tôi ngồi đàm đạo về âm nhạc trong khuôn viên Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
 
Trịnh Ngọc Châu mở lời nhẹ nhàng, chất giọng của một người thầy và là người “làm nhạc”. Tôi hỏi ông về ví giặm. Như nguồn nước cái được khơi, nhạc sỹ nói về dân ca với tất cả sự say mê... Tôi có cảm giác, với ông, dân ca ví, giặm là hơi thở, mạch nguồn xuyên suốt cuộc đời, chỉ cần chạm đến sẽ tự nhiên tuôn trào.
 
Trịnh Ngọc Châu tuổi Tuất, sinh ra và lớn lên ở Nghi Xuân, nơi đêm ngày lao xao nhịp sóng biển vỗ bờ. Cái nôi văn hóa Lam Hồng ấy từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn đằm thắm đậm đà tình đất, tình người, từ thuở “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (thơ Chế Lan Viên) đến “Ông tổ ca trù” Cổ Đạm là Nguyễn Công Trứ và biết bao danh nhân được lưu danh sử sách. Trịnh Ngọc Châu như một ngọn suối nhỏ của mạch nguồn văn hóa đó.
 
Trong câu chuyện ông nhắc mãi mình là người may mắn. May mắn vì được sinh ra và lớn lên trong cái nôi giàu truyền thống; may mắn được thừa hưởng kho tàng dân ca ví, giặm vô cùng giá trị của quê hương để làm chất liệu xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình; may mắn vì gặp một người thầy “quyết định” ngã rẽ cuộc đời để ông dấn thân cho âm nhạc, người bạn vong niên hiện nay của ông, đó là nhạc sỹ Trần Mạnh Chiến.
 
Tôi có cảm tưởng như hai ông “bổ sung” cho nhau cả trong đời sống lẫn âm nhạc: một người cá tính, sôi nổi; một người lắng đến độ tinh khiết. “Thuở nhỏ, tôi đã mê những khúc hát thấm đẫm tình yêu thương của bà, của mẹ. Đất Hà Tĩnh tuy còn nghèo nhưng con người lại sâu nặng nghĩa tình, bất kỳ nhạc sỹ nào đến đây cũng tìm được những cảm xúc riêng và gửi gắm vào âm nhạc”, nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu tâm sự.
 
Ngày còn bé tí, Trịnh Ngọc Châu thường xuyên đi hát bội (hát tuồng), và ông hát rất hay. “Tôi hạnh phúc là sinh ra trong 1 gia đình, dòng họ hát rất hay, đều là nghệ nhân tuồng bội. Năm 12 tuổi tôi đã hát tuồng bội, đi học hát trong trường.
 
Những năm cuối thập niên 60, thời nhạc sỹ Mạnh Chiến là nhạc công Violon Đoàn Văn công Hà Tĩnh, có lần ông hỏi: “Mày có thích học nhạc không”, đó là năm 1968. Đến năm 1975, khi tôi học lớp 9 thì Đoàn của Trường Âm nhạc Việt Nam do GS. TS Bích Ngọc - chồng của NSND điện ảnh Trà Giang về tuyển. Nhạc sỹ Mạnh Chiến lại là người đưa tôi đi thi, tôi trúng tuyển và cuộc đời gắn bó với âm nhạc từ đó”, nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu chia sẻ.
 
Gần 10 năm từ 1975 - 1984 “dùi mài” ở Khoa Âm nhạc cổ truyền dân tộc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Trịnh Ngọc Châu là “học trò cưng” của các thầy giáo về âm nhạc nổi tiếng như Xuân Khải, Hồng Thái, Lê Văn Phổ... trực tiếp giảng dạy. Năm 1984, sau khi  tốt nghiệp,  dù  có rất nhiều lời  mời  của các Đoàn  Nghệ thuật  Trung ương nhưng nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu “khăn gói” về Hà Tĩnh công tác. Từ 1984 - 1991, ông là giáo viên, Trưởng khoa Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Hơn 10 năm sau, từ 1991 - 2003, giáo viên, Trưởng khoa Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh. Từ năm 2003 - 2005, Trưởng đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh. 10 năm sau đó, từ năm 2005 – 2013, Trịnh Ngọc Châu làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Văn hóa triển lãm tỉnh Hà Tĩnh. Và chức trách cuối cùng, từ 2013 - 2019, trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh.
 
