Trong những thập niên 1960, 1970, cùng với những tên tuổi như Châu Loan, Linh Nhâm, Trần Thị Tuyết, Kim Cúc,... NSUT Vũ Kim Dung đã thực sự tạo nên một dấu ấn mới trong những chương trình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Gần nửa thế kỷ NSUT Vũ Kim Dung mang những vần thơ của Bác đi biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc, và vươn ra cả nước ngoài. Dường như thơ Bác đã thấm cả vào tư tưởng, lối sống của bà, người nghệ sĩ trọn đời với giọng ngâm thơ “trời phú” nhưng luôn đầy sáng tạo của mình để phục vụ nhân dân.
Cả một đời ngâm thơ “Nhật ký trong tù” của Bác
NSUT Vũ Kim Dung sinh năm 1945 tại Nam Định. Được tuyển vào đoàn Cải lương Trung ương khi mới là một thiếu nữ 16 tuổi, sau rất nhiều lựa chọn, học hỏi, Kim Dung dừng lại ở con đường “chông gai” nhất là ngâm thơ. Nói chông gai, bởi ngâm thơ là loại hình nghệ thuật không có trường lớp nào đào tạo, cũng không được các nghệ sĩ quan tâm, ngoại trừ những người làm công tác bảo tồn trong ngành văn hóa. Trong cái thế giới âm thanh nhiều vẻ của Đài Tiếng nói Việt Nam đầu những năm 60, 70 với nhiều gương mặt nổi trội của chương trình Tiếng Thơ như Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc… đã nổi lên giọng ngâm thơ Kim Dung khiến khán thính giả khó quên ngay từ lần nghe đầu tiên. Tuy nhiên điều khiến Kim Dung khác các nghệ sĩ khác và cũng là niềm vinh dự tự hào trong hơn 50 năm làm nghệ thuật của bà là giọng Kim Dung đã gắn chặt với những bài thơ trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ Tịch. Chị cũng là người có 10 năm gắn bó với nhà nghỉ Đầm Vạc Trung ương, tháng nào cũng có mặt phục vụ các cán bộ lão thành có công với đất nước lên nghỉ dưỡng, mang lời thơ, tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác, quê hương đất nước. Rồi các nhà thơ đi nói chuyện về “Nhật ký trong tù”, thơ văn Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đoàn thể trong cả nước, thậm chí cả ra nước ngoài, Kim Dung đều được mời đóng vai trò là người phụ họa ngâm thơ Bác.
Với những vần thơ của Bác, Kim Dung tri âm với khán giả tại rất nhiều chân trời, ở rất nhiều thời điểm. Đó là với đồng bào miền Nam những năm chống Mỹ, với chiến sĩ ở Trường Sơn, Côn Đảo, với đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Không chỉ đi đến miền núi, hải đảo xa xôi, mang thơ Bác phục vụ đồng bào, chiến sĩ, Kim Dung còn đi đến sẻ chia nỗi đau của nhiều người. Một thương binh xúc động cầm tay chị, nhiều chiến sĩ khác cảm động rưng rưng khi giọng ngâm của Kim Dung đến tận giường bệnh sau một chiến dịch, một loạt bom rơi, đạn nổ. Và trong những thời khắc ấy, thơ Bác qua giọng ngâm của chị đã thực sự truyền cho nhiều chiến sĩ thêm niềm tin và sức mạnh. Đặc biệt, ai đến thăm quê Bác cũng đều cảm thấy rưng rưng xúc động khi nghe những bài thơ “Nhật ký trong tù” qua giọng thơ Kim Dung do chính nghệ sĩ tự thu băng để gửi tặng Bảo tàng Kim Liên và Khu di tích lịch sử quê nội và quê ngoại của Bác Hồ. Với Kim Dung, đây cũng chính là một cách để NS tri ân với vị lãnh tụ kính yêu, vị Cha Già dân tộc, với vùng đất đã sinh ra người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Để lại phía sau những thành công và sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ người nghe trong cả nước, năm 2002, Kim Dung sang Cộng hòa Séc sinh sống và hoạt động nghệ thuật. Ở đây, một lần nữa bà mang đến cho cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu những tình cảm về hình ảnh quê hương, đất nước vô cùng tươi đẹp và nhân hậu. Qua tiếng thơ của bà, những người sống xa quê như được sống giữa chính quê hương đầy ắp ân tình của mình. Đêm thơ kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác Hồ tại Cộng hòa Séc, cả gia đình nghệ sĩ Kim Dung với con gái, con rể và cháu gái đã biểu diễn những bài thơ trong “Nhật ký trong tù” của Bác để bà con xa tổ quốc hiểu thêm về hình ảnh người lãnh tụ kính yêu. Nhiều người con xa quê nghe chị ngâm thơ, đã xúc động đến trào nước mắt. Có một điều khiến NSUT Kim Dung cảm thấy toại nguyên và an lòng là tình yêu đối với nghệ thuật ngâm thơ, đối với những vần thơ của Bác đã được lan tỏa sang cô con gái cả của bà, đó là NS Trịnh Thu Hương, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật tại nước ngoài. Tại cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Cộng hòa Séc, NS Thu Hương đã đoạt giải Nhất. Về Việt Nam tham dự chung kết cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dành cho người Việt Nam ở nước ngoài”, với bài thơ “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” Thu Hương đoạt giải Ba. Tại nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch, sau khi ngâm bài thơ “Mùa Sen quê Bác”, Thu Hương đã được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khen ngợi rằng cô đã kế thừa và tiếp nối được giọng ngâm của mẹ-NSUT Kim Dung.
