hinh-3327-1630918278-164691328-5177-5473-1646913325-1653965883.png
Ảnh minh họa.

Theo lời người nhà kể lại, 12 giờ ngày 24/5, trẻ uống nhầm hơn 7 viên thuốc Paracetamol 500mg (khoảng 159 mg/kg). Sau uống thuốc, trẻ mệt lả, nôn nhiều ra dịch vàng lẫn thức ăn ở nhà chưa xử trí gì.

Trẻ nhập viện khoa Cấp cứu được theo dõi Ngộ độc Paracetamol, bác sỹ đã cấp cứu ban đầu, dùng thuốc giải độc gan. Khi ổn định trẻ được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị tiếp.

Theo Tiến sĩ-Bác sĩ nội trú Trần Văn Cương -  Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Ngộ độc thuốc thường hay gặp ở trẻ như thuốc hạ sốt, thuốc điều trị tiêu chảy (oresol), thuốc nhỏ mũi… Đặc biệt là ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều (>150 mg/kg).

Chẩn đoán ngộ độc khó khi gia đình không rõ trẻ ăn uống, trong khi giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chính vì vậy, trẻ nhập viện thường ở giai đoạn ngộ độc nặng gây biến chứng suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể nguy kịch, đe dọa tử vong nhanh chóng.

Paracetamol (Acetaminophen) là hoạt chất giúp giảm đau và hạ sốt được sử dụng phổ biến khi sốt từ 38.5oC trở lên liều dùng 10- 15mg/kg cân nặng/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tiếng.

Khi trẻ bị ngộ độc Paracetamol có ít hoặc không có triệu chứng cụ thể trong 24 giờ đầu. Các triệu chứng có thể bao gồm cảm giác mệt mỏi, đau bụng hoặc buồn nôn, nôn. Sau đó, trẻ có thể lơ mơ, mệt lả, khó thở, ho khò khè, tim đập nhanh, phản xạ ánh sáng kém, huyết áp tụt, gan to, các xét nghiệm máu phản ánh tình trạng men gan cao, bilirubin trong máu tăng cao...Việc điều trị tùy thuộc vào thời gian, mức độ nặng của trẻ khi đến viện.

Sở dĩ nhiều bậc phụ huynh sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ như hiện nay là do loại thuốc này dễ mua, dễ tìm thấy ở các hiệu thuốc.

Nguyên nhân phổ biến thứ 2, có thể do bố mẹ chưa ý thức hoặc quên lời chỉ dặn từ bác sĩ cho con uống thuốc quá liều lượng mà bác sĩ đã kê, nhiều bố mẹ khi trẻ bị sốt có thể chưa đến 38.5oC cũng đã vội vàng dùng thuốc, tự ý tăng liều khi thấy bệnh của con chưa đỡ hoặc hết sốt ba mẹ vẫn dùng thuốc cho trẻ.

Việc cất trữ thuốc trong nhà không cẩn thận, trong các hộp đựng bánh, kẹo, trẻ nhỏ thích khám phá dẫn đến nguy cơ ăn, uống nhầm thuốc gây ngộ độc.

Chính vì tính nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của việc bị ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol ở trẻ, bác sỹ đặc biệt  “cảnh báo” các bậc phụ huynh phải “thận trọng” hơn khi sử dụng, bảo quản thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc cần nhập viện sớm để xử trí kịp thời tránh gây các biến chứng nguy hiểm. Khi trẻ sốt, cần cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời./.