a-1665543725.jpg
Từ chỗ ngậm đũa để đọc truyện, Long chuyển sang tập viết. Đến nay em đã viết được hàng trăm bài thơ, 4 cuốn hồi kí, 5 truyện dài và vẽ hơn 60 bức tranh.

Tai ương liên tiếp

Ngày định mệnh, chiều 2/9/2003, sau khi làm thủ tục nhập học vào lớp 10 tại trường THPT được mấy hôm, trong khi đi chăn bò, Phạm Sỹ Long (SN 1988, trú tại xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) trèo cây, bị ngã từ trên cao xuống khiến cổ bị gãy dẫn đến liệt tứ chi. 

Tai nạn xảy ra đã khép lại ước mơ hoài bão của chàng trai tuổi mới lớn, chấm dứt ước mơ đến trường và mở ra tháng ngày đằng đẵng nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Sau tai nạn, Long được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân để chữa trị, rồi chuyển sang Bệnh viện Nhi (Nghệ An) bó bột, cố định phần cổ và đầu, sau đó chuyển ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Dù vào viện nào thì sau khi thăm khám, gia đình cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu tuyệt vọng từ đội ngũ y, bác sĩ.

Còn nước còn tát, nghe người thân nói ở Bắc Ninh có thầy thuốc nam chuyên chữa bệnh về xương khớp rất giỏi, từng đã chữa khỏi cho rất nhiều người bị liệt do bị gãy xương mà bệnh viện trả về nên Phạm Sỹ Long được đưa đến nhà chú ruột ở để chữa bệnh.

Mặc dù không tin thuốc nam có thể chữa lành bệnh trong khi tây y đã bó tay nhưng Long đành ngoan ngoãn theo sự sắp xếp của gia đình. Sức khoẻ suy kiệt, tâm lý hoảng loạn nên Long luôn đòi về nhà, bởi theo em, nếu có chết thì chỉ muốn chết tại nhà, tại quê hương, chết bên mẹ, bên bà, bên chị, em gái chứ không muốn chết ở đất khách quê người hay chết dọc đường.

Sau khi ở Bắc Ninh về được vài tuần thì Long lại bị viêm phổi, phải trở lại Bệnh viện Nghi Xuân để điều trị. Thời kỳ này, do nằm 1 chỗ dài ngày nên mông của Long bị lở loét, hoại tử với vết thương khá lớn. Bác sĩ khuyên nên đưa Long ra Bệnh viện 108 để cắt thịt ở đùi đắp vào mông may ra mới khỏi.

“Vì lo sức khoẻ của em đang yếu mà tạo thêm mấy vết thương lớn trên cơ thể nữa sợ em không trụ nổi nên cha mẹ quyết định đưa em về nhà. Lúc này ở nhà đã chuẩn bị hết mọi thứ rồi, trừ quan tài là chưa làm vì nhà có mấy chú làm thợ mộc, khi nào em lâm sự mới đóng”, Long nhớ lại.

Không chỉ như thế, cuộc đời của Long còn trải qua nhiều biến cố tưởng chừng như không vượt qua được.

Cuối 2008, khi đang nằm xem phim, do mong muốn tập thể dục để cải thiện sức khỏe nên khi vận dụng cơ vai nâng lên thì cánh tay trái của Long bị gãy. Đến đầu tháng 9/2021, trong khi mẹ nâng chân phải lên để vệ sinh cho em thì tự nhiên lại bị gãy ngang giữa đùi.

Gia đình lại tất tả đưa Long lên bệnh viện huyện. Lúc đầu bác sĩ đề nghị chuyển sang Bệnh viện Ba Lan hoặc vào bệnh viện tỉnh để cắt chân bởi vì rất khó để bó bột với 1 người trong trạng thái bất động. Tuy nhiên, sau đó thì quyết định không cắt chân mà bó bột rồi về.

Gần đây nhất, ngày 20/4/2022, khi Long đang nằm nghiêng và nhờ em gái co chân hộ, đang loay hoay thì lại nghe một tiếng ''rắc'', thế là chân phải lại gãy tiếp ở ngay sát đầu gối.

