Tại phường Vinh Tân, dự án khu đô thị dầu khí Nghệ An, diện tích 147.660 m2, nằm ở phía bờ nam sông Vinh, bị dừng hồi tháng 3/2024 do chậm tiến độ, đến nay đang bỏ hoang chờ nhà đầu tư mới.
Dự án được phê duyệt năm 2010, quy hoạch 4 phân khu chức năng chính gồm nhà liền kề, biệt thự, tái định cư, khu dịch vụ thương mại, chung cư cao tầng, trường mầm non, nhà văn hóa, bãi đỗ xe công cộng...
Được giao hoàn thành trong 24 tháng, song chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết ban đầu. Qua nhiều năm, dự án vẫn là bãi đất trống, liên tục bỏ hoang dù nhiều lần được gia hạn.
Sau khi thu hồi đất, tỉnh Nghệ An đang giao các sở ngành, địa phương rà soát hiện trạng và nguồn gốc dự án, đề xuất phương án xử lý tài sản công. Phòng Quản lý đô thị tham mưu cho UBND TP Vinh tiếp tục thực hiện dự án lĩnh vực nhà ở tại khu đất đang bỏ hoang ở phường Vinh Tân, song muốn tìm nhà đầu tư có năng lực.
Khu đất rộng 3,77 ha bám hai trục đường Lê Hồng Phong và đại lộ Lê Nin, thuộc phường Hưng Phúc, TP Vinh, được thu hồi từ năm 2005 để xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Nghệ An.
Năm 2013-2015, tỉnh Nghệ An làm tờ trình, thống nhất tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc với hai khối tháp cao 27 tầng, tổng kinh phí dự kiến hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2015 Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính của các địa phương, vì thế Nghệ An dừng đề án này vào tháng 10 cùng năm.
Khu đất thực hiện dự án được xem là "đất vàng", nằm ở trung tâm TP Vinh, trên các trục đường lớn như Lê Hồng Phong và đại lộ Lê Nin. Nhiều năm qua, dự án bỏ không, bên trong cây cối mọc um tùm.
Cũng nằm trên trục đại lộ Lê Nin, dự án khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở biệt thự (khoanh đỏ) rộng hơn 4.000 m2 được tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào quy hoạch xây tòa nhà 22 tầng, hai lô nhà biệt thự cao cấp... vào năm 2010, nhưng doanh nghiệp không làm đúng cam kết.
Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến nay, khu đất trên vẫn bỏ hoang. Phía ngoài là nơi tập kết vật liệu xây dựng, bên trong người dân tận dụng đất trống trồng chuối, nuôi gia cầm.
Nhiều người gọi đây là "dự án quây tôn", bởi 4 phía phủ kín tôn xanh. Khu vực này xung quanh là các tòa nhà cao tầng, công ty lớn tọa lạc. Khu đất trống lọt thỏm ở giữa khiến không gian nhếch nhác.
Dự án nhiều lần bị các đoàn liên ngành kiểm tra. Gần nhất là cuối năm 2023, Thanh tra tỉnh Nghệ An thanh tra toàn diện việc thực hiện cũng như chấp hành pháp luật tại công trình.
Một dự án khác, do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC đầu tư, là tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hưng Bình.
Dự án được khởi công năm 2009, trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, quy mô hai tòa nhà cao 18-20 tầng, dự kiến đưa vào sử dụng sau đó một năm, song không về đích đúng kế hoạch.
Năm 2013, dự án xây đến tầng thứ 11 thì dừng lại cho đến nay, xung quanh khuôn viên quây tôn.
Vài năm trước, các đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị tỉnh Nghệ An xem xét thu hồi dự án. Chủ đầu tư liền cho gia trát, quét sơn trắng những tầng đã xây, nhưng sau đó lại án binh bất động, không làm gì thêm. Các dãy phòng màu trắng sơn loang lổ hướng ra mặt tiền đường Minh Khai, phía trên mái là các khối sắt chỏng chơ, gây mất mỹ quan.
"Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhiều lần đề nghị tỉnh giao dự án cho doanh nghiệp có năng lực làm, tránh lãng phí đất đai. Nhà chức trách hứa sẽ đốc thúc, nhưng vẫn không khả quan", một người dân nói.
Bến xe Vinh (cũ) nằm trên đường Lê Lợi, thuộc Phường Lê Lợi, rộng hơn 9.600 m2, hiện nay bỏ không giữa trung tâm TP Vinh.
Năm 2018, bến xe Vinh được dời đến xã Nghi Kim để giảm áp lực giao thông cho nội thành Vinh. Khu đất trên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, do chủ đầu tư là Công ty cổ phần bến xe Nghệ An muốn dùng vào mục đích thương mại, dịch vụ song chưa được tỉnh Nghệ An phê duyệt, vì thế để lãng phí suốt 6 năm qua.
Hiện nhà chức năng của bến xe bỏ không, phía trên gắn biển quảng cáo cho quán nhậu. Bên trong khuôn viên cho một nhà xe thuê, phía ngoài có một số ki-ốt nhỏ kinh doanh xe máy, xe đạp điện.
"Đất trên đường Lê Lợi giá thị trường 100-150 triệu đồng một mét vuông, thấy dự án để không ai cũng tiếc", một người dân nói.
Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC Vinh - Plaza do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư. Dự án được tỉnh Nghệ An "trải thảm đỏ" thu hút, kỳ vọng tạo điểm nhấn cho TP Vinh.
14 năm kể từ ngày được phê duyệt, dự án quy mô 11.200 m2 ở phường Quán Bàu, nằm trên ngã tư đường Mai Hắc Đế, Lê Lợi, Phan Bội Châu, Nguyễn Sỹ Sách, chỉ là bãi đất trống bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, hàng rào quây bằng tôn xiêu vẹo, bên trong là nơi tập kết rác.
Ở phía mặt tiền đường Phan Bội Châu, người dân dựng các ki-ốt tạm bợ, lợp mái tôn để kinh doanh, bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ.
Theo nhà chức trách, dự án BMC Vinh - Plaza đình trệ do vướng mắc giải phóng mặt bằng và năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Dự án Trung tâm Dạy nghề Việt Nhất tọa lạc trên diện tích hơn 2.800 m2 ở phường Quán Bàu vừa bị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi đất vào hồi tháng 4/2024 do không sử dụng đất đúng mục đích như cam kết.
Năm 2011, dự án được chấp thuận chủ trương, tuy nhiên chủ đầu tư không xây các hạng mục theo bản vẽ, lấy mặt bằng làm xưởng gỗ. Nửa năm kể từ khi thu hồi, khu đất này vẫn bỏ không.
Ngoài các dự án có tên, TP Vinh còn nhiều dự án "không tên", bởi được phê duyệt từ hàng chục năm trước nhưng nay vẫn là những bãi đất không, tập kết vật liệu. Chính quyền chưa thể liên lạc với nhà đầu tư để nắm bắt tiến độ cũng như lên phương án xử lý.
Ảnh trên là khu đất thực hiện dự án xây dựng nằm trên đại lộ Lê Nin, gần ngã tư sân bay Vinh, thuộc xã Nghi Phú, hiện bên ngoài quây tôn, phía trong tập kết container, vật liệu, xe tải hư hỏng.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, cho biết việc xử lý các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ trên địa bàn phải thực hiện dài hơi, bởi liên quan đến nhiều cơ quan.
Hàng năm tỉnh Nghệ An đều có kế hoạch kiểm tra chi tiết các dự án chậm tiến độ, song để xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các dự án kinh doanh bất động sản, bởi liên quan đến các nhà đầu tư thứ cấp, tổ chức tín dụng, để làm việc rất nan giải.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, do năng lực nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, vướng mắc thủ tục pháp lý. Ngoài ra, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc theo dõi, đôn đốc tiến độ cũng chưa được tốt", ông Trường nói.