Khai thác khoáng sản trái phép

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra từ ngày 07 đến ngày 09/12/2021, trong phiên trả lời chất vấn về nội dung công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã trả lời một số nội dung quan trọng liên quan.

11-1639190688.jpg
Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An trả lời các câu hỏi tại phiên chất vấn

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có: 61 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh Nghệ An cấp.

Thời gian qua các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã, thị trấn đã vào cuộc xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ nhiều phương tiện, tang vật vi phạm, khởi tố nhiều vụ án, bị can.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số loại khoáng sản như: đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, gây thiệt hại về người, tài sản. Điển hình là khai thác đá trắng, quặng thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp; khai thác đá xây dựng ở các địa phương như Tương Dương, Yên Thành, Đô Lương...

Trong hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục thuế Nghệ An, cho hay: Cục hiện quản lý 294 tổ chức doanh nghiệp có khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên, bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã nộp 869 tỷ, riêng 11 tháng năm 2021 đã nộp 1125 tỷ, gần 8% tổng thu ngân sách. Thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho ngân sách và tăng trưởng theo các năm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Thời gian qua, ngành đã triển khai tham mưu nhiều biện pháp chống thất thu thuế, đơn cử như xây dựng các định mức tiêu hao vật liệu nổi trong khai thác khoáng sản về đá, tiêu hao năng lượng trong chế biến đá, xác minh hàng hoá qua cảng, các đơn vị khác, tham mưu thành lập các đoàn liên ngành ở Quỳ Hợp, đã góp phần chống thất thu ngân sách.

4-1639190718.jpg
Hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra nhiều ở Nghệ An

Về công tác thanh, kiểm tra, năm 2020 triển khai 86 đoàn thanh tra, kiểm tra, truy thu hơn 25 tỷ; 11 tháng năm 2021 thực hiện 60 đoàn, truy thu 15,6 tỷ. Tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trong đó, có 2 hiện tượng: Khai thác trái phép, khai thác vượt công suất thiết kế. Hiện tượng này diễn ra các hoạt động khai thác đất đá, cát sỏi, quặng thiếc.. công suất ít khai thác nhiều.

Nguyên nhân do nhu cầu thực tế về tài nguyên lớn hơn so với trữ lượng, công suất cấp phép hàng năm. Nhiều doanh nghiệp không muốn trốn thuế nhưng viết hoá đơn sẽ vi phạm quy định. Giải pháp căn cơ phải xác định được nhu cầu thực tế để cân đối quy hoạch, đáp ứng nguồn cung; Khai thác nhiều nhưng kê khai ít, kê khai thuế khác với sản lượng thực tế. Tuy phát hiện ra nhưng ngành Thuế không có đủ thẩm quyền, chức năng xác định thực tế sản lượng khai thác. Cục thuế Nghệ An đã có văn bản gửi Sở TNMT, Bộ TNMT giải quyết vấn đề này để làm cơ sở xác định mức thuế phải nộp để chống thất thu ngân sách.

Xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An, cho biết, khoáng sản là 1 vấn đề nóng mang tính thời sự được đông đảo cử tri, nhân dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh quan tâm. Để làm tốt công tác quản lý khoáng sản trong thời gian tới, đề nghị Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các Sở ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 1 số nội dung: tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý Nhà nước về khoáng sản đến tất cả các cấp các ngành, địa phương trong toàn tỉnh.

21-1639190750.jpg
Có 10 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn liên quan đến công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản

Rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan phù hợp với thực tế đối với các loại khoáng sản chưa được cấp phép khai thác. Đồng thời ra soát tổng thể các loại khoáng sản đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; Tập trung vào các loại khoáng sản phù hợp nhu cầu phát triển của tỉnh như đất san lấp, cát sỏi xây dựng đồng thời bổ sung cấp phép các loại khoáng sản có giá trị lớn như quặng thiếc, đá trắng và các loại khoáng sản quý hiếm khác; Tiếp tục đẩy mạnh CCHC và khai thác khoáng sản theo hướng phân cấp cho địa phương rút ngắn và xử lý nhanh nhất, thuận tiện nhất thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản cho nhân dân và doanh nghiệp.

Đối với các khu vực đã được tổ chức đấu giá quyền khai thác thì cần khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp trúng thầu làm thủ tục để cấp phép khai thác và cung cấp trong thời gian sớm nhất để phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với việc khai thác các khối lượng san lấp đất có quy mô nhỏ cần nghiên cứu để phân cấp cho huyện quản lý nội dung này như xây nhà, cải tạo vườn; Đề nghị ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản. Đề nghị đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; Tăng cường sự phối hợp công tác giữa các ban ngành, địa phương trong hoạt động khoáng sản nhất là Sở TNMT - Cục thuế - Công an tỉnh, ngành VHTT và các địa phương; Chú trọng quan tâm hoạt động khai thác cát sỏi trên sông, chú trọng công tác bảo vệ khoáng sản chưa được khai thác thuộc trách nhiệm của UBND các xã; tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách; bảo đảm ANTT trên địa bàn.

3-1639190781.jpg
Công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần phải được siết chặt

Tại cuộc họp này, ông Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đánh giá: Thời gian qua công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã có những chuyển biến; tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tác động xấu đến môi trường. Làm hỏng hạ tầng, nhất là đường xá; khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế, trong thời gian tới, các bên có trách nhiệm phải kiên quyết, quyết liệt, không dung túng, không khuất tất, không bao che cho việc khai thác khoáng sản trái phép, không đúng quy định, không đúng giấy phép được cấp, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường./.