1-1669300211.jpg
Quang cảnh phiên họp

Phiên họp chiều nay, UBND tỉnh đã nghe và thống nhất thông qua Báo cáo kết quả công tác đối ngoại năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Theo báo cáo, trong năm 2022, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế được triển khai sôi nổi, phù hợp với tình hình mới, đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã tổ chức thành công các hội nghị trực tuyến với Chính quyền tỉnh Gifu (Nhật Bản), Chính quyền bang Haryana (Ấn Độ); thiết lập quan hệ hữu nghị với thành phố Gwangju (Hàn Quốc). UBND tỉnh Nghệ An đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Liên đoàn Sản xuất Singapore về hợp tác đầu tư và thương mại nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Thông qua các sự kiện nhằm tăng cường hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới với các đối tác tiềm năng; đồng thời là cơ hội để tỉnh quảng bá về tiềm năng, lợi thế, chính sách đầu tư của tỉnh Nghệ An; tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp các nước tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch,… tại tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 10/11/2022 là 935,22 triệu USD.

Công tác quản lý biên giới được triển khai đồng bộ, giữ vững sự ổn định, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới đất liền và biển đảo. Triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản thỏa thuận của cấp trên hai nước Việt Nam - Lào và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác biên giới, lãnh thổ. Công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các quy định của Trung ương. Công tác lãnh sự và bảo hộ công dân tiếp tục được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Tiếp đó, UBND tỉnh đã nghe và thống nhất thông qua Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được xây dựng với quan điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) song hành với các ngành công nghiệp chính có tiềm năng lợi thế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các ngành công nghiệp ưu tiên trong Phương án phát triển công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu chung là ưu tiên phát triển CNHT nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo sức hút để các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư vào Nghệ An. Đến năm 2025, một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có khả năng tham gia sản xuất và cung cấp được một số vật liệu, linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp chính. Đến năm 2030, có nhiều doanh nghiệp đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn.

Nhóm sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gồm: CNHT ngành dệt may, chế biến gỗ và sản xuất nội thất, sản xuất bao bì, in ấn, nhãn dán, hạt phụ gia. Nhóm sản phẩm CNHT tập trung thu hút đầu tư, gồm: Ngành điện, điện tử-tin học-viễn thông; cơ khí, chế tạo; sản xuất, lắp ráp ô tô.

2-1669300253.jpg
Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên trình bày tóm tắt nội dung Đề án

Phiên làm việc chiều nay, UBND tỉnh cũng đã nghe và cho ý kiến vào Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030”.

Mục tiêu chung của Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp huyện Yên Thành phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành; xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của huyện; gắn phát triển nông nghiệp với chế biến, bảo quản và phát triển du lịch sinh thái; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập của Nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 65-70% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp toàn huyện.

3-1669300288.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị huyện Yên Thành cần lựa chọn cây, con phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025: Huyện xây dựng các vùng sản xuất tập trung ứng dụng CNC, tập trung vào các sản phẩm chủ lực: Lúa gạo, cam, bưởi, gà thịt, lợn thịt, bò, cây lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn 2026 – 2030: Tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; các cơ sở nông nghiệp ứng dụng CNC. Tăng tỷ lệ diện tích cây trồng, quy mô vật nuôi được ứng dụng CNC.

4-1669300484.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi về nội dung dự thảo các Đề án, Nghị quyết, Quyết định

Qua nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình với hướng đi phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Yên Thành, tuy nhiên huyện cần lựa chọn cây, con phù hợp để phát triển thành sản phẩm hàng hóa có thị trường tiêu thụ để đầu tư, đồng thời phải quy hoạch xây dựng hạ tầng để phát triển công nghệ cao hiệu quả. Muốn làm nông nghiệp công nghệ cao phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Để có nguồn lực thực hiện các Đề án, UBND tỉnh đồng tình với đề xuất của huyện, Yên Thành cần làm việc với Sở Tài chính để có đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách để tạo nguồn lực phát triển. Huyện Yên Thành cần tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án.

Cùng trong phiên họp chiều nay,UBND tỉnh cũng đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023. Đồng thời, thông qua các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh: Dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh quy định phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về tỷ lệ phần trăm nguồn thu tiền sử dụng đất để tạo nguồn vốn thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư cầu dẫn nối QL7C với Cảng Cửa Lò; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An; dự thảo Quyết định về việc ủy quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Dự thảo Quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh; dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 16/3/2017 của UBND tỉnh quy định phân công, phân cấp quản lý, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

5-1669300513.jpg
Phó Giám đốc Sở N&PTNT Võ Thị Nhung báo cáo nội dung dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An
6-1669300524.jpg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt báo cáo nội dung đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị quyết thông qua chủ trương thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trình HĐND tỉnh

UBND tỉnh cũng thống nhất cho phép bổ sung vào dự thảo Nghị quyết thông qua chủ trương thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2022 đối với 02 dự án:  Dự án Hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng dự án mở rộng  Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (phần mở rộng khu A) tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn với quy mô diện tích cần thu hồi đất là 2 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng 1,55 ha đất trồng lúa; Dự án đường giao thông phục vụ quốc phòng – an ninh biên giới đoạn nối từ đường Hồ Chí Minh đến cầu Sướn lên Mốc 10 đường Tuần tra biên giới (giai đoạn 3) tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương với quy mô diện tích cần thu hồi  là 7,5 ha./.

Theo Phan Quỳnh -  nghean.gov.vn