Chiều 13/4, thông tin từ Công an H.Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, sau 1 ngày phát thông báo truy tìm, nữ công nhân Vàng Thị Thắm (19 tuổi, quê tại H.Phong Thổ, Lai Châu) đã ra trình diện để phối hợp làm rõ hành vi “vứt bỏ con mới đẻ”.

Bước đầu Thắm khai bản thân chưa lập gia đình nhưng có nhiều mối quan hệ tình cảm dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Thắm thừa nhận không biết bố đứa bé là ai, sợ xã hội, gia đình đánh giá nên đã bỏ lại đứa con mới đẻ ra.

Khoảng 2 giờ ngày 22/1, trong lúc đang làm ca đêm tại Khu công nghiệp Đình Trám (H.Việt Yên) thì Thắm có dấu hiệu trở dạ, đã vào khu vệ sinh và sinh được một bé trai. Sau đó, Thắm bỏ con lại rồi rời đi. Khi các công nhân phát hiện, bé trai đã tử vong.

Sáng 23/1, Công an H.Việt Yên đã mời Thắm tới làm việc và cho giám định ADN hai mẹ con. Do sức khỏe chưa ổn định, Thắm vào cơ sở y tế điều trị và lợi dụng việc này để bỏ trốn.

loi1649840795-2182-0951-1649906611.jpg
Công an phát thông báo truy tìm Vàng Thị Thắm

Dưới góc độ pháp lý của vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ tử vong là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em, quyền sống của con người. Bởi vậy, người phụ nữ trong trường hợp này sẽ bị xử lý về tội giết người hoặc tội giết con mới đẻ theo quy định của bộ luật hình sự tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và nhận thức cụ thể của người mẹ trẻ này.

Tiến sĩ luật cho rằng, pháp luật quy định trách nhiệm của người mẹ là phải chăm sóc con, trực tiếp nuôi con đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Trường hợp sau khi đẻ con mà vứt bỏ con dẫn đến đứa trẻ tử vong thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em, vi phạm quy định của luật hôn nhân và gia đình và người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong một số trường hợp thì hành vi vứt, bỏ con mới đẻ sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.

Người mẹ hoàn toàn có thể nhận thức được rằng hành vi vứt bỏ con mới đẻ như vậy có thể dẫn đến đứa trẻ tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vứt bỏ con và bỏ mặc hậu quả đứa trẻ có thể tử vong xảy ra. Thực tế đứa trẻ tử vong thì người mẹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 BLHS năm 2015.

Với hành vi giết người dưới 16 tuổi thì người phạm tội sẽ phải chịu mức chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là chế tài rất nghiêm khắc của pháp luật để bảo vệ quyền sống của con người.

Còn theo quan điểm của mình, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, với hành vi vứt bỏ con mới đẻ khiến cháu bé bị chết, Vàng Thị Thắm có thể bị cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can về Tội vứt bỏ con mới đẻ theo Khoản 2 Điều 124 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

vu-bo-con-moi-de-trong-nha-ve-sinh-o-bac-giang-co-the-khoi-to-hinh-2-0951-1649906639.jpg
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa

Luật sư Tùng phân tích: "Tội vứt bỏ con mới đẻ là trường hợp đặc biệt của tội giết người, cụ thể cấu thành tội phạm của Tội vứt bỏ con mới đẻ như sau: Chủ thể thực hiện hành vi ở đây là mẹ của đứa bé. Trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt đã vứt con của mình mới đẻ ra. Khách thể bị xâm phạm là quan hệ nhân thân của con người, cụ thể ở đây là quyền được sống của con người, được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận.

Đối tượng của hành vi là con được sinh ra trong vòng 7 ngày. Mặt chủ quan trong đó có lỗi của người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Mặt khách quan là hành vi vứt bỏ con mới đẻ (hành vi vứt bỏ con mới đẻ là hành vi bỏ rơi con mình ở bất kỳ địa điểm nào, mặc dù không dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết thì vẫn cấu thành tội phạm này)".

Còn nếu không thuộc trường hợp giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định tại điều 124 bộ luật hình sự thì sẽ xử lý về tội giết người theo điều 123 với chế tài cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Tùng nhận định, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành truy tìm người mẹ của cháu bé này, sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong đồng thời sẽ giám định ADN để xác định mối quan hệ nhân thân giữa cháu bé với người đã sinh ra cháu bé.

Người mẹ ra đầu thú rồi, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức của người phụ nữ này khi thực hiện hành vi vứt bỏ cháu bé, sẽ làm rõ trình độ hiểu biết, hoàn cảnh gia đình, cảm xúc, nhận thức của người phụ nữ này để xác định người phụ nữ này có đang "trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt" hay không, có "bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu" hay không để xác định hành vi có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ hay không.

Trong trường hợp người phụ nữ vứt bỏ con mới đẻ vì nóng giận, vì hận cha của cháu bé, vì ích kỷ cá nhân hoặc vì lý do ích kỷ, bội bạc khác thì sẽ bị xử lý về tội giết người.

Còn trường hợp người phụ nữ vứt bỏ con mới đẻ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc đang rơi vào hoàn cảnh khách quan đặc biệt dẫn đến thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn, không làm chủ được cảm xúc nên hạnh thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng của cháu bé thì trong trường hợp này sẽ xử lý về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ với mức chế tài không quá 03 năm tù./.