Đôi chân trần và hành trình đi tìm con chữ cho bạn
Với người dân, thầy cô, bạn bè Trường THPT Quỳ Châu, Nghệ An, hình ảnh cậu bé Vi Tuấn Khanh, hình dáng mảnh khảnh hơn một thập kỷ qua không quản ngại nắng, mưa cõng bạn trên lưng mình để đến trường đã quá đỗi quen thuộc. Em là Vi Tuấn Khanh (sinh năm 2006, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Quỳ Châu, Nghệ An).
Người bạn mà Vi Tuấn Khanh hàng ngày cõng bạn tới trường là Vi Nhật Cảnh. Sinh ra trong một gia đình nghèo, Vi Nhật Cảnh còn mang trong mình căn bệnh bại não đã khiến tay chân Cảnh bị co quắp. Thế nhưng ước mơ đến trường của cậu học trò nghèo luôn cháy bỏng.
- Nghệ An: Cộng đồng mạng xôn xao đây là công trình đang thi công cống thoát nước đi qua xã Mỹ Thành (Yên Thành)?
- Công an Nghệ An triệt xóa sới b.ạ/c trong rừng được vận hành tinh vi với nhiều đối tượng có tiền án
- Về khiếu nại của công dân phường Cửa Nam, TP Vinh: Yêu cầu BHXH tỉnh Nghệ An kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân
Thương con, chị Vi Thị Hòa mặc dù bị bệnh tật nhưng vẫn cố gắng dìu con đến trường hàng ngày. Cuối năm lớp 1, bố của Cảnh bỏ đi không lý do khiến cuộc sống của hai mẹ con vốn khó khăn nay càng bế tắc hơn. Vì không ai đưa mình đến trường nên Cảnh chấp nhận ở nhà.
Chị Hòa cho biết, tôi thì bị bệnh, bố bỏ đi khi nên gia đình gặp nhiều khó khăn khi đưa con đến trường nên việc học của con bị gián đoạn. May lúc đó, Khanh đã sang nhà động viên và hứa sẽ cõng bạn đến trường”.
“Khi em học lớp hai, mỗi lần đi qua nhà thì thấy bạn Cảnh bò ra cửa và nói muốn đến trường. Về nhà em trình bày ý định cõng bạn đến trường và được bố mẹ đồng ý. Cũng qua lời giải thích của mẹ, bố em vốn là người mù chữ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ suy nghĩ đó em đã nghĩ tới người bạn mình, nếu ước mơ đến trường của Cảnh sẽ vùi tắt thì tương lai của em sẽ mờ mịt hơn”, Khanh nhớ lại.
Cũng từ ngày đó, hình ảnh cậu bé gầy gò với đôi chân trần hàng ngày không quản ngại nắng, mưa cõng người bạn mình đến trường đã làm cho mọi người không cầm nổi nước mắt.
“Điểm trường cấp 1, cách nhà khoảng 2km. Con đường đất lúc đó đi lại rất khó khăn, không có dép đi nên chân em đã nhiều lần rớm máu. Mỗi lúc mệt em và bạn sẽ ngồi nghỉ ven đường lấy lại sức rồi tiếp tục”, Khanh chia sẻ thêm.
Cứ như thế suốt thời gian học cấp 1, Khanh đều đặn hàng ngày cõng bạn đến trường đầy đủ. Lên cấp 2, thấy hoàn cảnh quá khó khăn, người chú đã mua cho Khanh chiếc xe đạp để chở bạn. Cũng từ đây niềm vui của các em như được nhân đôi.
Biến giấc mơ thành hiện thực
Bố mẹ Vi Tuấn Khanh lấy nhau có được hai người con (Khanh là anh cả trong gia đình), kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy. Mẹ của Khanh ốm đau quanh năm nên gia đình thuộc diện hộ nghèo. Tài sản duy nhất là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, tuy vậy cuộc sống của gia đình em rất hạnh phúc.
Nhà Khanh và Cảnh chỉ cách nhau khoảng hơn 100m, ngoài tình bạn ấm áp của hai cậu học trò thì tình cảm giữa hai gia đình cũng rất hiếm có. Họ chia sẻ tất cả trong cuộc sống để vươn lên.
Đằng sau câu chuyện giúp bạn tới trường là những hi sinh thầm lặng của những phụ huynh tâm huyết vì tương lai của các con. Lên THPT, quãng đường đến trường xa nhà đến 6km, bố mẹ Khanh đã phải bán bò góp chung với gia đình Cảnh để mua xe máy (xe máy dành cho học sinh) cho con để đi học và chở bạn đến trường.
Chị Vi Thị Sáu (mẹ em Khanh) cho biết, thấy các con hàng ngày chở nhau bằng xe đạp mà thương lắm. Đi học xa nhà hơn nên gia đình phải bán đi con bò để mua xe máy để các con đi lại cho đỡ vất vả.
Cũng như lúc học cấp 2, Khanh đi xe đến đón bạn từ sớm, cõng bạn ra xe, lên cổng trường lại ân cần cõng bạn vào lớp học.
"Sinh ra trong gia đình nghèo nhưng Khanh luôn cố gắng trong học tập. Năm lớp 10, 11 em đạt học khá, năm lớp 12 là học sinh giỏi. Câu chuyện em cõng bạn Cảnh đến trường nhiều năm qua khiến mọi người vô cùng nể phục”, cô giáo Cầm Thị Hòa (Giáo viên chủ nhiệm của Khanh) tự hào nói về người học trò của mình.
Được biết, vì căn bệnh tàn tật bẩm sinh nên em Vi Nhật Cảnh được xét đặc cách và miễn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Năm nay Cảnh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học ngành Công nghệ thông tin - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An còn Khanh đăng ký ngành Sư phạm Địa lý tại Trường Đại học Vinh.
“Không biết kết quả như thế nào, nhưng nếu chúng em đỗ thì cả hai vẫn tiếp tục đồng hành với nhau trên mảnh đất thành phố Vinh. Em sẵn sàng cõng bạn đến giảng đường, nơi giấc mơ lâu rồi chúng em muốn hóa thành hiện thực", Khanh và Cảnh mong muốn.