Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Công an tại Công văn số 4114/BCA-ANCTNB ngày 25/11/2022 về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời, giao Công an tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo quy định.

Bộ Công an cho biết sau hơn hai năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, một số quy định của Luật còn có cách hiểu khác nhau, áp dụng chưa thống nhất. Tại Công văn số 4114/BCA-ANCTNB, Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể về các nội dung, như: Thẩm quyền xác định; trường hợp ký thừa lệnh, thừa ủy quyền, thay mặt xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; áp dụng danh mục bí mật nhà nước; dự thảo văn bản chứa nội dung bí mật nhà nước.

Cụ thể, về thẩm quyền: Khoản 2, Điều 10, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là cấp giúp việc trực tiếp cho cấp trưởng, được cấp trưởng phân công phụ trách các phần việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền của cấp trưởng (thể hiện trong quy chế làm việc hay văn bản phân công công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước); đồng thời, cấp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với phần việc đã phân công cho cấp phó. Do đó, cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Trường hợp ký thừa lệnh, thừa ủy quyền, thay mặt phải có văn bản đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.

Áp dụng danh mục bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước. Theo đó, khi được giao soạn thảo tài liệu, các cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào 35 danh mục bí mật nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành để xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.

Dự thảo văn bản chứa nội dung bí mật nhà nước: Khi chưa được người có thẩm quyền quyết định độ mật và ký ban hành thì không đóng dấu chỉ độ mật trên dự thảo văn bản. Theo đó, khi gửi dự thảo phải có văn bản yêu cầu nơi nhận có trách nhiệm bảo vệ nội dung dự thảo, bảo đảm không để xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước.

Công văn số 4114/BCA-ANCTNB cũng đã hướng dẫn về thực hiện thẩm quyền, hình thức thể hiện, việc áp dung quy định đối với nội dung “Được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước”.

Về đóng dấu “Bản số” trên tài liệu bí mật nhà nước: Tất cả văn bản bí mật nhà nước đã được người có thẩm quyền ký (kể cả lưu tại văn thư và bản lưu tại đơn vị soạn thảo) đều phải đóng dấu “Bản số” theo thứ tự từ 01 đến bản cuối cùng để quản lý số lượng tài liệu bí mật đã ký, ban hành.

Xử lý, khắc phục trường hợp cơ quan, tổ chức xác định sai bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước: Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu cơ quan, tổ chức xác định sai bí mật nhà nước và độ bí mật nhà nước có văn bản đính chính hoặc thu hồi bí mật nhà nước đã phát hành.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Thủ tướng Chính phủ là chủ thể duy nhất có thẩm quyền ban hành danh mục bí mật nhà nước; các cơ quan, tổ chức (gồm cả tổ chức đảng) chỉ triển khai áp dụng trực tiếp 35 danh mục bí mật nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và không được ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Trong Công văn số 4114/BCA-ANCTNB, Bộ Công an cũng đã hướng dẫn việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giải mật bí mật nhà nước; việc ban hành quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước. Trong đó, tổ chức cơ sở đảng ở cơ quan, đơn vị không phải ban hành nội quy riêng mà áp dụng theo nội quy bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, đơn vị đó.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước nên việc bố trí hay không do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị này tự quyết định./.

Theo PQ - nghean.gov.vn