Hàng chục năm nay, tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hòa), Nghệ An bị ngưng trệ, trở thành phế tích nhưng vẫn phải trích kinh phí duy trì.
 
Vậy nhưng để tìm giải pháp nhằm tránh sự lãng phí cho cả một tuyến đường sắt dài hàng chục km như vậy thì đến nay vẫn đang là câu chuyện mà ngay cơ quan quản lý khối tài sản này vẫn đang loay hoay.
 
Huyết mạch một thời
 
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, để góp phần khai phá, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Phủ Quỳ thuộc miền Tây Nghệ An, tuyến đường sắt dài 32km nối thị trấn Cầu Giát của huyện Quỳnh Lưu lên trung tâm huyện lỵ Nghĩa Đàn.
 
Với việc mở tuyến đường sắt vào thời điểm ấy, hàng hóa như khoáng sản, cao su… sẽ từ miền ngược được chở trên các toa tàu nối đuôi nhau về xuôi để tỏa đi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Ngược lại, tuyến đường sắt này cũng có sứ mệnh vận tải hàng hóa, nhu yếu phẩm như gạo, muối, hải sản… lên phục vụ bà con miền núi.
 


Năm 2006, sau nhiều năm gắng gượng, ngành đường sắt phải dừng hoạt độn‎g vận tải hàn‎h khách trên tuyến này. 6 năm sau, chuyến tàu hàng cuối cùng cũng đã ngừng hẳn.
 
Vì là tuyến đường sắt được xem là huyết mạch thời kỳ Nghệ An đang thực hiện công cuộc “thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang sơn” nên cung đường này được bố trí 5 trạm gác barie trực chắn ở các địa phương có đường dân sinh, đường Tỉnh lộ 537, Quốc lộ 48 với hàng chục cán bộ, công nhân ngày đêm túc trực.
 
Những năm đầu thập niên 70, tuyến đường sắt này đã có những ngày tàu chạy 4 chuyến, bán cả hơn 2.000 vé vẫn không đủ phục vụ người dân đi lại.
 
Lùi sâu vào dĩ vãng
 
Vậy nhưng, hoạt động chưa được bao lâu thì vào vào năm 2006, tuyến đường sắt phải ngừng hoạt động, các điểm trạm barie vẫn duy trì cán bộ túc trực nhưng không hề có tàu chạy lên – xuống.
 
Nguyên nhân được xác định là năng lực vận tải của cung đường sắt này không thể cạnh tranh được so với loại hình vận tải đường bộ nên mấy chục năm nay rơi vào tình cảnh “vắng như chùa bà Đanh” ở các sân ga điểm đi – điểm đến.
 
 
Cả chục năm không còn phục vụ tàu chạy, những dãy nhà ga dần rơi vào cảnh tan hoang, cột trụ bong tróc
 
Có dịp đi dọc tuyến đường sắt này, ai cũng dễ dàng nhận thấy cảnh hoang tàn, sập sệ ở các nhà ga. Còn tuyến đường sắt dài hơn 30km thì bị đường ngang dân sinh án ngữ, cỏ dại mọc um tùm khiến đường ray bị rỉ dét, xộc xệch.
 
Mặc dù không còn hoạt động, sân ga vắng bóng những con tàu vài chục năm trở lại đây nhưng hàng năm, ngân sách Nhà nước vẫn phải bỏ ra 1,4 tỷ đồng để chi trả lương cho nhân viên phân bổ ở 2 trạm ga Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) và Nghĩa Thuận (Thị xã Thái Hòa) để làm nhiệm vụ phụ trách bảo vệ hành lang cho 2 đoạn đường.
 
Trả lời với báo chí, ông Cao Tiến Hùng – Giám đốc Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, hiện nay Nhà nước vẫn chưa có kế hoạch dỡ bỏ hay đưa tuyến đường sắt hoạt động trở lại nên đơn vị không thể biết số phận cung đường này sẽ như thế nào.
 
“Thời gian trước, mỗi năm ngành giao thông bố trí khoảng 6 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng nhưng vài năm trở lại đây đã cắt giảm xuống còn hơn 1 tỷ đồng để trả lương cho cán bộ, nhân viên trực gác, bảo vệ…”, ông Hùng nói.