Các địa phương vùng ven biển Nghệ An đang áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhưng ngư dân vẫn vừa bám biển sản xuất, vừa đảm bảo phòng dịch theo quy định tại các cảng cá.
Ngư dân Nghệ An bám biển trong điều kiện phòng dịch theo quy định
Chính quyền xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) lập chốt ra, vào cảng cá Lạch Vạn, mọi người vào cảng cá đều phải khai báo y tế. Ảnh: Xuân Hoàng

Những ngày này, dù các địa phương ven biển đang áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng dịch Covid-19, song bà con ngư dân vẫn bám biển. Tại các cảng cá trên địa bàn Nghệ An tàu thuyền vẫn ra, vào, tuy nhiên, ngư dân thực hiện các giải pháp phòng dịch ngay tại cảng.

Ông Ngô Xuân Thủy - Trưởng ban Quản lý Cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu) cho biết, từ khi địa phương mới áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, bà con ngư dân đi biển giảm hẳn, mỗi ngày chỉ có 5 - 7 tàu thuyền đi và về; nhưng từ ngày 28/8, ngư dân đi biển nhiều hơn, mỗi ngày có gần 20 tàu thuyền về cảng. 

Ngư dân Nghệ An bám biển trong điều kiện phòng dịch theo quy định
Những ngày này, một số ngư dân Diễn Châu vẫn bám biển nhưng số lượng tàu thuyền đi biển giảm, nên sản lượng hải sản đánh bắt được cũng ít. Ảnh: Xuân Hoàng

Thực hiện các biện pháp phòng dịch ngay tại cảng, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng và Ban Quản lý cảng cá thường xuyên có mặt để tuyên truyền, nhắc nhở bà con đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong quá trình mua bán hải sản. Trên tuyến đường vào cảng cá, chính quyền địa phương lập chốt, toàn bộ người dân vào cảng đều phải khai báo y tế.

"Cảng cá Lạch Vạn chủ yếu của ngư dân Diễn Châu đánh bắt bằng tàu thuyền nhỏ, đi về trong ngày, sản lượng đánh bắt không lớn, nên được thương lái nhỏ thu mua hết trong ngày", ông Ngô Xuân Thủy cho hay.

Ngư dân Nghệ An bám biển trong điều kiện phòng dịch theo quy định
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu chuẩn bị đá lạnh để bám biển sản xuất. Ảnh: Xuân Hoàng

Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) những ngày này, bà con ngư dân cũng bắt đầu ra khơi sau thời gian nghỉ trăng và phòng, chống dịch. Theo ông Nguyễn Đức Đông - Trưởng Cảng cá Lạch Quèn cho biết, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng bà con ngư dân vẫn nỗ lực bám biển sản xuất.

Tuy nhiên, khi tàu thuyền trở về, Ban Quản lý cảng chỉ bố trí vào cảng 5 - 6 tàu thuyền để tránh tình trạng quá đông người mua, bán hải sản một lúc, nhằm giữ đảm bảo khoảng cách trong phòng dịch. Các thương lái vào cảng thu mua hải sản đều phải có giấy test nhanh âm tính với dịch Covid-19. Đối với ngư dân, sau mỗi chuyến biển, nếu về nhà rồi thì cũng phải test nhanh trước khi ra cảng làm thủ tục để bám biển.

Tuy nhiên, thời điểm này do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên hải sản khó tiêu thụ, nhiều cơ sở đông lạnh ở Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai quá tải.
 
Ngư dân Nghệ An bám biển trong điều kiện phòng dịch theo quy định
Ngư dân thị xã Hoàng Mai cho biết, khó khăn nhất hiện nay là do dịch Covid-19 nên hải sản chưa tiêu thụ được, các cơ sở cấp đông quá tải. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lê Hội Hưng - chủ của 12 con tàu công suất lớn, cũng là chủ cơ sở cấp đông hải sản ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết, hiện tại nhiều tàu cá trên địa bàn xã vẫn bám biển sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập, với 12 con tàu của ông thì có 8 tàu đang bám vùng biển xa để khai thác hải sản. Sau mỗi chuyến về đất liền, các ngư dân đều thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định.

"Khó khăn nhất đối với tàu thuyền công suất lớn, chuyên đánh bắt hải sản có giá trị cao hiện nay là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hải sản chưa tiêu thụ được, khiến các cơ sở cấp đông đã quá tải, dẫn đến nhiều chủ tàu sau khi xuất bán hải sản chưa lấy được tiền", ông Lê Hội Hưng chia sẻ.
 
Bám biển sản xuất, nhưng đảm bảo phòng dịch, đó là yêu cầu bắt buộc đối với ngư dân, cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh hiện nay./.