Những ngày qua, báo chí và cộng đồng mạng sục sôi về vụ 2 nghệ sĩ người Việt dính dáng đến scandal ở đảo Mallorca (Tây Ban Nha).

Sau sự cố này, nhiều động thái mạnh mẽ của các cơ quan quản lý của hai nghệ sĩ đã được đưa ra. MXH, một vài trang tin tiếp tục có những bài viết về gia đình, về tài sản của họ.

hong-dang-va-ho-hoai-anh-vuong-scandal-chia-se-anh-vo-con-nghe-si-co-dung-luat-1656902812.jpg
TS. Luật sư Đặng Văn Cường 

Đáng lưu ý, rất nhiều hình ảnh về vợ, các con của họ với những bình luận ác ý được chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng.

Dù đó là những hình ảnh đã được công khai trên báo chí hay trên Facebook của các nghệ sĩ, tuy nhiên dưới góc nhìn của các nhà làm luật điều này là vi phạm pháp luật nếu việc sử dụng những hình ảnh này nhằm chỉ trích, mạt sát xúc phạm, quy kết thay cơ quan chức năng phẩm kết tội, mạt sát....

Chia sẻ với phóng viên, TS. LS. Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự kết nối mạnh mẽ của mạng internet nên các thông tin hình ảnh có thể được sử dụng để lan truyền rất nhanh làm cho dư luận xã hội trở nên nóng bỏng hơn, phong phú hơn.

Tuy nhiên những hiện tượng vi phạm quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích tổ chức cá nhân vẫn đã và đang xảy ra phổ biến trên không gian mạng.

“Nếu một người mới chỉ là nghi phạm trong một vụ việc mà cảnh sát đang xác minh mà trên mạng xã hội đã lan tràn hình ảnh cá nhân của họ,, hình ảnh gia đình, vợ con họ đã bị đào bới, đưa lên mạng xã hội để chỉ trích, thậm chí xuyên tạc, vu khống, xúc phạm gia đình họ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này cần phải bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, TS. LS Đặng Văn Cường cho hay.

Trong vụ việc hai nghệ sĩ đi nước ngoài liên quan thông tin scandal ở Tây Ban Nha khiến dư luận rất quan tâm. Nhiều người tìm hiểu thông tin về các nghệ sĩ này, thu thập các thông tin đã được công khai trước đó, trong đó có cả các hình ảnh đời tư cá nhân, theo TS. LS Đặng Văn Cường đó là dư luận xã hội, là phản ứng tất yếu của xã hội đối với một vấn đề mới, nóng.

“Tuy nhiên nếu ai đó sử dụng những thông tin đã được công khai đó để chỉ trích, mạt sát xúc phạm, quy kết thay cơ quan chức năng thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt là hành vi sử dụng thông tin hình ảnh của vợ, còn họ để quy chụp, kết tội, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của họ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm quyền trẻ em, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của công dân”, TS. LS Đặng Văn Cường thông tin.

Theo khoản 1, Điều 32, Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

"Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý."

 Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ vi phạm điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, theo đó có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý”.

Đặc biệt là hành vi vi phạm đối với trẻ em thì đó là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm và tăng tính chất nghiêm trọng của sự việc. Nếu việc sử dụng thông tin hình ảnh của người khác thiếu căn cứ, suy diễn, có ý đồ cá nhân nhầm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của họ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự về các tội danh như tội vu khống, tội làm nhục người khác, tội đưa tin trái phép trên mạng internet, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của bộ luật hình sự.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc đưa một thông tin lên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội rất dễ dàng. Chỉ cần một thiết bị thông minh có kết nối internet mà mỗi cá nhân có thể hoạt động như một đài truyền hình, một đài phát thanh.

Tuy nhiên, Luật sư Đặng Văn Cường lưu ý, nếu thông tin đó là những thông tin giả mạo, sai sự thật, những thông tin bịa đặt, vu khống, nhầm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì người đưa thông tin sẽ phải chịu các chế tài của pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để việc sử dụng mạng xã hội như là một công cụ cần thiết trong xã hội thông minh để khai thác thông tin, để học hỏi, hoàn thiện bản thân và có những thông tin bổ ích trong cuộc sống.

Việc đưa tin trên mạng xã hội cần phải có những hiểu biết nhất định phải có kĩ năng và biết kiểm soát cảm xúc, kiểm soát hành vi. Hành vi được những thông tin trên mạng xã hội mà chưa được kiểm chứng, sai sự thật hoặc có ý đồ cá nhân nhằm công kích đối với tổ chức cá nhân khác thì những hành vi này đều phải trả giá bằng những chế tài của pháp luật, vấn đề là trước hay sau mà thôi./.