Nguyên nhân là do chi tiêu của người dùng tại Nga đối với những mặt hàng điện tử thiết yếu gia tăng, sau các lệnh trừng phạt quốc tế khiến cho đồng rúp liên tục mất giá.
"Các nhà bán lẻ tại Nga đang điều chỉnh giá bán cao hơn sau mỗi ngày để bù đắp các khoản lỗ về tỷ giá. Người dân đang cố gắng mua mọi thứ, từ điện thoại thông minh cho đến các thiết bị gia dụng, trước khi đồng tiền này tiếp tục mất giá", Ivan Lam, chuyên gia phân tích tại Counterpoint Research, nhận định.
Theo thông tin từ trang Kommersant, doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei, Oppo và Vivo đã tăng mạnh trong hai tuần đầu tháng 3. Báo cáo cho biết số lượng smartphone Huawei bán ra trong thời gian này cao gấp 3 lần so với khoảng thời gian 2 tuần trước đó. Doanh số các thiết bị từ Oppo và Vivo cũng tăng 200%, trong khi ZTE và Realme tăng lần lượt 100% và 80%.
Tuy vậy, chuyên gia từ Counterpoint Research cho rằng doanh số bán hàng của các hãng smartphone Trung Quốc có thể sẽ sớm giảm xuống, do các nhà phân phối ngừng nhập hàng.
Cũng theo các báo cáo từ Kommersant, trong khoảng thời gian 24-28/2, doanh số smartphone tại Nga đã tăng gấp 4 lần so với trước đó. Lúc này, các sản phẩm như iPhone, Samsung Galaxy và Xiaomi nhận được sự quan tâm nhiều nhất.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, Apple đã tuyên bố ngừng bán iPhone cũng như hàng loạt sản phẩm khác của công ty tại thị trường Nga. Samsung cũng đưa ra thông báo tương tự chỉ vài ngày sau đó.
Theo Arkady Markaryan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh của AliExpress tại Nga, các thương hiệu điện thoại thông minh từ Trung Quốc hiện vẫn có đủ lượng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng tại quốc gia này.
Tuy nhiên, theo SCMP, lệnh trừng phạt quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Nga đang tạo ra một thách thức lớn cho các công ty công nghệ Trung Quốc.
Transsion Holdings, một nhà sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết rằng họ đang dựa vào đồng Nhân dân tệ để duy trì hoạt động của mình tại Nga. Tuy nhiên, Counterpoint Research cho rằng việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ không phải là một giải pháp tối ưu.
"Ngành công nghiệp này vẫn đang sử dụng đồng đô la Mỹ để tính toán chi phí sản xuất và định giá các thiết bị. Vì vậy, rất khó có thể chuyển hoàn toàn sang việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ", Lam nói.
Hiện nay, chất bán dẫn và các thành phần quan trọng khác của điện thoại thông minh chủ yếu được cung cấp bởi các công ty ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tất cả đều sử dụng đô la Mỹ để thanh toán cho các giao dịch quốc tế./.