3 năm trôi qua, nó giống như một giấc mộng kinh hoàng đối với chị Lê Thị Kim Ngân (34 tuổi, quê Phú Yên). Từ một người có tất cả, chị rơi xuống tận cùng bi kịch khi cả cơ thể bốc cháy vì cơn nghĩ quẩn "chết cùng nhau" của chồng. Thoát chết sau khi bị chồng tưới xăng đốt, chị Ngân bỏng 92% cơ thể, trải qua rất nhiều đợt chữa trị, phẫu thuật…, người phụ nữ bất hạnh vẫn cố gắng sống tiếp từng ngày vì 2 đứa con thơ dại.
Tình yêu con giúp người mẹ trở về từ cõi chết…
Một ngày giữa tháng 4/2022, chúng tôi tìm về căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm sâu trong hẻm đường 625, ấp Mũi Côn Tiểu, xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi, TP.HCM, nơi chị Ngân cùng 2 đứa con trai (11 tuổi và 9 tuổi) đang sinh sống.
Loay hoay sửa lại bộ quần áo cho khách, chị Ngân thở một hơi dài, tỏ vẻ mệt mỏi sau nhiều đêm mất ngủ. 9 lần lên bàn mổ, trải qua không biết bao nhiêu đau đớn, giày vò của một cơ thể không lành lặn, chị Ngân mới dần dần đi đứng, cầm nắm được mọi vật.
Đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn vào tấm hình 3 mẹ con chụp chung với nhau trước khi xảy ra vụ việc, chị Ngân nhớ như in cái đêm người chồng nhẫn tâm tưới xăng thiêu sống cả nhà, cùng vợ con quyên sinh vì nợ nần, bệnh tật.
"Lúc đó lửa trên người chị cứ bốc cháy, chị kiệt quệ rồi mà nhìn bên phòng 2 đứa con, nếu mình bỏ cuộc thì tụi nhỏ cũng sẽ chết. Chị bật dậy kêu 2 đứa nhỏ chạy ra ngoài, không hiểu sao chị lại rất tỉnh táo, lúc lên xe máy để vào bệnh viện, chị còn xin được quay lại nhìn con, dặn chúng vài điều vì nghĩ mình sẽ chết. Ngồi xe 5km đường núi xuống bệnh viện, da thịt chị nó bắt đầu nứt ra, chân tay lạnh cóng…", chị Ngân rớm nước mắt.
Sau khi được chuyển viện từ Phú Yên vào TP.HCM để điều trị, suốt 10 ngày đầu, chị Ngân nằm bất động trên giường bệnh, toàn thân băng kín mít. Chỉ cần nhắm mắt lại, ám ảnh về cái đêm kinh hoàng bị chồng thiêu sống lúc nào cũng hiện ra. Đau đớn, tủi nhục, nhiều lúc chị Ngân chỉ muốn chết đi…
"Chị nghĩ đến 2 đứa con, cũng vì bố ruột tụi nó đã bỏ đi từ nhỏ, chị mới ráng tìm một tổ ấm mới đủ đầy, nhưng ai ngờ lại xảy ra việc như vậy. Giờ mà chị buông tay, 2 đứa con chị ai sẽ chăm sóc, nó chỉ có mẹ và còn mẹ thôi", chị Ngân tâm sự.
Dẫu đau đớn đến tột cùng khi nhìn các mảng da bong tróc, lở loét khắp người, bằng một sức mạnh, niềm tin nào đó từ chính 2 đứa con khờ dại, chị Ngân dần dần lấy lại hi vọng sống, cố vượt qua được bệnh tật. Tất nhiên, nó không thật sự dễ dàng…
Sau 4 tháng nằm viện, chị Ngân cũng được về nhà, tuy nhiên mọi sự chăm sóc đều phải nhờ vào 2 cậu con trai. Khi đó một được 8, một đứa 6 tuổi. Lần đầu tiên sau vụ cháy, chị Ngân tập tễnh bước từng bước, nhìn 2 đứa con chạy òa vào ôm chầm lấy mẹ, đôi mắt chị Ngân bỗng lóe lên hi vọng.
"Chị thèm sống, thèm được khỏe lại để làm chỗ dựa cho 2 con. Ba năm qua nó giống như một cơn ác mộng, kinh khủng. Nhiều người hỏi sao mà chị vượt qua được, nó không dễ dàng gì. Nhưng mà vì con, chị phải tiếp tục. Khi mà chị vượt qua cái chết rồi, thời gian để chị đấu tranh với cái cơ thể của mình, nó nặng nề lắm.
Chị đã phẫu thuật khoảng 9 lần rồi, mà lần nào cũng xin khuyến mãi, một lần chị lấy máu rất khó khăn, đâu có chọc được ven đâu. Chị ám ảnh nên cứ mỗi lần đi mổ là chị xin làm thêm, cắt chỗ này tý chỗ kia tý để cho nó đỡ lại.
Chị sợ! Đau lắm, mình cũng thuộc dạng lì lắm rồi nhưng khi lên bàn mổ quá nhiều lần, cảm giác cơ thể mình bị giày xéo thêm lần nữa. Nhìn tay chân chị, đâu còn gì nữa đâu", chị Ngân tâm sự.