Hội Nhạc sỹ Việt Nam đánh giá Trịnh Ngọc Châu là nghệ sĩ biểu diễn, nhà quản lý, hoạt động âm nhạc giàu kinh nghiệm, có những đóng góp thiết thực trong phát hiện, đào tạo tài năng và phong trào hoạt động âm nhạc chuyên cũng như không chuyên của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều thế hệ học trò như NSƯT Tố Nga, ca sỹ Thành Lê, ca sỹ Bùi Lê Mận.., đều được Trịnh Ngọc Châu phát hiện và tham gia đào tạo.
 
Mỗi đợt đi diễn ở cơ sở, Trịnh Ngọc Châu thường lân la hỏi chuyện những người già, những người am hiểu về dân ca để tìm hiểu, ghi chép. Càng đi sâu nghiên cứu về dân ca ví, giặm ông càng đắm say trước vẻ đẹp của ca từ và giai điệu vừa giản dị, trong sáng vừa sâu sắc, tinh túy. Ông nhận thấy mình là người có nhiều duyên nợ với dân ca.
 
“Tôi được sống trong Khoa Âm nhạc cổ truyền, đặc biệt là các nghệ nhân dân gian, nhất là chèo. Trong sáng tạo nghệ thuật, tôi luôn nghĩ đến trách nhiệm. Vì thế cho đến nay, trong tác phẩm của tôi không bài nào giống bài nào, dẫu là âm hưởng ví giặm nhưng không phải là “hát ví giặm” mà khúc thức, luyến láy... đều được làm mới. Khi bắt tay vào viết nhạc tôi nghĩ “có lặp lại mình, có lặp lại ai đó không?”, nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu chia sẻ.
 
Năm 2014, nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu vui mừng khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Bằng mọi cách chúng ta phải bảo tồn và phát triển nó, phải làm cho nó đẹp hơn, phù hợp hơn với cuộc sống đương đại. Phải làm sao để sau khi được vinh danh, chúng ta đi đến bất cứ làng quê nào, trường học nào, cơ quan nào cũng được nghe những làn điệu dân ca da diết chứ không chỉ đơn thuần là sân khấu hóa?”, ông suy nghĩ. Ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, trực tiếp là ngành Văn hóa sở tại “không thể thiếu trách nhiệm của những người sáng tác”, nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu xác định.
 
Chính vì xác định “người trong cuộc”, ông không nhớ nổi mình đã đặt chân đến bao làng quê, gặp gỡ bao nhiêu nghệ nhân. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm với những cung bậc cảm xúc khác nhau, khơi gợi trong lòng người nghệ sỹ bao điều nghĩ suy, trăn trở. Có lần đi diễn ở một lâm trường ở khu vực miền Tây xứ Nghệ, ông thấy cảnh công nhân vừa hò vừa kéo xe gỗ.
 
Vốn là người am hiểu về dân ca, lại tận mắt chứng kiến ý nghĩa to lớn của dân ca đang sống trọn vẹn, đúng nghĩa trong đời sống người dân, cổ vũ tinh thần lao động và ông tự đặt câu hỏi “sao không phát triển nó lên?”.
 
Cho đến nay, sau 5 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh chính thức vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông vui mừng vì toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng trăm câu lạc bộ, nhất là các câu lạc bộ trong ngành Giáo dục, nhiều trường đã đưa ví giặm vào chương trình ngoại khóa.
 
