Nguyên nhân ở dãy núi này xuất hiện rãnh nứt lớn kéo dài đã 3 năm nay. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý.
Nỗi lo sợ cảnh núi lở
Nhà bà Lê Thị Thân, ở xóm Đại Huệ, xã Hưng Tây, nằm cách chân núi Đại Huệ chừng 15m. Năm 1975, bà cùng nhiều người dân trong xóm đến làm nhà và sinh sống cho đến nay. Năm 2020, sườn phía đông ngọn núi sau lưng nhà bà xuất hiện vết nứt chạy ngang dài chừng 100m, rộng và sâu chừng 1m.
Từ đó đến nay, mỗi khi trời mưa lớn kéo dài, gia đình bà lại sống trong nỗi lo sợ cảnh núi lở: “Chúng tôi đến ở đây gần 40 năm, nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng núi nứt kéo dài như thế này. Bây giờ, cứ có mưa lớn là chúng tôi không dám ở trong nhà, nhưng đêm hôm thì biết chạy đi đâu, vì ở đây, hàng chục nhà thì nhà nào cũng nằm sát chân núi. Đến nỗi, tôi cho đất vườn để con về làm nhà ở riêng mà nó cũng không dám về ở”- bà Thân than thở.
Còn nhà của gia đình ông Nguyễn Xuân Tiến (ở xóm Đại Huệ) cũng nằm ngay dưới chân núi Đại Huệ. Ông Tiến kể lại cho chúng tôi, trong đợt mưa lũ năm 2020, vợ chồng ông đang ở trong nhà thì nghe có tiếng động rất mạnh ở trên núi. Mấy ngày sau, ông lên kiểm tra thì phát hiện một hố sụt lút rộng như ruộng lúa, sâu khoảng 1m.
Ông đã báo chính quyền, sau đó, cán bộ xã và huyện về kiểm tra, xác định hố sụt lún này là bất thường và khuyến cáo người dân phải cảnh giác. “Sau vụ lở núi ở Rào Trăng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cứ có mưa to kéo dài là nhiều người trong xóm rất lo, nhất là vào ban đêm không tài nào ngủ được. Mong chính quyền các cấp có giải pháp xử lý để chúng tôi yên tâm sinh sống”- ông Tiến chia sẻ.
Theo chân ông Cao Văn Đức (dân xóm Đại Huệ) phải mất nhiều giờ đồng hồ vạch cây leo dốc chúng tôi mới đến vị trí có đường nứt của núi. Vừa vạch cây cỏ đã bao trùm lên rãnh nứt, ông Đức vừa cho biết, rãnh nứt ngang sườn núi kéo dài khoảng 100m. Tại điểm cuối cùng, rãnh nứt vòng tròn trên một diện tích rất rộng. 40 năm nay chưa khi nào thấy nó.
Người dân ở đây cho rằng, nguyên nhân sạt lở núi có thể do tác động của việc khai thác đất ở sườn phía tây dãy núi này gây nên. Ông Cao Văn Cảnh, Xóm trưởng xóm Đại Huệ cho biết: “Dân chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền để có phương án xử lý nhưng đã 3 năm nay vẫn chưa được.
Từ trước tới nay, không có hiện tượng này, nhưng có thể từ khi có dự án chống sạt lở, họ đào lấy đất nhiều ở sườn phía tây nên ảnh hưởng đến sườn phía đông. Dưới chân núi xuất hiện rãnh nứt, có khoảng 70 hộ với hơn 400 nhân khẩu sinh sống. Ban cán sự xóm phải cử người theo dõi chặt chẽ mỗi khi trời mưa kéo dài, nếu nghe tiếng động lạ ở trên núi thì báo động cho bà con chạy nạn”.
Bên này chống sạt lở, bên kia lở núi
Được biết, vào ngày 26/12/2003, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định 1496 cho Công ty TNHH Phú Nguyên Hải thuê gần 150 ngàn m2 đất tại sườn phía tây dãy núi Đại Huệ để làm nhà ở cho công nhân, trạm điện, nơi để phương tiện, thiết bị và lắp đặt dây chuyền chế biến đá, với giá 9.000 đồng/m2.
Sau đó, tỉnh Nghệ An đã cấp quyền sử dụng diện tích đất trên cho doanh nghiệp, này. Thời hạn sử dụng 20 năm kể từ 12/1/2004 đến ngày 12/1/2024.
Đến ngày 25/1/2010, Công ty TNHH Phú Nguyên Hải có công văn việc xin thực hiện chống sạt lở vách núi ở khu vực này gửi UBND tỉnh Nghệ An. Chỉ 4 ngày sau (ngày 29/1/2010), UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 573/UBND.CN yêu cầu: “Việc cắt gọt chống sạt lở vách núi phải đảm bảo an toàn, bền vững, không gây sạt lở thêm, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan mà còn phải tôn tạo cảnh quan cho vách núi đẹp hơn”.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 36 ngày 26/5/2014 của Hạt Kiểm lâm huyện Hưng Nguyên, dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp nhưng từ năm 2004, doanh nghiệp đã tự ý đào, vận chuyển đất đi tiêu thụ làm thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp. Có 6,1 ha rừng bạch đàn đã bị xóa bỏ; diện tích thông liền kề cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2014, Công ty không thực hiện như trong hợp đồng thuê đất mà chỉ khai thác đất vì mục đích thương mại...
Ngày 5/7/2016, tại Báo cáo số 20 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An sau xác minh nội dung tố cáo của công dân cũng khẳng định, Công ty TNHH Phú Nguyên Hải thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng lán cho công nhân, đặt dây chuyền sản xuất đá nhưng thực chất là để tiến hành khai thác đất với mục đích thương mại.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau hơn 10 năm chống sạt lở khu vực này đã bị đào khoét nham nhở và không có bất kỳ công trình xây dựng trên đây. Đến nay, việc “chống sạt lở” ở đây đã dừng lại.
Ông Cao Minh Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cho biết, ông mới được bổ nhiệm chưa nắm rõ việc chống sạt lở vách núi do Công ty TNHH Phú Nguyên Hải thực hiện từ nhiều năm qua. Hiện, chưa có đánh giá nào của cơ quan chuyên môn nên chưa có cơ sở khẳng định việc khai thác đất của doanh nghiệp ở đây có liên quan đến vết nứt trên sườn núi phía đông hay không.
Năm 2020, sau khi có vết nứt trên núi, UBND tỉnh Nghệ An đã lập đoàn kiểm tra và đề xuất các phương án chống sạt lở núi, trong đó có việc kè bờ đá dưới chân núi. Sau đó, huyện Hưng Nguyên đã giao cho xã giám sát vết nứt để kịp thời cảnh báo và di dời dân khi có dấu hiệu bất thường. Do vậy, khi có mưa lũ, xã cử lực lượng canh chừng, nếu có bất thường thì báo cáo các cấp liên quan để kịp ứng phó./.