Theo hồ sơ của phóng viên, lô đất rộng hơn 2.500m2 tại xã Chư Á (nay là phường Thắng Lợi, TP Pleiku) do ông Lê Văn Đồng mua của ông Nguyễn Thanh Báu vào ngày 24/5/1993, giá 300.000 đồng. Tháng 7/1995, gia đình ông Đồng kê khai, đăng kí cấp quyền sử dụng đất.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Minh (63 tuổi, vợ ông Đồng) cho biết: “Do chưa có điều kiện sử dụng khu đất, sợ hoang hóa nên gia đình tôi cho ông Nguyễn Như Bảy mượn một phần canh tác và dựng chòi rộng 10m2 để trông giữ nông sản. Năm 1997, chúng tôi xây nhà cấp bốn và chuyển về đây sinh sống. Lúc này, ông Bảy vẫn mượn đất, nhưng khoảng một năm sau đó, do chòi mục nát nên ông Bảy dỡ bỏ, trả lại đất cho gia đình tôi”.

Tuy nhiên, do mâu thuẫn nên năm 2000 vợ chồng bà Minh li dị, nhưng bà vẫn tiếp tục sinh sống, canh tác toàn bộ diện tích đất đến nay.

Bà Minh cho hay, sau khi li hôn, ông Đồng giấu luôn giấy hẹn lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), đến năm 2004 ông Đồng mới đưa cho... thi hành án để cơ quan này chuyển lại cho bà.

1808-anh-1-1663226702.jpg
"Ông Bảy nói mua đất nhưng không nhớ năm, nhớ giá. Đã thế còn dựng người chết “sống lại” kí hợp đồng... Vậy mà vẫn được cấp sổ” - bà Trần Thị Minh bức xúc.

Năm 2009, bà Minh đến UBND TP Pleiku lấy sổ, nhưng chính quyền lại đưa bản photo sổ đỏ, cấp cho “hộ ông Lê Văn Đồng”, kí ngày 22/9/2000 và hẹn khi nào nộp tiền chuyển mục đích sử dụng 400m2 đất nông nghiệp sang đất ở sẽ giao bản chính. Nghĩ đất mình sinh sống, sản xuất ổn định, khi nào đủ tiền sẽ đến lấy sổ đỏ. Hơn nữa, phải nuôi 2 con nhỏ, kinh tế khó khăn, tích cóp mãi nên đến ngày 2/5/2018 bà Minh mới đến UBND thành phố nộp tiền và lĩnh sổ đỏ…

Hợp đồng giả mạo và người chết “sống lại” (!?)

Thế nhưng, điều bất ngờ xảy ra, cán bộ lưu trữ hồ sơ nói sổ đỏ của gia đình bà đã có người khác lấy. Đang thắc mắc ai “nẫng tay trên” thì ngay chiều hôm đó ông Bảy đến nhà đưa sổ đỏ cho bà. Song, tại trang 4, phần thay đổi, ghi: Ngày 17/2/2016, chuyển nhượng cho vợ chồng ông Bảy 945m2. Còn lại 1.585m2 đất trồng cây lâu năm và không có đất ở.

Không thể tin, bà Minh đến cơ quan đăng kí đất đai sao chụp hồ sơ thì phát hiện bản hợp đồng được cho là của “vợ chồng” bà kí bán 1.104m2 đất cho ông Bảy, vào năm 2005. Cho rằng hợp đồng là giả, bà Minh yêu cầu giám định. Kết quả, chữ kí trên hợp đồng không phải của bà và ông Đồng.

Ngoài việc giả mạo chữ kí để tách 945m2 (thiếu 159m2 so với hợp đồng mua bán) từ đất đã được cấp sổ đỏ của gia đình bà Minh. Đặc biệt, ông Đồng đã chết, nhưng được “dựng dậy” để kí hoàn tất nhiều loại giấy tờ trong hồ sơ địa chính. Cụ thể, ông Đồng mất ngày 6/5/2013, thế nhưng 18 tháng sau, với tư cách chủ đất, ông vẫn kí vào Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Đơn xin rút Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiếp đó, ngày 8/12/2014, ông Đồng lại có Đơn xác nhận với nội dung “vì không hội đủ điều kiện được công nhận đất ở nên tôi làm đơn này xác nhận toàn bộ diện tích là đất nông nghiệp”. Chưa hết, trong 2 ngày 25 và 31/12/2014, ông Đồng còn kí phiếu chuyển thông tin địa chính và kí nộp thuế vào ngân sách.