Trịnh Ngọc Châu đã đưa hình thái dân gian đương đại vào tác phẩm, dễ tới công chúng, thấm đẫm, ngọt ngào. Yêu Trịnh Ngọc Châu là yêu quá khứ trong lành, ngọt ngào, đương đại trên dòng chảy quá khứ. Không xơ cứng, tạo lối đi riêng, ghi được dấu ấn của cuộc đời mình. Những tác phẩm gần đây rất trẻ, sinh động, dẫu tuổi đã về hưu. Với một nhạc sỹ, đó là điều rất cần thiết, tâm hồn phải gắn với nhịp đập đương đại. Được đào tạo cơ bản, vững bền trong chân dung kỹ thuật. Nghệ thuật không nhìn vào số lượng mà quan trọng là chất lượng tác phẩm.
 
Trong gia tài âm nhạc Trịnh Ngọc Châu hiện có những ca khúc đáng chú ý: “Nhìn trăng nhớ mẹ”, “Trần Phú đẹp mãi tên anh”, “Quảng Trị anh hùng”, “Thăm thành Sen - thành phố trẻ”, “Quê mẹ”, “Vương vấn Hương Sơn”, “Anh có về Hà Tĩnh với em không”, “Ký ức Đồng Lộc”, “Về Đồng Lộc”... Và nhiều tác phẩm mới chưa công bố như “Mùa xuân tình yêu”, “Con đường quê”.
 
Ông đã nhận được nhiều huy chương thông qua các cuộc hội diễn, hội thi, liên hoan của tỉnh và toàn quốc, 13 ca khúc Trịnh Ngọc Châu đã từng được tặng Huy chương Vàng, Bạc trong Liên hoan Học sinh - Sinh viên toàn quốc 1990, 1998, 2002, Liên hoan Âm nhạc Bắc miền Trung do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại thành phố Huế tháng 11/2011...
 
Tháng 4/2016 tại Liên hoan Âm nhạc Bắc Trung Bộ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng bằng khen cho 14 tác phẩm xuất sắc, gồm sáu tác phẩm đạt giải A và tám tác phẩm đạt giải B. “Về miền ví, giặm giận thương” của nhạc sĩ Trịnh Ngọc Châu là 1 trong 6 tác phẩm đạt giải A. Đó là sự ghi nhận mới nhất về sáng tác của thầy giáo, nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu.
 
Người ta dễ dàng nhận thấy những âm hưởng Dân ca xứ Nghệ trào dâng trong những tác phẩm của ông. Chất liệu dân gian đã được ông khai thác, tạo nên giai điệu mượt mà, tan chảy trong mỗi ca từ, nhịp phách. Ông bảo: “Dân ca là tài sản chung, ai khai thác được nhiều và sử dụng khéo léo thì người đó thành công. Phải lấy cho được cái tinh hoa của người xưa dựa trên cái nhìn sâu sắc, mới mẻ của con người thời đại mới”.
 
Mỗi một nhạc phẩm là một đứa con tinh thần được sinh ra trong suốt thời gian dài nhọc nhằn thai nghén. Ca khúc của Trịnh Ngọc Châu chủ yếu khai thác giai điệu, âm hưởng của miền ví, giặm. Cái “hồn quê”, “hồn người” trong ca khúc ông cũng giống như làn điệu đã nuôi dưỡng tâm hồn con người sinh ra trên quê hương núi Hồng - sông Lam. Vì thế, ca khúc Trịnh Ngọc Châu gần gũi, đồng điệu, ngọt ngào, dễ đắm say. Trịnh Ngọc Châu tâm sự, ông đã và đang sáng tác về quê hương, và xem đó như là nghĩa cử “trả nợ” quê hương, nơi ông sinh ra, được “tắm” trong mạch nguồn âm nhạc quê hương.
 
“Dấu ấn của Trịnh Ngọc Châu để lại trên nhiều lĩnh vực là đa diện. Thành công của Trịnh Ngọc Châu là thổi vào đời sống văn hóa Hà Tĩnh một sức sống mới. Nhìn lại, tôi vẫn ấn tượng với Trịnh Ngọc Châu trong đào tạo, mô phạm, thánh thiện và chín chắn trong dạy người, dạy nghề, lắng đọng và thánh thiện trong tác phẩm. Nhìn Trịnh Ngọc Châu lặng lẽ nhưng trái tim sôi động lắm đấy”, người anh và là người thầy  -nhạc sỹ Mạnh Chiến nhận xét./.