Gia đình quá khó khăn nên em bỏ học, rồi theo bạn đi làm kiếm tiền. Thế nhưng em không ngờ bị lừa làm tiếp viên tại một quán karaoke. Không chịu đi “tiếp bia”, em bị những kẻ này lôi ra đánh đập, hành hạ...
 
Ký ức kinh hoàng những ngày bỏ học
 
Thấy khách đến, em L.T.S. (SN 2007, trú bản Khì, xã Châu Cường, Quỳ Hợp, Nghệ An) mới bước từ vườn lên. Mặc cho trên má lấm lem vì bùn đất, cùng với mồ hôi ướt đẫm, vẫn không che được khuôn mặt xinh xắn, tươi tắn. Em có vẻ đẹp điển hình của người con gái phủ Quỳ, mũi cao, môi đỏ, lông mày lá liễu. Cũng chính vì vẻ đẹp này, em là nạn nhân bị ép “tiếp bia” trong quán karaoke.
 
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bố mẹ chỉ làm lao động chân tay, ai gọi gì thì làm nấy, lại thuộc khu vực miền núi nên cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, S. từ nhỏ đã phải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một buổi theo bố mẹ đi làm, một buổi đến trường, đã vắt kiệt sức của cô gái nhỏ. Dần dần sức học của em đuối hẳn đi, không thể theo kịp con chữ trên bảng nên dẫn đến suy nghĩ chán học.
 
Bước sang năm lớp 7, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, thời gian nghỉ dài nên S. cũng quyết định bỏ học. Lúc này, có một người bạn quen trên mạng xã hội Facebook rủ S. đi làm để kiếm tiền. Lúc đầu, em đắn đo do chưa bao giờ rời bản đi xa, nhưng sau đó biết có thêm mấy bạn gái cùng tuổi, cùng xã đều đi nên S. nhận lời, trong đó có cả người chị gái ruột L.T.B. (SN 2006). Điều không ngờ, cả hai chị em bị đưa ra làm tiếp viên tại một quán karaoke trên địa bàn thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), cách nhà hơn 200km.
 
“Bạn nói đi làm nhà hàng bưng bê, tuy hơi khổ nhưng kiếm được nhiều tiền. Nghe vậy nên em nói với bố, do cả hai chị em đều đi nên bố đồng ý. Thế nhưng, khi ra đến nơi thì bọn em mới biết không phải bưng bê nhà hàng, mà phục vụ tại quán karaoke. Mấy ngày đầu cũng chỉ bưng bê, nhưng sau đó họ bắt em vào phòng “tiếp bia” cho khách. Không những phải rót bia mà còn phải uống bia với khách nữa. Em không chịu, thế là họ nắm tóc em rồi đánh, đạp trên đầu...”, S. nhớ lại.
 
Không những vậy, những kẻ này còn nhiều lần đe dọa giết nếu S. không “tiếp bia” cho khách. Sau đó, S. bị nhốt vào phòng kín trong 2 ngày. Đây là quãng thời gian kinh hoàng của cô gái trẻ. Nỗi nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè và trường lớp tràn ngập khiến em muốn trở về. Ngập ngừng khi nói về chuyện đã qua, anh Lộc Văn Hùng (SN 1980, bố của S.) kể: “Tôi cũng không ngờ họ lừa như vậy, nếu biết thì tôi đã chẳng cho con đi. Sau khi biết cháu S. bị họ đánh đập, do cháu B. nhắn tin về thì tôi lập tức báo cho Công an xã Châu Cường để nhờ giúp đỡ. Sau đợt này tôi chẳng dám cho con đi đâu nữa”.
 
Khi nói về dự định tương lai, L.T.S. cho biết rất muốn đi học lại trong năm học mới, nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không biết phải làm như thế nào. Phía sau S. vẫn còn 3 người em nhỏ, trong khi đợt này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc của bố mẹ cũng ít hẳn đi.
 
“Chắc em ở nhà rồi tìm việc giúp bố mẹ thôi, chứ gia đình hết tiền rồi. Chị gái em cũng có suy nghĩ như vậy”, S. ngẫm nghĩ hồi lâu, buồn bã nói.
 
Quyết tâm cho con trở lại trường
 
Cũng là một trong các nạn nhân được công an giải cứu, cháu L.T.H.D (SN 2007) trú bản Nguôn (xã Châu Cường) sau khi trở về thì tỏ vẻ dè dặt hơn đối với người lạ. Được sự động viên của bố mẹ, D. đang chuẩn bị sách vở để tựu trường như bạn bè cùng trang lứa.
 
Chị Ngân Thị Tuyết (SN 1983, mẹ em D.) kể: “Gia đình tôi tuy khó khăn nhưng bao giờ cũng cố gắng cho các cháu được ăn học đầy đủ. Chúng tôi luôn nghĩ, bố mẹ khổ đủ rồi vì vậy các con phải thay đổi bằng con đường học tập. Không ngờ rằng cháu ngây thơ bị bạn bè lừa nên rơi vào “động” karaoke”.
 
Theo chị Tuyết, vào ngày 26/7, con gái chị xin đi ra thị trấn Quỳ Hợp để uống nước với bạn bè. Thế nhưng mãi sau đó không thấy con gái trở về, chị liền gọi điện vào máy của con thì không liên lạc được. Biết có chuyện không lành, chị lập tức gọi chồng lên báo cáo với Công an xã Châu Cường, đồng thời liên tục điện thoại vào máy của con.
 
Thời điểm này, thông qua UBND xã thì chị được biết có 4 bé gái cùng độ tuổi cũng đang mất tích nên càng hoảng hốt hơn. “May mắn mà cháu D. nhanh trí, nhân lúc bọn chúng không để ý thì lấy điện thoại gửi địa chỉ qua tin nhắn cho tôi. Vì thế gia đình tôi mới biết cháu bị lừa ra một quán karaoke ở Thanh Hóa. Cũng từ manh mối này mà công an ập đến, giải cứu được con tôi và các cháu”, chị Tuyết nhớ lại.
 
Theo người mẹ này, hiện sức khỏe và tinh thần của cháu đã ổn định, nên chị động viên con tiếp tục đến trường. Đồng thời, đây là bài học cho chị cùng gia đình để dạy con phòng tránh việc bị dụ dỗ qua mạng xã hội.
 
Về việc này, ông Lưu Xuân Điểm - Bí thư Đảng ủy xã Châu Cường - cho biết, do địa bàn miền núi nên việc các em học sinh trên địa bàn thường xuyên bỏ học để đi làm hoặc lấy chồng. Đặc biệt, thời gian gần đây mạng xã hội phát triển dẫn đến nhiều biến tướng việc lừa đảo, dụ dỗ các em bỏ học đi phục vụ quán ăn, nhưng thực chất là vào làm việc tại các quán nhậu, karaoke, thậm chí là “động” mại dâm.
 
“Nếu chỉ nói các em cố gắng học tập để có tương lai thì chẳng thể nào thuyết phục được học sinh nơi đây. Thay vào đó, chính quyền địa phương phối hợp với ngành giáo dục tìm cách hướng nghiệp, tìm nghề cho các em ngay từ khi ngồi ghế nhà trường. Thậm chí, chúng tôi phối hợp với một số trường trung cấp dạy nghề, dạy tiếng Hàn, Trung, Nhật... miễn phí cho các em có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Từ đó, giúp các em có mục đích, động lực tiếp tục việc học đến hết lớp 12”, ông Điểm nói.