"Mặt mày thế kia còn lên mạng hát hò…"
Sau khi có thể đi lại được, chị Ngân quyết định khăn gói một thân một mình ra Hà Nội để nuôi hi vọng giúp cơ thể thêm phần lành lặn. Ngày đầu tiên đến viện, nhìn thấy cơ thể mình phản chiếu qua tấm cửa kính, chị Ngân gục ngã.
"Lúc đó chị chẳng khác gì một bà già, ốm nhom, tóc thì không có, mấy đứa thực tập sinh chạy lại đỡ mình, nó gọi mình là bà, mà chị mới có 31 tuổi thôi… Ai cũng nhìn mình bằng con mắt khác lạ, nhưng nếu chị không cố gắng, thì con mình ở nhà ai lo? Trầy da tróc vẩy, chị không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần, giờ như thế này, đã may mắn lắm rồi", chị Ngân tâm sự.
Để bắt đầu cuộc sống mới, tạm quên tất cả những ký ức kinh hoàng đã xảy ra, Tết năm 2020, 3 mẹ con chị Ngân quyết định rời Phú Yên để vào TP.HCM. Ban đầu, chị Ngân xin làm cho một xưởng may gần nhà, vì thời tiết nóng bức, những vết sẹo chi chít khiến cơ thể chị Ngân không thể chịu nổi. Sau một tháng, chị xin nhận hàng về may tại nhà, vì phải chật vật lo cho 3 miệng ăn, chị bắt đầu bán thêm hàng online.
Thấy nhiều người lên Facebook vừa hát vừa quảng cáo bán hàng, chị Ngân cũng rủ thêm vài người bạn khiếm thị đến hát, livestream, quảng cáo sản phẩm. Người nào thương thì mua hàng ủng hộ, người nào thấy không vừa lòng, để lại những bình luận: "Mặt mày thế kia mà lên mạng hát hò…", khiến chị Ngân tức tưởi.
"Một số người họ không đồng cảm với ngoại hình của mình, họ cho mình những lời cay đắng, chị rất đau đớn. Nhưng biết làm sao, chị vẫn phải cười, vì chị cần mưu sinh để nuôi con.
Chị cũng là một con người, nghe những lời như vậy, sao mà không suy nghĩ, buồn được chứ. Nhưng sau tất cả, nhìn thấy 2 đứa con nó lớn lên mỗi ngày, nó quấn quýt bên mình là chị vui rồi.
Chị đã từng rơi vào đáy xã hội, không còn tiền bạc, ngoại hình gì cả nhưng đổi lại, chị vẫn còn 2 đứa con, còn sống để thấy tụi nó lớn lên mỗi ngày. Suy đi nghĩ lại, chị thấy mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Bởi nhiều người họ không còn cơ hội để sống, chị bằng lòng và chọn cho mình cách sống an yên, nó như cái tên chị gọi cho chính mình: Ngân An Yên".
Trở vào TP.HCM sau hơn nửa năm ở quê tránh dịch Covid-19, 3 mẹ con chị Ngân lại tất bật cho cuộc sống mới. Hiện tại, bé đầu của chị Ngân đã 11 tuổi, học lớp 6, đứa con út cũng vào lớp 4. So với bạn bè cùng trang lứa, 2 đứa trẻ cũng hiểu chuyện và thương mẹ hơn.
Buổi sáng, chị Ngân dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng, thường là mì gói hoặc chiên cơm nguội rồi chở 2 đứa trẻ đến trường học. Riêng công việc nhà, 3 mẹ con tự phân chia với nhau. Dù không được mẹ cho đi học thêm nhưng cả 2 cậu con trai của chị Ngân đều nỗ lực hết sức, cố gắng học tốt hơn từng ngày để làm mẹ vui lòng.
"So với những đứa trẻ cùng trang lứa, 2 đứa con chị nó đã ngoan lắm rồi, chị thì không kỳ vọng nó sẽ học giỏi, trở thành ai đó to lớn, chỉ mong sao con mình sống là một người đàng hoàng.
Nói chứ giờ chị cũng gặp áp lực lắm, hàng tháng trăm thứ chi tiêu nó đè lên mình. Người ta đủ vợ đủ chồng còn uể oải, đây có mỗi mình chị, cơ thể lại chẳng lành lặn như người ta nên chỉ biết cố được ngày nào hay ngày đó. Nếu mà nhắm lo hết nổi, học hết cấp 2 chị sẽ cho con đi học nghề. Chị biết bệnh của mình mà…", nói đoạn, chị Ngân nhìn về phía đầu ngõ, thở dài.
3 năm đã qua nhưng vết thương thể xác và tâm hồn vẫn còn đó, chị Ngân chẳng biết mình có thể gắng gượng được bao lâu nữa khi những cơn đau nhức, khó thở vẫn thường xuyên xuất hiện. Nhưng dù có thế nào đi nữa: "Chị phải sống vì chị còn 2 đứa con"!