Lá tre từ vùng rừng núi được người dân hái, sấy khô để xuất khẩu. Nhiều chủ cơ sở đã trở thành đại gia từ công việc này.
Lá tre là thứ lá mọc trong rừng núi hay các làng quê. Từ bao đời nay, nó được xem là loại lá ít giá trị, thường bị bỏ phí. Nhưng ở một vùng của Hà Nội, lá tre lại trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem lại thu nhập khả quan cho người dân.
Loại lá tre được thu mua là tre Bát Độ (hay còn gọi là bương). Khác với lá tre thường, tre Bát Độ có những chiếc lá to bản.
Lá tre Bát Độ
Theo người dân xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, những chiếc lá tre to, được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất nên được xuất khẩu ra nước ngoài để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm…
Những ngày này, người dân Đồng Chiêm (xã An Phú) đang vào vụ thu mua lá tre để xuất sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Mùa thu mua bắt đầu từ tháng 5, 6 âm lịch đến tháng 10 hàng năm.
Lá tre phát triển tự nhiên, không cần phải chăm sóc ở các vùng núi (như Hòa Bình) sẽ được người dân thu hái, sau đó bán cho các cơ sở thu mua.
Một trong những cơ sở thu mua lá tre lớn nhất ở làng Đồng Chiêm (xã An Phú) là của gia đình bà Đặng Thị Triệu. Bà là người đi nhặt lá tre từ những năm 1993. Nhờ nghề này, từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà Triệu đã mở cơ sở kinh doanh riêng. Không chỉ có thu nhập cao và ổn định, bà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người ở địa phương.
Lá được thu gom sau đó phân loại theo kích cỡ.
Tại cơ sở thu mua của bà Triệu, mùi thơm của lá tre bốc lên ngào ngạt. Giữa khoảng sân nhỏ, khoảng 10 người phụ nữ cao tuổi đang làm công việc phân loại lá tre.
Trên tay họ là chiếc thước đo bằng gỗ, có các vạch chia theo cm. Những người làm sẽ bỏ đi các lá rách, lá sâu. Những chiếc lá lành sẽ được phân ra 3 loại là A, B và C. Lá loại A có độ dài từ 45cm trở lên. Lá loại B có độ dài từ 40-45cm, lá loại C là những lá còn lại.
Lá được chọn phải có chiều ngang khoảng 8,5cm và có màu xanh đều. Nếu lá to, màu vàng cũng phải bỏ đi. Lá càng to dài, màu đẹp giá bán càng cao và ngược lại.
Sau đó, người làm kẹp từng xấp (5 lá) với nhau giữa hai thanh nứa. Làm như vậy, khi lá tre khô sẽ không bị quăn, lại có mùi thơm đặc trưng.
Sau khi phân loại, lá tre sẽ được cho vào lò sấy công suất lớn. Trong vòng 6 tiếng, 2 tạ lá tre có thể được sấy khô.
Mở nắp lò kiểm tra, thấy lá đã đạt đến độ khô cần thiết, người chủ lò sẽ chuyển ra. Những chiếc lá tre tiếp tục được cặp theo từng dãy và ép thành kiện.
Tất cả các công đoạn đều phải đáp ứng yêu cầu lá tre lành lặn, không bị hỏng, mốc. Hoàn thành các công đoạn, lá tre sẽ được chuyển cho thương lái và xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 40 nghìn đồng/kg, lá tre tươi là 10 -11 nghìn đồng/kg.
“Hàng xuất đi yêu cầu đẹp, không bị rách và đặc biệt phải có mùi hương đặc trưng. Các doanh nghiệp họ rất ưa chuộng lá tre của Việt Nam do chất lượng tốt và có mùi thơm", bà Triệu nói.
Bà Triệu cho biết, những năm trước việc thu mua rất thuận lợi. Khởi đầu từ 2 bàn tay trắng, bà thành lập cơ sở với 20 người làm thuê, lá tre chất kín nhà. Tuy nhiên năm nay, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
“Năm nay chúng tôi làm chỉ để giữ nghề và duy trì công việc kinh doanh. Giá lá tre sau khi sấy khô thường là 40 nghìn/kg, năm nay chỉ khoảng 30 nghìn/kg. Các năm trước, gia đình tôi xuất hàng trăm tấn nhưng năm nay chỉ khoảng 50 tấn”, bà nói.
Anh Nguyễn Văn Quỳnh
Anh Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1992), con trai của một chủ cơ sở thu mua lá tre khác ở làng Đồng Chiêm cũng thừa nhận, năm nay, công việc gặp nhiều khó khăn hơn.
“Do nắng nóng kéo dài nên số lượng lá tre ít hơn, việc thu mua cũng khó khăn hơn. Mọi năm thời điểm này, nhà tôi ngập trong lá tre. Ngoài ra, người dân chuộng các công việc khác, họ không đi hái lá nữa nên việc thu mua cũng hạn chế”, anh nói.
Bắt đầu từ 3-4h chiều, gia đình anh Quỳnh tiến hành thu mua lá từ những người đi hái lá tre ở trong làng, đây cũng là thời điểm người hái lá trở về. Ngoài ra, anh cũng đánh xe tải vào các vùng ở tỉnh Hòa Bình để thu mua lá.
“Vào chiều chiều, người dân mới từ rừng mang lá ra. Tôi đến đặt điểm thu mua ở các làng. Sau đó, tôi bốc hàng cho lên xe. Có hôm tôi về đến nhà cũng 12h, 1h sáng, rất vất vả”, anh cho biết.
“Thu nhập từ công việc này không đều, tùy từng thời điểm. Thời điểm làm ăn thuận lợi nhất, chúng tôi thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Năm nay ít hơn, thu nhập trung bình 20 triệu/tháng. Chúng tôi vừa xuất đi 3 tấn lá sấy khô”, anh nói thêm.
Ngoài giúp các chủ cơ sở làm giàu, công việc còn đem thu nhập đến cho những người già trong làng. Họ đến các cơ sở thu mua để phân loại lá tre. Công việc của họ chỉ đơn giản là đếm lá tre kẹp vào thanh nứa đem vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao.
Với 1 tạ lá tre được phân loại, người làm thuê sẽ được trả 50 nghìn đồng.
“Mỗi ngày có người làm được 2 tạ, nhiều hơn thì khoảng 3 tạ. Như vậy, nếu làm đều việc chúng tôi sẽ có khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, kiếm thêm thu nhập ở tuổi già”, bà Tươi, một người làm nghề phân loại lá tre cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Mỹ Đức, chia sẻ: “Thu mua lá tre là nghề có từ gần 30 năm nay ở khu vực Đồng Chiêm, xã An Phú. Lá tre Bát Độ được gom về, sấy khô sau đó nhập chủ yếu cho phía Đài Loan (Trung Quốc).
Hiện, chỉ còn một số hộ đứng ra thu mua, còn lại là người dân đi hái lá tre tại vùng rừng núi. Đa số các chủ cơ sở thu mua đều có kinh tế khá giả, có thể nói họ đổi đời nhờ nghề này.
Người làm nghề đầu tiên là bà Triệu. Bà đi làm ăn các nơi, nắm bắt được nhu cầu thu mua loại lá này nên đã vào rừng gom về phơi khô sau đó cung cấp cho thương lái. Nhưng năm nay, công việc này khá khó khăn”.