Sáng tác thơ, vẽ tranh, viết hồi ký 800 trang bằng miệng

b-1665543944.jpg
Tập thơ “Miền khát vọng” và truyện dài “Không chỉ là giấc mơ” của Phạm Sỹ Long đã được xuất bản.

Là người hoạt bát, vui nhộn, thích giao lưu, từ khi gặp tai nạn, phải nằm bất động một chỗ, mọi việc phải phụ thuộc vào người khác kể cả việc lột đồ, vệ sinh tắm rửa, khiến tâm lý của Long bị sốc. Nhiều khi như phát điên lên, Long trút mọi bực tức lên đầu người mẹ tội nghiệp. Nhưng may nhờ có gia đình, người thân, bà con lối xóm ân cần động viên, thăm hỏi; gia đình kiên trì chữa trị, dần dần Long lấy lại được tinh thần.

Biểu hiện tích cực đầu tiên là hát. Hễ ngủ thì thôi, thức dậy là Long hát, bất kể lúc nào. Năm 2007, sau khi cái cổ đã lành, có thể nâng lên hạ xuống được thì Long lại thích đọc truyện, tuy nhiên chỉ được một lúc thì ai cũng kêu mỏi tay khi giơ sách cho Long đọc. Để không phụ thuộc vào người khác nhiều, Long nghĩ ra cách kê gối cho đầu cao lên, giữa bụng cũng sắp 2 cái gối rồi dựng sách tựa vào, miệng ngậm chiếc đũa để lật trang. Thời điểm Long ngậm que bắt đầu từ đó.

“Trước đó em nghĩ rằng cả nước Việt Nam này, thậm chỉ cả thế giới này chỉ mình em phải nằm 1 chỗ. Nhưng khi đọc cuốn sách viết về Nick Vujicic và 1 cuốn tự truyện của người khuyết tật, phải ngồi xe lăn đã cho em thêm động lực. Em mơ ước mình cũng có một quyển sách do mình đứng tên, nhưng bị như thế này thì làm sao mà viết được”, Phạm Sỹ Long tâm sự.

“Em biết ở Việt Nam có thầy Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân, nhưng thầy đang có chân mà viết, còn mình tứ chi bại liệt thì viết bằng gì, các các bộ phận trên cơ thể đều bất động cả. Sau đó em mới nghĩ ra là còn cái miệng, nó có thể giúp mình thực hiện ước mơ, nhưng lại chưa có ai viết bằng miệng cả. Từ đó em quyết tâm ngậm bút tập viết”, Long bộc bạch.

Khi nghe thấy điều đó, mọi người trong nhà đều không tin có thể làm được nhưng cũng chiều ý định của Long. Ban đầu chữ viết rất to, phải đồ đi đồ lại nhiều nét. Nhìn sự cố gắng của Long, cả nhà đều khen, trừ chị gái. Sau đó, Long quyết tâm viết chữ nhỏ dần rồi gọn hơn. Thời điểm đó em chưa biết viết gì cả, suốt ngày chỉ viết họ tên của mình và người thân trong gia đình, một bài hát, câu thơ nào đó nhưng không có chủ đề cụ thể.

Cuối năm 2009, có chị bạn trong xóm lấy chồng, không biết tặng quà gì nên Long quyết định vẽ tặng đôi chim bồ câu. Sau khi hoàn thành, ai nấy ngạc nhiên vì rất giống. Từ đó, mọi sách vở, bát đĩa trong nhà, hễ có hình hoa, chim… là mọi người lôi hết ra cho Long tập vẽ.

