Nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao
Phòng chống cháy rừng luôn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nhưng hình như chưa năm nào chúng ta thoát khỏi tình cảnh bị “bà hỏa” ghé thăm. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2023, ở Nghệ An đã xảy ra một số vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng. Cụ thể, vào ngày 5/5 đã xảy ra vụ cháy rừng tại khu vực núi Tích Tích xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương) với diện tích 5,3 ha. Hay trong chiều ngày 19/5, trên địa bàn khối Trường Sơn, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn) đã xảy ra vụ cháy rừng thông. Do đã chủ động được lực lượng nên đám cháy được dập tắt sau hơn 1 giờ, diện tích rừng bị cháy ước tính khoảng 0,2 ha.
Các vụ cháy rừng, không chỉ gây thiệt hại về diện tích rừng mà con “hao người, tốn của”, khi phải huy động rất nhiều lực lượng tham gia chữa cháy. Thậm chí, có những vụ cháy, dù các cấp các ngành đã rất nỗ lực, nhưng vẫn phải “bất lực” trước cường độ lửa lớn kết hợp gió thổi mạnh.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam, gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Trước tình hình trên, trong đợt nắng nóng cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Đây là lần thứ 3 trong năm 2023, tỉnh Nghệ An ban hành công điện về nội dung này dù chưa bắt đầu vào tháng cao điểm về nắng nóng.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương thực hiện nghiêm túc về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Yêu cầu tăng cường tuần tra, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng. Đồng thời, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, thông báo Nhân dân tạm dừng hoạt động đốt dọn thực bì,để sản xuất nương rẫy trong thời gian cao điểm nắng nóng, khô hanh.
Việc kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo phù hợp thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng… cũng được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt.
Trong những nỗ lực phòng chống cháy rừng, tỉnh Nghệ An yêu cầu các lực lượng, các cơ quan, đơn vị tùy theo tình hình nhiệm vụ tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là các khu rừng trọng điểm như: Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, khu lâm viên núi Quyết, khu vực đền Cuông...
Hồ cạn, thiếu điện và thiếu nước
Suốt nhiều tháng liền xảy ra khô hạn bất thường, một loạt hồ chứa của các nhà máy thủy điện ở Nghệ An đã xuống mực nước chết, sản lượng phát điện hiện chỉ đạt từ 30 - 50%.
Do nắng nóng gay gắt dẫn tới khô hạn trên diện rộng, trong khi đó, nhiều hồ thủy điện lại có lưu lượng nước về hồ rất kém so với trung bình nhiều năm, nên mực nước tại các hồ chưa thủy điện đều ở mực nước thấp.
Ngay như hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) - công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, với dung tích hồ chứa 1,83 tỷ m3, nhưng mực nước tại hồ chỉ đạt hơn 160 m và còn cách mực nước chết khoảng 7 m. Đây là hồ chứa vừa có công năng phát điện; đồng thời cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đối với vùng hạ du tỉnh Nghệ An.
Để thực hiện hai công năng trên cùng một lúc, Thủy điện Bản Vẽ đã chủ động làm việc với Sở NN&PTNT Nghệ An, Chi cục Thủy lợi Nghệ An để thống nhất kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên tinh thần đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu cấp nước và phát điện.
Ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho hay: Việc bảo đảm chạy máy phát điện các tháng mùa khô cho hệ thống điện Quốc gia và đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hạ du tỉnh Nghệ An, là một nhiệm vụ đặt ra khá khó khăn trong bối cảnh nguồn nước về hồ thấp, mực nước dự trữ tại hồ thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Còn tại Nhà máy thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong), có công suất 180 MW, lòng hồ thiết kế có dung tích chứa khoảng 400 triệu m3 nước. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa từ đầu mùa rất thấp đã khiến cho lòng hồ thuỷ điện cạn trơ đáy. Trong khi đó, lưu lượng nước sông Chu đổ về chỉ đạt 20 m3/s, đạt 30% cùng kỳ năm ngoái, và đạt 50% so với cùng kỳ các năm trước đó.
Theo ông Đoàn Văn Trường - Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hủa Na cho biết: Nhà máy thủy điện Hủa Na có 2 tổ máy, nhưng thời điểm này chỉ có thể chạy 1 tổ máy 70 MW với thời lượng 5 giờ/1 ngày, phát điện khoảng 0,3 triệu kWh, chỉ đạt 1/5 kế hoạch. Qua tháng 6 tình hình sẽ rất khó khăn trong vận hành của hệ thống điện Quốc gia…
Nhiều hồ chứa thủy điện khác ở Nghệ An, như Nậm Giải, Bản Cốc, Nhạn Hạc, Sao Va, Sông Quàng (Quế Phong), Nhà máy thuỷ điện Châu Thắng (Quỳ Châu)… cũng đang trong tình trạng tương tự.
Hồ chứa đang xuống dưới mực nước chết, trong khi đó, các nhà máy vẫn giữ mức xả để đảm bảo duy trì dòng chảy môi trường hạ lưu, theo quy định vận hành mà các thuỷ điện cam kết. Việc vận hành của các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn các huyện này, hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Do vậy, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, các thuỷ điện trên địa bàn chỉ duy trì vận hành từ 4 - 5 tiếng/ngày, việc thiếu điện sinh hoạt và sản xuất là khó tránh khỏi.
Theo An Yên - baodantoc.vn