Thông tin từ Bệnh viện Đa Khoa khu vực Cẩm Phả, Quảng Ninh cho biết, vào 23 giờ ngày 28/10/2023, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân D. (62 tuổi, trú tại Phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng tê bì tay chân, tức ngực, khó thở.

Theo gia đình bệnh nhân, trước đó khoảng 2 giờ, bệnh nhân D có đau răng và đến khám tại Phòng khám Răng Hàm Mặt tư nhân ở Cửa Ông. Tại đây bệnh nhân D được tiêm thuốc tê để chữa răng. Sau khi tiêm, bệnh nhân D xuất hiện tình trạng tê bì tay chân, khó thở, tức ngực... và được bác sĩ của Phòng khám Răng Hàm Mặt cấp cứu. Tiếp đến, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện cấp cứu.

Sau khi tiếp nhận ca bệnh, kíp y bác sĩ trực của bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả kiểm tra và xác định đây là ca ngộ độc thuốc tê toàn thân và tiến hành cấp cứu theo phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê.

Sau khoảng 3 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định, chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị. Ngày 30/10/2023, bệnh nhân đã khỏi và được ra viện.

Theo BS.CKII.Đỗ Ngọc Lâm - Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức cho biết: "Trường hợp ngộ độc thuốc tê này rất dễ nhầm với trường hợp sốc phản vệ thuốc do có các biểu hiện lâm sàng ban đầu tương đối giống nhau.

Các bác sĩ trực đã chẩn đoán chính xác và khẩn trương cấp cứu đúng phác độ ngộ độc thuốc tê nên tình trạng của bệnh nhân nhanh chóng được cải thiện. Ngộ độc thuốc tê là trường hợp ít gặp nhưng nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể dẫn đến tử vong".

87-1698716525.jpg
Hình ảnh minh họa

Thuốc gây tê được chia làm 2 loại là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này...

Theo các chuyên gia răng hàm mặt, miệng chứa nhiều đầu mút thần kinh cảm giác, cũng là nơi chứa nhiều niêm mạc nên rất nhạy cảm với bất kỳ can thiệp răng miệng nào. Vì vậy gây tê, đặc biệt là gây tê tại chỗ là một giai đoạn quan trọng nhằm giảm cảm giác đau đớn, giúp người bệnh sẽ thoải mái hơn khi bác sĩ thực hiện các thao tác trong quá trình điều trị các bệnh răng miệng.

Gây tê tại chỗ: Là một hình thức vô cảm vùng bằng cách sử dụng thuốc tê ức chế chuyên biệt và tạm thời luồng xung động thần kinh từ ngoại biên lên trung ương làm tạm thời mất cảm giác đau. Trong nhổ răng thì phương pháp gây tê tại chỗ gồm có gây tê bề mặt và gây tê tại chỗ bằng tiêm.

Gây tê bề mặt: Là phương pháp gây tê bằng cách đặt trực tiếp vào bề mặt niêm mạc miệng một số lượng thuốc tê nhất định có khả năng thẩm thấu hoặc tạo lạnh làm tê các đầu mút thần kinh ngoại biên. Phương pháp này sẽ giúp gây tê trong thời gian ngắn áp dụng cho các trường hợp dễ, nhanh như nhổ răng lung lay nhiều hoặc lấy cao răng, chích áp-xe.

Gây tê tại chỗ bằng tiêm: Dùng các loại thuốc tê để gây tê niêm mạc hoặc gây tê dây chằng.

Thuốc gây tê được dùng trong nha khoa là vật tư y tế chuyên dụng với thành phần chính là Lidocaine HCL hoặc Articaine được sản xuất và đóng gói theo hình thức chuyên dụng để dùng trong nha khoa.