Một Nhà máy chế biến tinh bột sắn không có bất kỳ giấy tờ thủ tục nào của cơ quan chức năng nhưng ngang nhiên được xây dựng, tồn tại và hoạt động từ nhiều năm nay. Hiện, chính quyền huyện Nghĩa Đàn đang tỏ ra “bất lực” trong việc xử lý…
 
Nhiều lần xử phạt, đình chỉ
 
Từ đầu năm 2015, ông Nguyễn Hồng Phúc đã xây dựng nhà xưởng chế biến tinh bột sắn tại xóm Lĩnh Khánh, xã Nghĩa Khánh (thuộc thửa đất 745, tờ bản đồ số 01, loại đất là đất rừng sản xuất). Xưởng này của ông Phúc bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2015.
 
Trong thời gian đó, ông Phúc đã lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư nhưng không được chấp thuận với lý do trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn không quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sắn nên không được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đồng ý.
 
Khi xưởng nói trên đi vào hoạt động, UBND huyện Nghĩa Đàn, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ông Nguyễn Hồng Phúc dừng ngay các hoạt động sản xuất đến khi hoàn thành các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch sắn thì Xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc vẫn tiếp tục hoạt động như không có chuyện gì xảy ra.
 
Về vấn đề trên, ngày 16/11/2018, Báo Tài nguyên và Môi trường đã từng có bài “Nghĩa Đàn (Nghệ An): Đã xây dựng không phép còn gây ô nhiễm môi trường” phản ánh về sự việc này.
 
Theo đó, sau khi Báo phản ánh, UBND huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo các phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng TN&MT tiến hành kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra cho thấy, nội dung Báo TN&MT phản ánh là đúng. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu hộ ông Nguyễn Hồng Phúc phải dừng ngay hoạt động sản xuất kinh doanh đến khi hoàn thành các thủ tục theo quy định.

 
Nhiều lần bị kiểm tra, xử phạt, đình chỉ nhưng xưởng nói trên vẫn cố tình hoạt động
 
Mặt khác, ngày 20/12/2018, UBND huyện Nghĩa Đàn đã ban hành Quyết định số 3630/QĐ-UBND về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp.
 
Trước đó, do gây ô nhiễm môi trường, người dân phản ánh nhiều nên vào tháng 3/2016, Phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh Nghệ An) đã tiến hành kiểm tra và lập “Biên bản vi phạm pháp luật về môi trường trong trường hợp quả tang” đối với đơn vị nêu trên.
 
Tại hiện trường, Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện phía sau hệ thống đập bột có 1 bãi tập kết bã sắn, được lót bạt phía dưới. Nước thải từ quá trình sản xuất được thu gom vào các hố chứa và chảy ra sông Hiếu. Bã sắn được tập kết thành bãi rộng khoảng 300m2, tuy nhiên chỉ một phần nhỏ được lót bạt che chắn, phần còn lại chảy tràn ra bãi đất, tại vị trí này có nhiều nước thải màu đen, có mùi hôi, chua bốc lên gây khó chịu.
 
Nước phục vụ sản xuất chảy tràn từ quá trình lắng bột, nước thải chảy qua 5 hố đào bằng đất có tổng diện tích khoảng 1.500m2, các hố đều không được láng đáy, ốp bờ chống thấm, dưới các đáy hố được lắp nối ống thông nhau. Nước thải từ khu vực tập kết bã và nước thải từ tách bột chảy tràn theo khe thoát nước và chảy xuống sông Hiếu…

 
Công việc thu mua nguyên liệu sắn vẫn diễn ra bình thường
 
Vào tháng 12/2016, Sở TN&MT Nghệ An tiếp tục kiểm tra và cũng chỉ ra các sai phạm tương tự như Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra trước đó; đồng thời chỉ rõ đơn vị này chưa có báo cáo quan trắc, giám sát môi trường theo quy định, chưa kê khai, nộp phí nước thải công nghiệp, hồ lắng chưa được lót đáy, nước trước khi vào hồ biogas còn bị rỉ ra ngoài; chưa thu gom đối với chất thải nguy hại, chưa có kho lưu trữ, chưa lập hồ sơ cấp phép khai thác nguồn nước mặt…qua đó, đoàn kiểm tra khắc phục những vi phạm và báo cáo về Sở TN&MT trước ngày 30/12/2016.
 
Chính quyền “bất lực”?
 
Những vi phạm tại xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc là đã rõ ràng và kéo dài hơn 4 năm nay. Thế nhưng, các cơ quan chức năng của địa phương lại không vào cuộc xử lý quyết liệt nên cứ đến mùa sắn là đơn vị này lại ngang nhiên thu mua sắn nguyên liệu và hoạt động như thường lệ.
 
Mới đây nhất, ngày 19/11/2019, Phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn cũng đã tiến hành kiểm tra nhà máy này. Theo đó, tại biên bản làm việc, đoàn kiểm tra nêu rõ: Nhà máy sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc chưa có hồ sơ thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Chưa có giấy phép sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước; tại thời điểm kiểm tra nhà máy sắn nói trên đang hoạt động bình thường; sân tập kết có khoảng 200 tấn sắn.

 
Hàng trăm tấn sắn nguyên liệu mới được thu mua để phục vụ quá trình hoạt động
 
Cũng theo đoàn kiểm tra, hiện tại Nhà máy có 1 bể biogas chưa hoạt động, chưa lót bạt bể lắng, bể lọc. Qua đó, đoàn kiểm tra yêu cầu Nhà máy chế biến tinh bột sắn nêu trên của ông Nguyễn Hồng Phúc phải ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan.
 
Thực hiện lót bạt tại các bể lắng, bể sục khí, bể điều hòa trước khi có nước thải chảy qua; nghiêm cấm việc xả chất thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với nhà máy trên.

 
Hệ thống xử lý môi trường cũng chưa đảm bảo
 
Trao đổi với PV, ông Lê Viết Phú - Trưởng Phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn, cho biết: Nhà máy chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc có nhiều vi phạm về đất đai, quy hoạch cũng như môi trường. Vấn đề này huyện đã nhiều lần kiểm tra, đình chỉ. Mới đây nhất là vào tháng 11/2019 đoàn kiểm tra của Phòng cũng kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử phạt 1,5 triệu đồng và yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động.
 
Dù đang trong diện đình chỉ, yêu cầu ngừng hoạt động nhưng trong các ngày 25 và 26/12/2019, khi PV có mặt tại nhà máy sắn này thì mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Lượng sắn nguyên liệu vẫn được thu mua từ người dân để đưa vào nhà máy; máy móc vẫn đang vận hành hết công suất…
 
“Nghe nói huyện xuống kiểm tra và yêu cầu nhà máy này ngừng hoạt động vì chưa đủ thủ tục pháp lý và gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, không hiểu vì sao sau đó nhà máy lại tiếp tục hoạt động bình thường” - Một người dân sống gần nhà máy, cho hay.

 
Một nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô lớn hoạt động không phép từ hơn 4 năm nay nhưng dường như chính quyền huyện Nghĩa Đàn đã "bất lực" trong khâu xử lý?
 
Có thể nói rằng, một nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô nhiều héc ta “mọc” lên trên đất rừng sản xuất đã 4 năm nay nhưng không hề có đầy đủ các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, môi trường, vùng nguyên liệu…đã gây nên những bức xúc trong người dân. Điều dư luận đặt ra câu hỏi là tại sao các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm sự việc này?