Theo báo cáo gửi Quốc hội của Chính phủ, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư là 783 triệu Euro. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.176 triệu Euro, tăng gần 400 triệu Euro (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ, gồm: Chính phủ Pháp; Cơ quan phát triển Pháp - AFD; Ngân hàng đầu tư châu Âu - EIB; Ngân hàng phát triển châu Á - ADB và nguồn vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội.
Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu, thời gian hoàn thành dự án là năm 2018. Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi toàn tuyến bị chậm so với kế hoạch ban đầu, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2022 (trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022).
Dự án có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị (5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị) và 1 gói tư vấn chung. Đến nay, đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công).
Tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.
Đến nay, dự án vẫn còn tồn tại vướng mắc mặt bằng, chủ yếu là nhà số 23 Quốc Tử Giám (ảnh hưởng thi công ga S11).
Ngoài ra, nhà tài trợ ADB yêu cầu phải phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm (có móng nhà xung đột với tuyến hầm) trước khi đào tuyến ngầm. Đây là việc chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật hiện hành.
UBND TP. Hà Nội hiện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất chính sách theo yêu cầu của nhà tài trợ và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc nêu trên để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong quý IV/2021.
Đáng chú ý, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đến nay và hiện vẫn tồn tại chậm trễ xử lý đối với nhà 23 Quốc Tử Giám nên nhà thầu HGU (liên danh Huyndai và Ghella) đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD.
Nhà thầu này cũng đề nghị chấp thuận thanh toán nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc và sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, nhà thầu này đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6/2021 và đã có văn bản thông báo tạm dừng công việc.
Nhà thầu cũng đã yêu cầu thành lập ban giải quyết tranh chấp, Ban quản lý dự án cũng đã cử thành viên đại diện cho chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của hợp đồng.
Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang xem xét thành lập ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại của nhà thầu nêu trên./.