Tỉnh Nghệ An có 25 đội viên tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, trong đó có 23 đội viên hiện đang giữ các chức danh cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện. Các đội viên Dự án đã nhanh chóng tiếp cận công việc, khắc phục khó khăn, chủ động nghiên cứu chính sách, các văn bản chỉ đạo của cấp trên; tích cực đi cơ sở, nắm bắt tình hình về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán trồng trọt, chăn nuôi ở các thôn, bản, kết hợp kiến thức được đào tạo để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, Dự án phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị và giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn; đồng thời, góp phần thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức ở cấp xã theo hướng tích cực. Nhiều đội viên được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có được kết quả tích cực trong triển khai thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, từ khâu tuyên truyền, tuyển chọn, bồi dưỡng đến việc tổ chức cho đội viên Dự án về xã công tác. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và sự đồng tình của nhân dân đối với việc tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đã nhận thức đầy đủ, thống nhất và ủng hộ chủ trương tăng cường trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về giúp các xã thuộc huyện nghèo phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các đội viên Dự án phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở, xác định đây là cơ hội để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các xã, huyện. 

Các cấp, các ngành khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện đầy đủ, kịp thời, cụ thể và chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình thực hiện Dự án. Do đó, Dự án được triển khai thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đúng tiến độ và đạt mục tiêu đề ra. 

Tuy nhiên, các huyện thuộc phạm vi điều chỉnh Dự án 600 Phó Chủ tịch xã có địa hình phức tạp, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, sống rải rác, phân tán ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; hạ tầng gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... đó là thách thức đối với trí thức trẻ khi tình nguyện về địa phương công tác. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, trình độ năng lực, cơ cấu đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đồng đều và hạn chế, ở một số nơi nhiều cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; thiếu cán bộ cơ sở có trình độ khoa học kỹ thuật để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án thời gian đầu còn gặp khó khăn, một số địa phương chưa chủ động bố trí trang thiết bị, điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như phân công, giao nhiệm vụ cho đội viên Dự án. Đội viên Dự án chưa có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cấp xã; ít có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh; một số đội viên chưa mạnh dạn tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện công việc được giao; nhiều đội viên chưa biết tiếng của đồng bào dân tộc trong xã nên gặp khó khăn khi đi xuống thôn, bản để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Qua thực tiễn triển khai, nếu tiếp tục xây dựng các Đề án, Dự án về thu hút tri thức trẻ về công tác tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung biên chế cho các địa phương để có thể bố trí công việc cho đội viên đồng thời có chính sách đãi ngộ cho đội viên sau khi kết thúc Dự án./.

Theo Kim Oanh - nghean.gov.vn