Mỗi lần thanh toán tại một cửa hàng hoặc nhà hàng, Patrick Paumen đều thu hút được rất nhiều sự chú ý. Người đàn ông 37 tuổi này không cần sử dụng thẻ ngân hàng hay điện thoại di động để thực hiện việc thanh toán. Thay vào đó, ông chỉ cần đặt tay trái của mình gần với đầu đọc không tiếp xúc, việc thanh toán sẽ được thực hiện.
"Những phản ứng mà tôi nhận được từ nhân viên thu ngân là vô giá", Paumen chia sẻ.
Paumen tự gọi bản thân là một "biohacker". Ông đã bắt đầu cấy vi mạch hỗ trợ khả năng thanh toán không tiếp xúc dưới da của mình từ năm 2019. Đến nay, cơ thể ông có tổng cộng 32 thiết bị cấy ghép.
"Quá trình này chỉ gây ra sự đau đớn như bị ai đó véo vào da của bạn", Paumen kể lại.
Lần đầu tiên một vi mạch được cấy vào lưng người là vào năm 1998. Tuy vậy, chỉ đến thập kỷ qua, công nghệ này mới được thương mại hóa trên thị trường. Khi nói đến chip thanh toán có thể cấy ghép, Walletmor - một công ty của Anh - Ba Lan, nói rằng họ là một trong những công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ này.
"Vi mạch được cấy có thể sử dụng để thanh toán cho một bữa ăn trên bãi biển, một buổi cà phê ở New York hay một buổi cắt tóc tại Paris. Nó có thể sử dụng ở bất cứ nơi nào chấp nhận thanh toán không tiếp xúc", Wojtek Paprota, nhà sáng lập và quản lý cấp cao của công ty chia sẻ.
Con chip của Walletmor sở hữu trọng lượng chưa đầy một gram và có kích thước lớn hơn một hạt gạo. Nó bao gồm một vi mạch nhỏ và một ăng-ten được bọc trong chất tạo màng sinh học.
Paprota cho biết thêm rằng con chip này vô cùng an toàn, đã được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và có thể hoạt động ngay khi được cấy. Nó cũng không yêu cầu pin hoặc nguồn điện khác. Đến nay, công ty đã bán được hơn 500 con chip.
Công nghệ mà Walletmor sử dụng là giao tiếp trường gần (NFC), tương tự hệ thống thanh toán không tiếp xúc trên điện thoại thông minh. Với nhiều người, việc cấy ghép một con chip như vậy vào cơ thể là điều kinh hoàng. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát vào năm 2021 với hơn 4.000 người tại Anh và các nước châu Âu, 51% người tham dự cho biết họ có thể cân nhắc về vấn đề này.
"Con chip sử dụng chung công nghệ với nhiều thiết bị mà mọi người đang sử dụng hàng ngày, từ chìa khóa mở cửa, thẻ xe công cộng hay thẻ ngân hàng hỗ trợ tính năng thanh toán không tiếp xúc", Paumen chia sẻ.
Nada Kakabadse, giáo sư về chính sách, quản trị và đạo đức tại Trường Kinh doanh Henley của Đại học Reading, đã cảnh báo nên thận trọng về tương lai của các con chip tiên tiến.
"Mặt tối của công nghệ là nó có khả năng bị lạm dụng. Khi đó, ai sẽ nắm giữ dữ liệu? Ai có quyền truy cập vào dữ liệu?", bà Kakabadse nghi ngại.
Trong khi đó, Steven Northam, giảng viên cao cấp về đổi mới và khởi nghiệp tại Đại học Winchester, nói rằng những lo ngại đó là không chính đáng. Ông lập luận rằng công nghệ này có thể hỗ trợ những người khuyết tật thuận tiện hơn trong cuộc sống./.