3a334e39fe7b17254e6a-1639367092.jpg
Một vườn cam tại xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) bị bỏ hoang do rớt giá, bệnh hại

Theo tính toán, chu kỳ cây cam là 15 năm, từ năm thứ 3 - 4 bắt đầu cho quả. Mỗi hecta cam, từ khi trồng đến khi cho thu hoạch phải mất chi phí khoảng 300 triệu đồng, còn nếu đầu tư đúng chuẩn chi phí từ 120-130 triệu đồng/năm. Vì vậy, để hòa vốn và có lời, giá cam phải bán được 10.000 đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, hiện tại, giá cam được thương lái thu mua tại vườn chỉ trên dưới 2.500 đồng/kg đối với cam Vân Du, còn cam Xã Đoài cũng chỉ 5.000 đồng/kg. Nếu so với thời hoàng kim giá cam lên tới 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg thì giá hiện tại thực sự là “quá đắng” đối với người trồng cam.  

Thực tế cho thấy, dường như, nhà nước quy hoạch phát triển cam cứ quy hoạch, còn người trồng cam cứ trồng. Đơn cử như tại vựa cam huyện Quỳ Hợp, hiện tại, trong khi nhiều nhà vườn đã và đang chặt bỏ cam chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, hoặc bỏ mặc không thu hoạch thì UBND huyện vẫn lập đề án phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ trồng hơn 2.500ha cam (hiện tại là hơn 1.500ha). Trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, mục tiêu của tỉnh này năm 2020 trồng 5.600ha cây cam và quýt, đến năm 2030 nâng diện tích lên 10.160ha.

Do trước đây cam được mùa, được giá nên người dân trồng ồ ạt khiến quy hoạch cam bị phá vỡ. Chỉ tính năm 2018, diện tích cây có múi trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng hơn 10.000ha, trong đó riêng cây cam hơn 6.000ha (vượt quy hoạch năm 2020 trên 1.000ha).

644d1347a3054a5b1314-1639367043.jpg
Người trồng cam Vinh lao đao vì cam rớt giá, bệnh hại

Theo những người am hiểu về cây cam, một trong những nguyên nhân chính khiến cam Vinh rớt giá xuống thấp nhất trong vòng 4 năm qua là do vỡ quy hoạch. Vì vỡ quy hoạch nên cung vượt quá cầu, càng được mùa càng rớt giá. Không chỉ cây cam, thời gian qua, nhiều loại cây trồng khác như: thanh long, cà phê, hồ tiêu, cao su,... cũng lâm cảnh bị vỡ quy hoạch dẫn đến giá rớt thảm. Và, thực tế cho thấy, khi quy hoạch cây trồng bị phá vỡ thì “nhân vật chính” là nông dân lại vỡ nợ.

Nên chăng, đã đến lúc cần phải có chế tài trong quy hoạch cây trồng. Nếu người trồng cây phá vỡ quy hoạch thì sẽ bị xử lý cụ thể thế nào. Người trồng cây cũng có quyền đòi hỏi, khi tuân thủ theo quy hoạch sẽ được lợi gì về chính sách đất đai, cây giống, kỹ thuật và đặc biệt đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi quy hoạch cây trồng không bị phá vỡ và quy hoạch dự báo được thị trường thì điệp khúc được mùa rớt giá, giải cứu nông sản mới có thể chấm dứt./.