Từ sáng sớm, ông Đinh Văn Út cùng một số bà con đi xe máy lên phía nguồn con suối cách nhà 3 cây số để lấy nước. Đang giữa hè, cao điểm nắng nóng nên ở thôn Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định các con suối đã cạn. Cái khó ló cái khôn, để có nước sạch, bà con đào hố cát cạnh suối chờ cho nước lắng, rồi dùng ca nhựa lọc múc từng chút nước đổ vào can mang về dùng. Ông Đinh Văn Út cho biết, nhà ông đào giếng sâu đến 30m nhưng đã cạn nước hơn một tháng nay.
“Giếng cũng khô quá, chừng tháng 5 tháng 6 là không có nước uống, cứ theo suối làm cái vũng rồi lấy nước ba bốn canh đó chở về.”- ông Út nói.
Không có công trình nước sạch, các giếng đào đã cạn, hơn 100 hộ dân đồng bào Ba Na với trên 500 nhân khẩu thôn Canh Lãnh hàng ngày phải đến các con suối các cách thôn 3 km, để lấy nước. Ông Đinh Văn Hùng, Trưởng thôn Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết: Dù nguồn nước suối không đảm bảo vệ sinh nhưng đó cách duy nhất để bà con có nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày.
“Bà con thường buổi sáng tập trung ở suối đây để múc 2, 3 can nước về sinh hoạt, nấu ăn. Tắm giặt phải đi ra moi ở dọc suối có nước sạch.”- ông Đinh Văn Hùng cho biết.
Hiện nay, gần 2.500 người dân tại các xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Vinh, huyện Vân Canh cũng đang thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết, hiện, gần 800 giếng khoan, giếng đào ở địa phương đã cạn nước.
“Trên địa bàn huyện, việc tìm nguồn nước để phục vụ cho sản xuất cũng như sinh hoạt rất khó khăn, đặc biệt là trong mùa nắng nóng. Huyện cũng đã đề xuất với tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư một số công trình đập dâng, hồ chứa nước để lấy nguồn nước đó phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.”- ông Nguyễn Xuân Việt cho biết.
Chung hoàn cảnh người dân huyện Vân Canh, hàng trăm hộ dân ở làng O3, làng Đak Tra, xã Vĩnh Kim, huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng phải đi “mót” nước ở các con suối về dùng. Một số địa phương có công trình nước tự chảy và bể lắng nhưng do bị hỏng đường ống dẫn nước nên cũng đành bỏ hoang.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay toàn tỉnh Bình Định chỉ có 26% người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Còn lại phải sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình nước sạch phân tán từ Chương trình 134, 135 của Chính phủ, nguồn nước không ổn định.
Hiện nay, nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng nông thôn, miền núi gặp khó khăn, tỉnh Bình Định ưu tiên đầu tư cho những vùng thiếu nước nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ cho phép thực hiện Dự án cấp nước sạch bền vững thích ứng biến đổi khí hậu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
“Hiện nay trong giai đoạn 2021-2025, chúng tôi đã xây dựng dự án cấp nước bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, vay vốn Ngân hàng thế giới- WB do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Bên cạnh đó cũng đang đề nghị với tỉnh làm các dự án lâu nay dân đang cần và kiến nghị. Tỉnh đã chấp thuận 2 dự án rồi, đang triển khai lập các thủ tục đầu tư"- ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết./.