Nhiều người dân và doanh nghiệp đến các cơ sở y tế của huyện Cái Bè đều bị từ chối thực hiện test nhanh Covid-19. Họ đang loay hoay không biết test nhanh ở đâu để có giấy “thông hành”.

Anh Nguyễn Văn N. là tài công ở thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) chuyên điều khiển sà lan từ Cái Bè đến tỉnh Đồng Nai chở hàng hóa về, cần test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Tuy nhiên khi anh N. đến trạm y tế thị trấn Cái Bè rồi đến trạm y tế xã Đông Hòa Hiệp đều bị từ chối test nhanh. Không có “giấy thông hành”, không thể đi ra khỏi tỉnh, anh N. gặp khó khăn trong công việc mưu sinh.

Người dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) “than trời” vì thiếu chỗ test nhanh COVID-19
Những tài xế ở huyện Cái Bè cần được test nhanh để có giấy "thông hành" phục vụ chở hàng nông sản đi tiêu thụ các nơi.

Mấy ngày qua, nhiều người dân ở vùng dịch, thuộc xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè khi có hữu sự, có nhu cầu đi ra ngoài tỉnh làm ăn đến trạm y tế xã xin được test nhanh đều bị từ chối, người dân không biết đi đâu để có giấy “thông hành”. Bác sĩ Đỗ Trọng Danh, Trưởng trạm y tế xã Mỹ Đức Đông cũng chưa biết trạm có nhiệm vụ phải test nhanh cho người dân có nhu cầu hay không, mà cho rằng trạm chỉ test cho dân từ TP. Hồ Chí Minh về.

"Test nhanh này ờ đây không có làm dịch vụ, chỉ sử dụng cho trường hợp người từ TP.HCM về hoặc người trong vùng dịch. Hiện người dân đâu có cho đi đâu, chỉ trừ trường hợp người từ TP. HCM về. Que này chỉ sử dụng cho người thành phố, ví dụ như tài xế phục vụ đưa hàng mới được xét nghiệm, các trường hợp khác không có được”- BS Đỗ Trọng Danh cho biết.

Người dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) “than trời” vì thiếu chỗ test nhanh COVID-19
Nhu cầu được test nhanh của người dân huyện Cái Bè là chính đáng trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Rõ ràng đa số các trạm y tế xã ở huyện Cái Bè chưa thực hiện test nhanh cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu. Trạm y tế xã chỉ phục vụ test nhanh khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương yêu cầu. Trao đổi với phóng viên VOV về bất cập này, bà Phạm Thị Tại, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè từ chối cung cấp thông tin này vì cho rằng rất bận họp chống dịch. Còn lãnh đạo Trung tâm y tế huyện thì cho biết, hiện nay Bệnh viện Cái Bè đã bị phong tỏa (có 78 cán bộ, nhân viên là F1 đang bị cách ly) nên không thực hiện có test nhanh cho người dân. Riêng trạm y tế xã, mẫu test nhanh rất hạn chế nên chỉ thực hiện khi có chỉ định.

Người dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) “than trời” vì thiếu chỗ test nhanh COVID-19
Tại các tuyến đường ở tỉnh Tiền Giang, lực lượng làm nhiệm vụ canh gác thường xuyên để kiểm tra "giấy thông hành" đối với người đi vào địa bàn.

"Test nhanh hiện nay đang thiếu hụt. Bây giờ chỉ có những trường hợp cấp cứu, ở vùng dịch mới thử được. Ở xã chỉ có những người từ vùng dịch về có chỉ đạo chứ họ không có mẫu làm”- ông Trần Văn Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cái Bè cho biết thêm.

Người dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) “than trời” vì thiếu chỗ test nhanh COVID-19
UBND huyện Cái Bè ban hành quy định quá khắt khe: người vào địa bàn huyện phải xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV--2.

Theo danh sách của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 172/172 trạm y tế xã, phường và 11 trung tâm y tế, 9 bệnh viện có năng lực test nhanh kháng nguyên SARS- CoV-2. Ở các địa phương khác trong tỉnh, ngoài test nhanh theo chỉ định, nhiều trạm y tế còn làm nhiệm vụ phục vụ cộng đồng thu phí mỗi mẫu test nhanh là 238 nghìn đồng, đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Người dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) “than trời” vì thiếu chỗ test nhanh COVID-19
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại huyện Cái Bè về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Điều đáng nói là ngày 7/7 vừa qua, UBND huyện Cái Bè có văn bản quy định, tất cả các trường hợp ngoài huyện khi đến địa bàn huyện Cái Bè phải có giấy xác nhận đã xét nghiệm PCR với kết quả âm tính SARS-CoV-2. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đến test nhanh nhưng đã bị các cơ sở y tế từ chối là điều bất hợp lý.

Trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát, việc từ chối dịch vụ test nhanh của nhiều cơ sở y tế tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là chưa đáp ứng tình hình. Nhu cầu kiểm tra sức khỏe và có giấy “thông hành” phục vụ cho công việc đi lại, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân lúc này là cần thiết để thực hiện mục tiêu kép, từng bước đẩy lùi dịch bệnh./.