“Vẽ được khá nhiều tranh rồi em lại quay ra viết chữ ký, làm thơ. Bài thơ em tâm đắc nhất là “Cha yêu ơi”, được viết vào thời điểm cha em qua đời. Lúc đó mọi người đang tập trung lo tang sự bên ngoài, em không ra được mà nằm một mình lạc lõng trong nhà, tủi thân rồi khóc. Khi mọi người bế em vào vuốt mắt cho cha, ánh mắt của cha nhìn em cứ hiện lên trong đầu nên em viết bài thơ đó”. Kể đến đây, giọng của Long như nghẹn lại.

c-1665543993.jpg
Bài thơ “Cha yêu ơi” được em viết vào thời điểm người cha kính yêu qua đời.

Cũng theo Phạm Sỹ Long, ngày 10/10/2010, chàng trai trẻ bắt đầu viết “Hồi kí đời tôi” trên 800 trang. Hồi ký có 3 giai đoạn: Trước khi bị nạn (tuổi thơ), Quá trình bị nạn và Sau khi bị nạn. Kết thúc hồi ký vào ngày 10/10/2016, mặc dù Long rất muốn viết nhưng bắt buộc phải dừng lại.

Với người bình thường, việc viết 800 trang giấy đã không dễ. Sau một thời gian dài ngậm que, ngậm bút, hàm răng của Long mòn vẹt đi nhiều và bị lệch so với trước. Hơn nữa khi viết, do bút ngắn nên phải dựng sổ gần sát mặt, khoảng cách quá gần khiến Long bị choáng, mắt càng ngày càng mờ, viết được một tí thì nước mắt chảy dàn dụa.

Đến thời điểm hiện tại, Phạm Sỹ Long đã sáng tác được 365 bài thơ (đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng”); vẽ được hơn 60 bức tranh (hiện còn lại ở nhà 53 bức); 5 tác phẩm truyện (trong đó có truyện “Không chỉ là giấc mơ” đã được xuất bản) và cuốn hồi kí dài trên 800 trang giấy.

Mặc dù gặp tai nạn rồi phải nằm một chỗ, nhưng tháng 5/2021, Phạm Sỹ Long vẫn tham gia và giành giải quán quân trong cuộc thi “Ký ức tuổi học trò” được tổ chức qua group trên facebook. Ngoài ra, Long còn tham gia nhiều khoá học về luyện giọng, đào tạo MC, diễn giả của các nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Không những vậy, gần đây, Long còn mở lớp “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” để hỗ trợ những người gặp vấn đề về giọng nói (phát âm). Đến thời điểm hiện tại, Long đã tổ chức được 6 khoá học với số lượng học viên trên 60 người.

d-1665543991.jpg
Phạm Sỹ Long đang nhận xét bài tập cho các học viên trong lớp “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” do anh tổ chức.

Cũng vào giữa năm 2021, khi tham gia lớp học SE (Startup Education), một cô bạn biết được hoàn cảnh của Long nên đã tặng em một chiếc xe lăn bằng điện, từ đó Long có thể tự đi chơi quanh xóm mà không cần phải có người đẩy đi như trước.

Với nghị lực phi thường, tháng 9/2022, Phạm Sỹ Long được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, được vinh danh trong chương trình “Toả sáng nghị lực Việt năm 2022”.

e-1665544049.jpg
Phạm Sỹ Long tại lễ vinh danh trong chương trình “Toả sáng nghị lực Việt năm 2022”.
f-1665544061.jpg
Với nghị lực phi thường, Long được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen.

Chia sẻ về những khó khăn của bản thân, Phạm Sỹ Long cho biết, trở ngại lớn nhất là vấn đề vệ sinh, bởi em không tự chủ được. Việc ăn uống, lên xe xuống tàu thì em có thể tự lo được, hoặc có thể dễ dàng nhờ người khác, còn vệ sinh cá nhân thì bất tiện lắm nên mỗi lần ra Bắc vào Nam đều phải có mẹ đi cùng.

Ước mơ của Long là có được một người cùng đồng hành với em, hỗ trợ em thay cho mẹ. Em mong muốn khoá học của em ngày càng được nhiều người biết đến và giúp được nhiều người hơn. Đặc biệt là những bài thơ, tập hồi kí của mình sẽ được xuất bản và được mọi người đón nhận./.