Mang giọng ngâm “trời phú” nhưng luôn đầy sáng tạo và đổi mới đi khắp mọi miền phục vụ nhân dân
Hơn 50 năm theo nghề, một cái nghiệp khắt khe và đầy thử thách, nghệ sĩ ưu tú Kim Dung đã minh chứng được một điều: không ngại gian lao, tận tụy phục vụ và bắt đầu từ cái tâm trong sáng. Biết học hỏi, biết lằng nghe, dày công rèn luyện, luôn đổi mới, cách tân và biết truyền bá những gì mình sáng tạo, yêu thích, NSUT Kim Dung kể: Không thể nào thống kê hết những chuyến cùng cả đoàn đi đến các vùng sâu, vùng xa để biểu diễn phục vụ bà con. Có lần vào các khu công nghiệp ở Thái Nguyên, Uông Bí ( Quảng Ninh) biểu diễn phục vụ công nhân, họ ngồi kín vòng trong vòng ngoài nghe thơ Bác. Không có ánh sang, micro, không bao giờ được đòi hỏi thù lao, nhưng những năm tháng đó, người nghệ sĩ luôn biểu diễn hết mình. Và cứ thế, ngâm xong một bài thơ, khán giả lại vỗ tay đến hai ba lần, yêu cầu nghệ sĩ phải ngâm lại. Rồi khi cả đoàn của bà về các bản xa heo hút ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn phục vụ bà con, đường núi cheo leo, không có ánh sáng nên phải lấy đuốc soi đường, đến lúc lên sân khấu biểu diễn mà mặt ai cũng nhuốm bụi và khói . Vất vả, thiếu thốn đủ đường nhưng khi nhìn thấy bà con đi hàng chục cây số từ bản xa đến xem đoàn biểu diễn, cả đoàn ai cũng phấn chấn, thể hiện hết mình lời thơ tiếng hát đáp lại tấm lòng yêu mến của bà con. Rồi đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở các chốt cao, cheo leo, có khi đi mất cả ngày đường. Biểu diễn xong, đến một bông hoa dại các anh cũng không có mà tặng NS, nhưng các NS vẫn biểu diễn hết mình. Kim Dung không thể nào quên được hình ảnh các mẹ già cả đời chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, nhưng khi nghe tin có đoàn về biểu diễn đã đi bộ hàng chục cây số, đến sớm để ngồi ghế đầu với mong ước được nhìn tận mặt nghệ sỹ Kim Dung có giọng ngâm trầm ấm mà bấy lâu nay chỉ mới được nghe qua sóng phát thanh. Những kỷ niệm ấy với những nghệ sỹ trưởng thành trong chiến tranh như Kim Dung, đó chính là tài sản vô giá khiến bà cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc và bà hiểu, không có tiền bạc nào mua được tình cảm của nhân dân đối với người nghệ sỹ chân chính.
Cả cuộc đời gắn chặt với những vần thơ của Bác nên thơ Người dường như cũng đã ngấm vào tư tưởng lẫn lối sống của NSƯT Kim Dung. Dù đã nghỉ hưu hàng chục năm nay, nhưng NS vẫn luôn nặng lòng với nghệ thuật ngâm thơ và các hoạt động mang tính cộng đồng. Bà hiện là thành viên của Chi hội Chữ Thập đỏ, Chi hội Tán trợ Thăng Long giúp đỡ trẻ em nghèo, cơ nhỡ, khó khăn. Ngâm thơ đối với bà vẫn luôn là niềm say mê vô tận. Nếu ngày xưa ngâm thơ để khơi dậy lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, thì ngày nay bà mong muốn Tiếng Thơ của bà sẽ góp phần khơi gợi lòng thơm thảo, trắc ẩn trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người. Chính vì vậy, dẫu cuộc sống vẫn còn những thiệt thòi, thua thiệt, nhưng bà vẫn sống hết mình cho nghệ thuật, thanh thản, thảnh thơi, dành nhiều thời gian, công sức truyền thụ tinh hoa của nghề cho con, cháu, cho các thế hệ học trò. Bởi bà tin rằng: Hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sỹ là được sống trong lòng của nhân dân./.