1-5945-1677061574.jpg
Người dân tố Công ty CP Mía đường sông Lam xả thải ra môi trường.

Báo GD&TĐ đã nhận được phản ánh của người dân xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) “tố” Công ty CP Mía đường sông Lam xả thải bẩn, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động.

Nước sông đen ngòm, cây cối ven sông chết trơ

Theo người dân xóm Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn, hằng năm cứ đến vụ mùa ép mía (khoảng từ tháng 12 đến tháng 3), người dân trong xã lại phải hứng chịu mùi hôi thối xuất phát từ nhà máy mía đường sông Lam.

Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn bị phản ánh xả nước thải trực tiếp ra sông Lam (con sông lớn nhất tỉnh Nghệ An) khiến cả một đoạn sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quan sát của PV, Nhà máy Mía đường sông Lam mặt trước giáp tuyến Quốc lộ 7A, sau lưng tiếp giáp với sông Lam. Ở khu vực tường rào phía Bắc có một đường ống nước thải đường kính chừng 60cm được thiết kế chảy thẳng ra sông.

Từ ngày 15/2 đến 21/2, đường ống này liên tục thải ra một dòng nước đen ngòm xuống sông Lam. Dòng nước thải chảy với áp lực lớn, bốc lên một làn khói trắng kèm theo mùi hôi thối nồng nặc.

Bằng mắt thường có thể thấy nước thải màu đen chảy về phía hạ lưu rồi hòa lẫn vào dòng nước màu xanh của sông Lam. Trên bề mặt nước thải còn nổi một lớp váng dầu đen bóng loáng, cây cỏ gần khu vực gần ống xả bị nhuốm một màu đen kịt.

Chưa dừng lại ở đó, theo người dân địa phương, Công ty CP Mía đường sông Lam còn tận dụng bã mía để sản xuất phân bón, tập kết bên trong bờ rào.

Không chỉ người dân xóm Đỉnh Thắng bị “tra tấn” bởi mùi thối từ việc sản xuất phân bón mà vào thời điểm có gió mùa, mùi thối này còn theo gió bay đến một số xóm lân cận.

Theo quan sát, phía bên trong bờ rào, ngay vị trí xuất phát đường ống xả thải, hàng nghìn m3 phân bón được Công ty CP Mía đường sông Lam ủ, tập kết lộ thiên, không hề có biện pháp che chắn. Càng tiến lại gần, mùi thối càng nồng nặc.

Bà Trần Thị O. (trú tại xóm Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhà máy mía đường sông Lam đã diễn ra từ nhiều năm nay. Mặc dù người dân từng nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp hay tiếp xúc cử tri nhưng đến nay chính quyền địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Giống như bà O. phản ánh, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trong thời gian dài khiến hàng trăm hộ dân ở xã Đỉnh Sơn hết sức lo lắng cho sức khỏe của bản thân và con em mình.

nguoinghe.vn
Trụ sở Công ty CP Mía đường sông Lam tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Phạm Tâm.

Doanh nghiệp xả thải sát "vách" nhưng chính quyền bất ngờ!

Trước thực trạng môi trường sinh sống, sản xuất của người dân tại xã Đỉnh Sơn đang bị Công ty CP Mía đường sông Lam tàn phá, phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc làm việc với chính quyền xã Đỉnh Sơn.

Điều rất bất ngờ là quá trình làm việc ông Cao Phi Nhật – Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, chính quyền địa phương chưa nắm được thực trạng nêu trên. Trong khi đó, Công ty CP Mía đường sông Lam nằm ngay trên Quốc lộ 7A và cách UBND xã chỉ khoảng 1km.

Theo ông Nhật, những năm trước, nhà máy Mía đường sông Lam đã từng bị người dân phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Gần đây nhất, vào vụ ép mía năm 2022, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã đã báo cáo lên cấp trên. Sau đó, đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã đến kiểm tra, lập biên bản, không lâu sau có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, ông Nhật cho rằng, vụ ép mía năm 2023, chính quyền xã chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân về việc Công ty CP Mía đường sông Lam xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi được xem những hình ảnh và video mà PV Báo GD&TĐ cung cấp, Phó Chủ tịch xã này cho biết sẽ cử cán bộ địa chính xuống hiện trường kiểm tra, đồng thời có báo cáo gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Anh Sơn.

Công ty CP Mía đường Sông Lam trước đây là doanh nghiệp quốc doanh 100% vốn Nhà nước. Đến năm 2005, đơn vị này chuyển thành công ty cổ phần. Hiện nay, Mía đường Sông Lam do ông Đặng Mạnh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Ngoài kinh doanh sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp như đường, chè, phân bón… doanh nghiệp này còn có một số dự án trong lĩnh vực bất động sản, giáo dục, dịch vụ.

nguoinghe.vn
Nhà máy của Công ty CP Mía đường sông Lam nằm sát sông Lam. Phía bên trong, cột khói của nhà máy cũng đang "hối hả" nhả ra khói đen. Ảnh: Phạm Tâm.
nguoinghe.vn
Khu vực sông gần nhà máy bị ô nhiễm, không hề có bóng dáng của tôm, cá hay động vật thủy sinh. Ảnh: Phạm Tâm.

Theo Phạm Tâm - giaoducthoidai.vn