Sau hơn 10 năm về nơi ở mới, người dân vẫn chưa được chi trả đầy đủ chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định. Rất nhiều  đơn thư, kiến nghị, giải trình, chỉ đạo… được gửi đi, gửi lại nhưng vướng mắc vẫn hoàn vướng mắc, khiến cho cuộc sống hàng trăm hộ dân nơi đây được ví như có “sóng ngầm” nơi bản mới. Nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Từ trung tâm huyện biên giới Quế Phong chúng tôi men theo con đường rừng chừng 30km, tìm đến bản tái định cư Huổi Muồng, xã Tiền Phong. Ở nơi góc rừng vùng biên viễn này, những người dân Huổi Muồng được thừa hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm từ dự án tái định cư thuỷ điện khá đồng bộ. Thế nhưng, cũng từ ngày về bản mới này, đói nghèo cứ bám mãi bà con, nhiều hộ còn tái nghèo vì không có ruộng sản xuất, không có công ăn việc làm.

Anh Lô Minh Thuận ở bản Huổi Muồng bức xúc: “Bản cũ là có ruộng, ra đây Nhà nước chưa giải quyết đền bù cho dân. Đất ruộng từ nhà đi khoảng 8 km, xa tít trong khe nên dân không nhận được. Làm ruộng nước phải chăm sóc hàng ngày, ruộng xa quá dân không làm được, cuộc sống vất vả”.

chuyen-o-thuy-dien-hua-na-1639183733.jpg
Dự án Thuỷ điện Hủa Na. (Ảnh: KT)

Theo ông Lô Văn Thứ, Bí thư bản Huổi Muồng, thiếu đất sản xuất, khiến hàng nghìn người dân Huổi Muồng chỉ còn biết trông chờ vào tài nguyên "được chăng hay chớ". Một số hộ có tiền đền bù nhưng không có việc làm kéo theo những tệ nạn xã hội.

“So với nơi ở cũ thì riêng đất sản xuất thiếu nhiều, người dân không có nguồn thu nhập. Ở đây chỉ có mùa hái lượm đi hái măng 3 tháng còn không có gì, chăn nuôi thì dịch bệnh, toàn hái lượm trong rừng. Toàn người già, trẻ em, con thì nghiện ngập, xuất phát từ nguồn đó, ma tuý sinh ra từ đó. Có Dự án Thuỷ điện Hủa Na, tiền đền bù, sinh ra nghiện ngập tiêu pha, rượu chè, cờ bạc…” - ông Lô Văn Thứ nói.

Dự án Thủy điện Hủa Na khởi công xây dựng năm 2008, đến hết năm 2012, công tác bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất cho các hộ dân cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đây là dự án được áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ, bồi thường đặc thù theo Quyết định số 2327 năm 2009 của UBND tỉnh Nghệ An. Sau khi các hộ dân đã ổn định đời sống, sản xuất tại các khu tái định cư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch quyền sử dụng đất nơi đi và nơi đến. Nếu theo cách tính của huyện Quế Phong thì tiền bồi thường chênh lệch đất nơi đi – nơi đến, dự án Thuỷ điện Hủa Na còn “nợ” người dân tái định cư hơn 81 tỷ đồng.

Ông Vi Văn Thắng - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong, người theo sát dự án này từ đầu, lý giải: “Các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể nên họ (Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Hủa Na-PV) chưa triển khai thực hiện theo phương án ban đầu. Mặc dù vừa rồi quá trình vướng mắc tỉnh cũng đã làm việc nhiều cuộc, sau đó ban hành văn bản gửi Bộ Tài nguyên xin ý kiến. Bộ Tài nguyên có 2 văn bản hướng dẫn đề nghị căn cứ nguyên tắc bồi thường theo quy định luật đất đai, tại khoản 2 điều 74, nhưng họ vẫn chưa thống nhất triển khai, việc này càng làm cho người dân thêm bức xúc”.

Lý giải về việc không đồng tình cách tính của huyện Quế Phong, ông Bùi Huy Thành – Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hủa Na cho rằng, trong số 879 hộ dân muốn hưởng chênh lệch giá trị đất nơi đi – nơi đến thì có khoảng 2/3 số hộ không có đất nơi đi. Nhưng vì đây là dự án áp dụng cơ chế đặc thù nên người dân không có đất nơi đi vẫn được bồi thường đất nơi đến, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi. Nhưng thực tế người dân không có đất thu hồi nơi đi thì áp theo cách tính giá trị từng loại đất (lên đến 81 tỷ đồng) là không phù hợp.

“Luật Đất đai năm 2003 và 2013 đều không có quy định về xử lý chênh lệch, bồi thường chênh lệch giá trị đất nơi đi - nơi đến và nguyên tắc của luật thu hồi đất nào bồi thường đất ấy, không có đất bồi thường bằng tiền. Nếu thực hiện nguyên tắc này thì Hủa Na có hơn 400 hộ dân bồi thường 1 lần, còn lại hơn 879 hộ thu hồi đất và giao đất nơi đến theo chính sách đặc thù chính sách tái định cư thì bây giờ tính thế nào, đất nông nghiệp đối trừ từng loại hay đối trừ chung” - ông Bùi Huy Thành nói.

Ông Thành cũng khẳng định, vướng mắc đã rõ. Doanh nghiệp không phản đối, vì đây là nguồn vốn nhà nước thì càng phải kiểm soát chặt chẽ. Nhưng hiện nay các văn bản chưa có sự thống nhẩt và rõ ràng. Công văn của Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ nêu nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất theo Luật đất đai 2013, không hướng dẫn cụ thể nội dung xử lý chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến theo cơ chế và chính sách đặc thù đang áp dụng tại Dự án thủy điện Hủa Na.

Bởi vậy mà nhiều năm rồi, hơn 1.300 hộ dân nhường đất xây dựng Thuỷ điện Hủa Na vẫn mong chờ một cuộc họp có đầy đủ các cơ quan chức năng để giải quyết rốt ráo những vướng mắc vẫn đeo đẳng họ dù đã về bản mới./.