Dở khóc dở cười với tỉnh lộ

Thời gian vừa qua, PV Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc ở xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An về tình trạng “dở khóc dở cười” trên tuyến tỉnh lộ 534D đoạn qua địa bàn.

1-1654138902.jpg
Tỉnh lộ 534D đoạn từ Nghĩa Hành và Phú Sơn, cứ 1 đoạn bê tông nhựa lại ngắt quãng bằng đường đất

Theo đó, trên tuyến cứ được 1 đoạn là đường bê tông nhựa thì lại ngắt quãng là đường đất. Thực trạng này đã diễn ra từ chục năm nay nhưng chưa được giải quyết.

Ngay khi nhận được thông tin, PV đã vào cuộc xác minh và nhận thấy phản ánh của bạn đọc là hoàn toàn có cơ sở.

Có mặt trên tuyến đường này PV ghi nhận lưu lượng người và phương tiện rất lớn. Tuy nhiên, đoạn từ xã Nghĩa Hành vào đến xã Phú Sơn cứ đúng 1 đoạn khoảng 500m - 1km là đường bê tông nhựa thì ngắt quãng 1 đoạn đường đất.

Do phương tiện di chuyển nhiều nên những đoạn đường đất đầy rẫy ổ gà, ổ trâu. Mỗi khi có xe ô tô chạy qua là bụi cuộn lên mù mịt. Chưa hết, nhiều đoạn đường nhựa được làm từ lâu cũng đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Mặt bê tông chỗ thì vỡ nham nhở, nơi thì bị đùn lên từng mố, có nguy cơ trở thành những cái bẫy TNGT cho người và phương tiện tham gia giao thông.

2-1654138929.jpg
Học sinh "vật lộn" trên tỉnh lộ 534D để tới trường

Trong khi đó, đoạn từ xã Phú Sơn vào đến xã Tiên Kỳ thì hoàn toàn đường đất và cũng chung tình cảnh lầy lội, ô nhiễm và mất ATGT.

Chị Nguyễn Thị Trà (ở xã Phú Sơn) bức xúc: Thực trạng này đã diễn ra từ chục năm nay. Trời nắng thì bụi mù mịt, ở giữa rừng núi mà muốn ăn cơm phải đóng cửa. Còn trời mưa thì lầy lội, xe máy và xe ô tô gầm thấp thì không thể đi nổi.

Do tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ cũng đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế của địa phương. “Người dân nơi đây chủ yếu là trồng mía và keo. Thế nhưng, tuyến đường vận chuyển huyết mạch không được đầu tư khiến việc vận chuyển gặp rất nhiều bất lợi. Thậm chí có khi người dân còn phải chịu thua thiệt vì thương lái ép giá”, một người dân ở xã Phú Sơn nói.

Đã có trong kế hoạch sửa chữa

Theo tìm hiểu của PV, tuyến tỉnh lộ 534D trước đây là đường huyện. Đến cuối năm 2020 thì được quyết định nâng lên thành đường tỉnh. Riêng đoạn từ xã Nghĩa Hành vào xã Phú Sơn dài khoảng 18km đã được UBND huyện Tân Kỳ đầu tư xây dựng.

Tên dự án là đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ được khởi công xây dựng năm 2009 với dự toán kinh phí 117 tỷ đồng. Công trình do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 36 tháng. Tuy nhiên, mãi đến năm thứ 11 cầu Phú Sơn mới hoàn thành, còn đường thì đến nay dở dang.

Ông Đinh Xuân Công - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ cho biết: Tỉnh lộ 534D đi qua địa bàn xã khoảng 15km, trong đó đoạn từ Nghĩa Hành vào trung tâm xã ngắt quãng, 1 đoạn là bê tông nhựa, 1 đoạn đường đất. Còn từ trung tâm xã vào đến xã Tiền Kỳ thì 100% là đường đất đá.

“Nhiều năm nay, mỗi lần huyện về tiếp xúc cử tri người dân đều có ý kiến về thực trạng này. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều tờ trình kiến nghị nhưng đến nay tuyến đường vẫn chưa được hoàn thiện. Nhân dân rất mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, sớm đầu tư hoàn thiện tuyến đường”, ông Công nói.

3-1654139009.jpg
Ngoài mất ATGT, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân hai bên tuyến đường

Một lãnh đạo Ban QLDA huyện Tân Kỳ cho biết: Tổng chiều dài tuyến đường 534D đoạn từ Nghĩa Hành vào đến Tiên Kỳ dài khoảng 27km. Trong đó đoạn từ Tiên Kỳ ra đến Phú Sơn đang là đường đất đã được bàn giao cho Sở GTVT nguyên hiện trạng.

Còn đoạn từ Phú Sơn ra đến xã Nghĩa Hành do dự án đầu tư xây dựng của huyện đang dở dang nên chưa bàn giao. Hiện vẫn còn khoảng 2km chưa được thảm nhựa. Huyện cũng đã lên kế hoạch huy động các nguồn lực để hoàn thiện đoạn này để bàn giao cho Sở GTVT.

Trong khi đó, ông Hồ Bá Thái - Giám đốc Ban Quản lý vốn sự nghiệp kinh tế giao thông (Sở GTVT Nghệ An) cho biết: Đối với các tuyến đường tỉnh, vừa rồi HĐND tỉnh cũng đã có nghị quyết và Sở cũng đã rà soát để đầu tư dần, trong đó có tỉnh lộ 534D. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư, sửa chữa cho tất cả các tuyến đường là rất lớn nên phải đầu tư dần, mỗi năm một ít./.