Người bệnh chủ quan
Từ đầu năm đến nay, tại Nghệ An đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại, đứng thứ 3 toàn quốc về số bệnh nhân tử vong do bệnh dại sau Điện Biên và Gia Lai. Các huyện có trường hợp tử vong gồm Quế Phong (2 người), Tân Kỳ (2), Quỳnh Lưu (1).
Bệnh nhi L.B.T sinh năm 2019, trú xã Châu Thôn, huyện Quế Phong. Từ ngày 18/2, trẻ bị sốt cao kèm theo nôn, co giật, có đờm dãi, mất ngủ được gia đình đưa ra Trung tâm Y tế huyện Quế Phong điều trị.
Sau đó, trẻ được chuyển tuyến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, nghi dại thể điển hình và tử vong ngày 20/2.
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng đầu năm 2023, trẻ bồng bế, chơi với chó con. Một thời gian sau, con chó bị ốm chết.
Một trường hợp khác là ông B.P (sinh năm 1960, trú xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu). Hơn 2 tháng trước, ông P. vào trang trại của gia đình trong rừng thì bị một con chó lạ cắn vào đầu ngón tay trỏ bàn tay phải, chảy máu nhiều.
Sau đó bệnh nhân về nhà tự rửa vết cắn bằng xà phòng, nặn máu ra, sát khuẩn bằng cồn, không đến trạm y tế xã, không đến bệnh viện sơ cứu và không đi tiêm vắc xin phòng dại. Con chó sau đó bị ông P. đập chết và đem về nhà mổ ăn thịt.
Ba ngày sau, ông P. đến nhà một người phụ nữ ở huyện Diễn Châu để thử bệnh dại bằng phương pháp dân gian và được thông báo không mắc bệnh dại.
Ngày 28/3, ông P. có biểu hiện sợ nước, sợ ánh sáng nhưng vẫn ở nhà. Chiều 30/3, bệnh nhân được người thân đưa đến nhà y sĩ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu khám và được tư vấn đi bệnh viện để điều trị.
Đến 2h ngày 31/3, ông P. có dấu hiệu tức ngực, khó thở được đưa đến bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng, theo dõi bệnh dại, tư vấn chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An trong trình trạng sợ nước, sợ gió. Đến ngày 1/4, bệnh nhân tử vong.
Yếu tố dịch tễ phức tạp
Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, hầu hết các ca tử vong do dại trên địa bàn từ đầu năm đến nay đều có yếu tố dịch tễ rất phức tạp và khó điều tra.
Các ca khi xuất hiện triệu chứng được gia đình đưa đến các cơ sở y tế huyện và tỉnh. Tuy nhiên, người nhà và bệnh nhân cung cấp các thông tin chưa đầy đủ.
Một số bệnh nhân chơi với chó nhưng không xác định được con vật có nguồn bệnh và virus dại. Một số người biết mình bị chó cắn nhưng vì nhiều lý do khác nhau và tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức về phòng chống bệnh dại nên không đi khám, tiêm huyết thanh, vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng, lên cơn dại thì đã quá muộn.
Trong khi đó, một số người dân tin tưởng các thầy lang có thể phát hiện và chữa khỏi bệnh dại.
Sau khi tiếp nhận thông tin các ca bệnh từ trung tâm y tế, bệnh viện, CDC Nghệ An đã cử cán bộ phối hợp điều tra, xác minh các trường hợp và triển khai biện pháp phòng chống bệnh dại. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại, tiêm vắc xin.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Nghệ An đã triển khai tiêm phòng huyết thanh kháng dại cho hơn 380 người; vắc xin phòng bệnh dại cho 3.342 người. 21 huyện, thành thị trên địa bàn đều có điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đối tượng bị chó, mèo nghi dại cắn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật mắc bệnh sang người chủ yếu qua vết cắn, vết liếm ở da bị tổn thương. Bệnh dại khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong gần 100%. Cho tới nay, căn bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bác sĩ Cương khuyến cáo, người bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng phải xối rửa bằng nước sạch. Đồng thời, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại kịp thời.
Theo Việt Hòa - vietnamnet.vn