Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của tất cả các loại hình doanh nghiệp trên cả nước. Thế nhưng, mới đây, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, Sở Công Thương Nghệ An đã cử 2 Đoàn thanh, kiểm tra đến làm việc về sử dụng vật liệu nổ với hàng chục doanh nghiệp có mỏ đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An khiến các doanh nghiệp này “đứng hình” thấp thỏm.
Đoàn thanh tra chưa xong, đoàn làm việc đã xuất hiện
Cụ thể, thực hiện theo kế hoạch thanh tra năm 2021, ngày 02/03/2021, Chánh Thanh tra Sở Công Thương Nghệ An đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-TTR quyết định thanh tra việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản và thực hiện quy định an toàn liên quan.
Theo Quyết định số 14 này, đoàn thanh tra được thành lập do ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chánh Thanh tra Sở làm Trưởng đoàn, các thanh tra viên gồm: Ông Hoàng Xuân Hồng, bà Trần Thị Kim Ưng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm thành viên Đoàn thanh tra.
Đến ngày 05/03/2021, Chánh Thanh tra Sở Công Thương bất ngờ ký Quyết định số 15/QĐ-TTR cử ông Hoàng Xuân Hồng - Thanh tra viên làm Trưởng Đoàn thanh tra thay ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chánh Thanh tra Sở (Trưởng Đoàn trước đó theo Quyết định số 14).
Ngay sau khi Quyết định Thanh tra được ban hành đã gửi đến các doanh nghiệp có mỏ đá xây dựng, đá trắng... (gọi chung là mỏ khoáng sản) trên địa bàn huyện Quỳ Hợp và các doanh nghiệp khoáng sản thuộc địa bàn nhiều huyện khác.
Theo đó, trong tháng 3/2021, Đoàn thanh tra đã tiến hành làm việc được 9 doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản và đang tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp khoáng sản khác tại địa bàn huyện Quỳ Hợp theo danh sách được phê duyệt theo kế hoạch.
Tuy nhiên, trong lúc đoàn thanh tra Sở đang tiến hành thanh tra các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp thì đến trung tuần tháng 3/2021, các doanh nghiệp huyện Quỳ Hợp lại tiếp tục nhận được “tráp” của Sở Công Thương Nghệ An với nội dung cũng là sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Cụ thể: Ngày 16/03/2021, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An đã ký Văn bản số 472/SCT-KTATMT về làm việc với các đơn vị hoạt động khoáng sản vật liệu nổ công nghiệp. Đoàn làm việc này do ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn, với nội dung làm việc: Việc chấp hành các quy định về kỹ thuật an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; sự phù hợp quy trình khai thác mỏ thực tế so với thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ đã được thẩm định phê duyệt; hiện trạng và kế hoạch xây dựng cải tạo kho chứa vật liệu nổ công nghiệp để đảm bảo quy định theo QCVN 01:2019/BCT.
Sau khi nhận được Văn bản số 472 của Sở Công Thương, hàng loạt doanh nghiệp khoáng sản huyện Quỳ Hợp có tên trong danh sách làm việc của đoàn gần như “đứng hình” không biết phải xử trí như thế nào.
Chia sẻ với phóng viên, một Giám đốc doanh nghiệp khoáng sản huyện Quỳ Hợp (đề nghị được dấu tên) cho biết: “Như chúng tôi được biết, theo kế hoạch thì hàng năm, Đoàn thanh tra Sở Công Thương sẽ thành lập và tiến hành thanh tra về vật liệu nổ 01 lần, những lần như thế các doanh nghiệp trên địa bàn đều nhận được Quyết định Thanh tra, quyết định thành lập đoàn thanh tra có danh sách kèm theo để các doanh nghiệp chuẩn bị.
Năm 2021, như thường lệ, đầu tháng 3, doanh nghiệp tôi và các doanh nghiệp trên địa bàn cũng nhận quyết định của đoàn thanh tra Sở Công Thương sẽ đến làm việc về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có danh sách ngày, giờ làm việc cụ thể kèm theo. Chúng tôi đã chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục để chờ đoàn thanh tra đến làm việc.
Trong lúc chờ đoàn thanh tra đến làm việc thì đến giữa tháng 3/2021, các doanh nghiệp mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp lại tiếp tục nhận được văn bản của Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị các hồ sơ thủ tục liên quan đến hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khiến cho doanh nghiệp chúng tôi không biết phải xử trí tình huống này như thế nào nữa. Hiện tại, chúng tôi cũng không biết mình sẽ phải làm việc với đoàn nào cả, vì cả 2 đoàn đang tiến hành làm việc lần lượt các doanh nghiệp mỏ đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Thậm chí có những doanh nghiệp đoàn thanh tra đã làm việc xong nhưng vẫn nhận được văn bản làm việc của đoàn do Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn”.