Thế nhưng, ngày 24/2/2016 vợ chồng ông Bảy vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp sổ đỏ cho diện tích tách từ thửa đất của bà Minh đang quản lí.

1943-untitled-1-1663226741.jpg

Hai cấp tòa “bao dung”?

Đó là nhận định của 1 cán bộ hưu trí ngành kiểm sát tại địa phương (xin giấu tên) sau khi Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai và TAND Cấp cao tại Đà Nẵng bác đơn kiện của bà Minh. Vì theo vị cán bộ này, cả 2 cấp tòa chủ yếu dựa vào những lời khai vô lí, bất nhất, mâu thuẫn của bị đơn và nhân chứng để “gạt đi” hàng loạt chứng cứ thuyết phục của nguyên đơn.

Người cán bộ này phân tích: Theo lời khai tại Tòa, ông Bảy cho rằng, vợ chồng ông cùng ông Đồng mua chung lô đất, giá 3,5 chỉ vàng của ông Báu nhưng “để mình ông Đồng làm thủ tục, đứng tên”. Ngay sau khi mua bán, 2 bên đã chia đôi mảnh đất và đến năm 1998 vợ chồng ông ngừng canh tác…

Nói như vậy, thật khó tin (nhưng tòa lại tin)! Bởi, thứ nhất, theo lời khai của ông Bảy thì ông Đồng “không thân quen lắm với ông Bảy”. Vậy thử hỏi, nếu mua đất sao gia đình ông Bảy không đứng tên mà nhờ một người xa lạ làm chủ. Mặt khác, ông Bảy cho rằng, gia đình ông cùng ông Đồng trực tiếp trả vàng (phần ông Bảy 2 chỉ) cho bên bán, sao lại không ghi tên và kí vào giấy giao nhận vàng (chỉ mình ông Đồng kí). Thứ hai, thời điểm mua đất là tháng 5/1993, vậy sao có lúc ông Bảy khẳng định chắc nịch tại toà là: “Mua vào cuối năm 1995”. Thứ ba, nhiều lần ông Bảy nói, ngay sau khi mua đất “2 bên chia đôi và sử dụng ổn định”, nhưng tại sao mãi năm 2000 ông mới “lập” giấy phân chia. Nhưng, trong biên bản xác minh của TAND thành phố Pleiku, ngày 30/12/1999, ông Bảy quả quyết: “Thực tế đến nay lô đất này tôi và anh Đồng chưa chia cho nhau”. Thứ tư, tại sao trên hợp đồng sang nhượng giả chữ kí bên bán, tạo lập năm 2009, khi ấy phường Thắng Lợi đã ra đời từ 3 năm trước lại có chữ kí của ông Trương Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á?. Thứ năm, lời khai của các nhân chứng phía bị đơn hầu như rập khuôn 1 mẫu. Có biết việc mua đất chung, nhưng không rõ giá cả, diện tích (tuy nhiên, người thì bảo vợ chồng ông Bảy cư ngụ trên đất, người bảo không)...

“Trong vụ việc này, không chỉ dễ dàng chấp nhận những lời khai bất nhất, chưa rõ ràng như trên, liệu có việc 2 cấp tòa có dấu hiệu “mắc sai lầm” khi bản hợp đồng sang nhượng giả mạo (tức giao dịch không có thực), nhưng vẫn coi đó là hợp đồng hợp pháp để tuyên vô hiệu và vẫn chấp nhận cuốn sổ đỏ (tách ra từ sổ của gia đình ông Đồng), cấp trái luật cho bị đơn?”, vị cán bộ này nhấn mạnh./.