Sau mấy tháng dạy học ở Trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành rời trường vào Sài Gòn để thực hiện hoài bão: Ra đi tìm đường cứu nước.
Để thực hiện hoài bão đó, ngày 5/6/1911, với cái tên Văn Ba ghi trên thẻ nhân viên của tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin, Nguyễn Tất Thành từ Cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc sang Pháp.
Gần 10 năm sau vào giữa và cuối năm 1920, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy, đã tìm được con đường cứu nước: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Và bằng con đường cứu nước (mà sau này ta gọi là con đường cách mạng) duy nhất đúng đắn ấy Tổ quốc ta đã giành lại độc lập, tự do, dân tộc ta đã đánh bại 2 đế quốc to, đất nước ta đã đổi mới để Việt Nam ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.
Đảng ta, dân tộc ta đã, đang và mãi mãi kiên định con đường cách mạng duy nhất đúng đắn đó để đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với những ý nghĩa đó, ngày 5/6/1911 thực sự là một ngày lịch sử mang dấu ấn mở đầu của nhiều ngày lịch sử trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh.
Những năm đầu của thế kỷ XX không phải chỉ có một mình Nguyễn Tất Thành mà còn có một số những nhà yêu nước khác sang phương Tây (mà chủ yếu là sang Pháp) để tìm đường cứu nước. Họ cũng rất mẫn tiệp, thông minh. Họ cũng có đầy đủ hành trang từ tinh hoa văn hiến Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông.
Tuy vậy, chỉ có Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc sớm tìm thấy và tìm được con đường cứu nước - Con đường cách mạng mà lịch sử dân tộc Việt Nam đòi hỏi và phó thác.
Tại sao vậy?
Để tìm lời giải cho câu hỏi này, hẳn ngoài sự tương đồng giữa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với các nhà yêu nước cùng sang phương Tây tìm đường cứu nước, chúng ta phải xem xét thấu đáo những điều khác biệt trong cách đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với các nhà yêu nước khác cùng thời.
Khác biệt thứ nhất: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc suốt gần 10 năm hoàn toàn sống bằng lao động, với đủ mọi nghề kể cả những nghề cực nhọc nhất. Tự mình lao động để sống, sống để học hỏi, sống để tìm cho kỳ được “Cái cần thiết cho chúng ta”1. “Con đường giải phóng chúng ta”2. Trong một con người Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc có cùng 2 thân phận: người dân mất nước và người lao động bị áp bức. Điều này hẳn đem đến cho Nguyễn Tất Thành nhận thức sâu rộng hơn sự gắn bó mật thiết giữa yêu nước với thương dân, giữa giải phóng dân tộc với giải phóng người lao động.
Khác biệt thứ hai: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc không chỉ sang Pháp, ở Pháp mà còn sang Anh, sang Mỹ và một số nước châu Âu. Còn đi đến nhiều nước khác ở châu Phi có cùng thân phận thuộc địa “được” văn minh phương Tây “khai hóa” như nước Việt Nam của mình. Hẳn nhờ đó, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã thấu hiểu sâu sắc, cặn kẽ về điều gọi là “Văn minh phương Tây”, về thân phận của dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vượt ra ngoài tầm nhìn quốc gia dân tộc, Người vươn lên tầm nhìn nhân loại.
Khác biệt thứ ba: Hoàn toàn không đứng ngoài để quan sát, tìm tòi và học hỏi, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc dấn thân vào trung tâm cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, vào trung tâm cuộc đấu tranh của phong trào công nhân ngay giữa lòng châu Âu tư bản chủ nghĩa. Nhờ đó, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc nhận ra mối quan hệ giữa con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam với sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đặc biệt, nhận ra mối quan hệ giữa đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh giải phóng giai cấp.
Nhận ra các mối quan hệ ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc giác ngộ sâu sắc khẩu hiệu của Lê nin “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”.
Và cũng từ đó, với Người, cuộc đấu tranh để giành lại độc lập cho dân tộc không thể “đứng một mình” mà nhất thiết phải là một bộ phận của cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc. Nhất thiết phải đặt công cuộc giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mang vô sản thế giới.
Khác biệt thứ tư: Học từ và trong thực tiễn đấu tranh, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đặc biệt tự vượt lên để học lý luận từ các trước tác của các nhà lý luận, các nhà cách mạng mà nhân loại có từ thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX, thế kỷ XX. Người không hề dị ứng với bất cứ học thuyết cách mạng nào, mà luôn tìm cho được những hạt nhân hợp lý từ các học thuyết để làm giàu tri thức lý luận của mình. Người kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn việc học trong sách với học trong thực tiễn đấu tranh.
Nhờ kiên tâm và kiên trì tìm tòi, học hỏi lý luận như vậy, nhờ phương pháp học hỏi khoa học như vậy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến được với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, đến được với học thuyết khoa học và cách mạng của thời đại. Chính đó là nền tảng lý luận để từ tầm nhìn truyền thống - dân tộc nâng lên tầm nhìn thời đại - quốc tế.
Vì sao, nhờ vào đâu, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm thấy, tìm được con đường cứu nước - con đường cách mạng cho dân tộc ta còn có thể có nhiều cách lý giải khác. Xin được các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi và lý giải./.