Trong lúc chờ đoàn thanh tra đến làm việc thì đến giữa tháng 3/2021, các doanh nghiệp mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp lại tiếp tục nhận được văn bản của Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị các hồ sơ thủ tục liên quan đến hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khiến cho doanh nghiệp chúng tôi không biết phải xử trí tình huống này như thế nào nữa. Hiện tại, chúng tôi cũng không biết mình sẽ phải làm việc với đoàn nào cả, vì cả 2 đoàn đang tiến hành làm việc lần lượt các doanh nghiệp mỏ đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Thậm chí có những doanh nghiệp đoàn thanh tra đã làm việc xong nhưng vẫn nhận được văn bản làm việc của đoàn do Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn”.
Không thể kết hợp 2 đoàn vì tính chuyên nghiệp
Được biết, Đoàn thanh tra theo kế hoạch năm 2021 đã được phê duyệt tại Quyết định số 501/QĐ-SCT.TTR ngày 03/12/2020 do ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An ký (lúc bấy giờ, nay đã về hưu). Trong đó, đối với thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với danh sách kèm theo bao gồm 18 doanh nghiệp khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp và gần 20 doanh nghiệp khoáng sản tại các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn...
Còn đoàn làm việc theo Văn bản số 472/SCT-KTATMT do ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An (mới được bổ nhiệm 2/2021 sau khi Giám đốc cũ về hưu) thì danh sách làm việc lên đến 30 doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp trùng lặp với danh sách của đoàn thanh tra theo kế hoạch trước đó.
Bên cạnh đó, đoàn làm việc do ông Lê Đức Ánh làm Trưởng đoàn chỉ cần gửi Văn bản số 472 và danh sách, ngày, giờ làm việc kèm theo rồi đến làm việc với các doanh nghiệp mỏ về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không cần phải có quyết định thành lập đoàn.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương (Trưởng đoàn làm việc theo Văn bản số 472). Tại buổi làm việc ông Ánh cho biết: “Đoàn kiểm tra theo danh sách khoảng 30 đơn vị mà Giám đốc giao anh làm Trưởng đoàn thay mặt Sở đi làm việc với các doanh nghiệp, thật ra cũng bởi thời gian gần đây Sở Công Thương nhận được đơn thư phản ảnh của người dân về việc 03 doanh nghiệp mỏ đá vi phạm trong sản xuất, khai thác khi sử dụng vật liệu nổ nên Giám đốc Sở đã cho chủ trương thành lập đoàn làm việc với các doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nổ, từ đó có thể hướng dẫn chỉ ra những sai phạm nhỏ để doanh nghiệp khắc phục nhằm giảm được những sai phạm lớn có thể xảy ra”.
Khi phóng viên hỏi vì sao trong thời điểm tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp phải vật lộn với sản xuất và kinh doanh, mà chỉ trong vòng 14 ngày, Sở Công Thương lại cử 2 đoàn thanh tra, làm việc cùng một vấn đề là vật liệu nổ với hàng loạt doanh nghiệp khoáng sản như vậy có hợp lý? Vì sao Sở Công Thương không kết hợp giữa đoàn kiểm tra của Thanh tra với đoàn làm việc của Sở thành một đoàn để không bị chồng chéo, trùng lặp danh sách, như vậy các doanh nghiệp chỉ cần 1 lần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để làm việc mà không phải thấp thỏm lo âu đón đoàn này đoàn kia?
Ông Lê Đức Ánh phân trần: “Đúng là chỉ trong một thời gian ngắn trong giai đoạn này mà 2 đoàn làm việc về vấn đề vật liệu nổ thì có phần hơi nhạy cảm một tý và danh sách các đơn vị của cả 2 đoàn ban đầu có một số đơn vị trùng lặp. Tuy nhiên sau đó Sở đã rà soát lại và nếu trong quá trình làm việc mà trong danh sách vẫn còn trùng lặp với danh sách của đoàn thanh tra thì đoàn sẽ bỏ qua không làm việc với đơn vị đó nữa”.
“Đối với vấn đề kết hợp 2 đoàn lại thành 1 đoàn để thanh tra và làm việc cùng 1 lúc thì chưa phù hợp lắm, bởi khi đã thực hiện chuyên nghiệp thì cái gì ra cái đó. Đoàn thanh tra chỉ đến kiểm tra về thủ tục hành chính, các thủ tục giấy tờ như giấy phép, bằng cấp, chứng chỉ nếu chưa có đầy đủ thì Thanh tra sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Còn đoàn bọn anh đến làm việc là kiểm tra, hướng dẫn về mặt chuyên môn kỹ thuật sử dụng vật liệu nổ như thế nào, công tác đảm bảo an toàn ra sao... Bên cạnh đó, đoàn của Sở đi kiểm tra hướng dẫn nhắc nhở và nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp là chính, nếu phát hiện sai phạm lớn khi đó sẽ báo đoàn thanh tra lên xử phạt”, ông Ánh cho biết thêm.
Sự việc Sở Công Thương Nghệ An chỉ trong thời gian 14 ngày đã cử 2 Đoàn thanh, kiểm tra làm việc với các doanh nghiệp mỏ đá ở huyện Quỳ Hợp khiến các doanh nghiệp này “toát mồ hôi”. Việc này khiến dư luận Nghệ An đặt ra câu hỏi: Cách kiểm tra của Sở Công Thương có hợp lý với tình hình hiện tại? Và như thế có làm khó các doanh nghiệp?