Mỗi chuồng bò được xây trên 200 triệu đồng, nhưng người dân lại phải sống trong nhà tồi tàn vách nứa là câu chuyện của đề án hỗ trợ người dân tộc Ơ Đu (H.Tương Dương, Nghệ An) khiến cư dân mạng dậy sóng.
Bò “sướng” hơn người
Những ngày qua, cư dân mạng “dậy sóng” trước thông tin về Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu ở xã Nga Mi (H.Tương Dương, Nghệ An) khi mỗi chuồng bò được xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, 67 chuồng bò được đề án này thực hiện tại bản Văng Môn (xã Nga Mi) với tổng kinh phí do nhà nước đầu tư là hơn 12,6 tỉ đồng. 67 chuồng bò được phân thành 3 loại, trong đó loại chuồng lớn nhất (10 chuồng) có mức đầu tư 2,36 tỉ đồng, tương đương mỗi chuồng 236 triệu đồng. Mức giá này được cư dân mạng đánh giá “quá khủng” đối với bà con người đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa ở miền tây Nghệ An.
Bên cạnh những chuồng bò “khủng” này là hình ảnh một số nhà dân được dựng tạm bợ bằng tre nứa của người đồng bào dân tộc Ơ Đu khiến cư dân mạng “dậy sóng” khi cho rằng bò được quan tâm hơn người. Một số người nghi ngờ rằng chuồng bò được xây với giá 236 triệu đồng liệu có quá lãng phí và có bị “rút ruột” hay không?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017 và được triển khai phân bổ kinh phí vào năm 2019, do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Kinh phí để thực hiện đề án là hơn 27,7 tỉ đồng, trong đó riêng hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc là 67 chuồng với mức đầu tư hơn 12,6 tỉ đồng (bình quân gần 190 triệu đồng/chuồng). Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ con giống gia súc 5,1 tỉ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất hơn 5,3 tỉ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm hơn 1,5 tỉ đồng.
Thực hư thế nào?
Ông Vi Văn Đậu, Bí thư Đảng ủy xã Nga Mi, cho biết 103 hộ dân người Ơ Đu chuyển về xã Nga Mi tái định cư từ năm 2006 do bị di dời để xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Về nơi ở mới này, người dân được xây nhà sàn để ở, tuy nhiên cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn. Sau khi khảo sát và lấy ý kiến người dân, đề án hỗ trợ cho người dân Ơ Đu bằng việc xây 67 chuồng bò cho 77 gia đình có nhu cầu chăn nuôi và có lao động để chăn bò, số còn lại được hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất để sản xuất. Sau khi xây chuồng, mỗi gia đình được hỗ trợ từ 2 - 4 con bò để nuôi.
Ông Đậu cũng cho rằng đầu tư xây chuồng bò cho người dân và hỗ trợ bò giống cho họ là cách làm phù hợp với nhu cầu của người dân ở đây trong điều kiện đất rừng để sản xuất rất ít.
Về mức giá để xây chuồng bò, ông Đậu không bình luận mà cho rằng việc xây chuồng bò kiên cố để người dân sử dụng lâu dài là rất phù hợp, còn nhà ở cho người dân bị hư hỏng sẽ được tiếp tục đề nghị thực hiện.
“Vật liệu xây dựng phải mua, vận chuyển cách xa 40 - 50 km nên giá thành ở đây rất cao. Chuồng bò giá 236 triệu đồng là loại chuồng dùng cho 2 gia đình nuôi chung, diện tích cũng rất rộng”, ông Đậu nói.
Ông Đậu cũng cho biết trong số 103 hộ dân người Ơ Đu nhận nhà tái định cư từ năm 2006, hiện có 3 nhà bị xuống cấp, không ở được. Sau đề án xây chuồng bò, xã và huyện tiếp tục đề xuất sửa lại nhà cho những hộ chưa được nhận bò để đảm bảo công bằng. Ngoài ra, người dân ở đây cũng đang cần một số giếng khoan để lấy nước sinh hoạt và đập thủy lợi để lấy nguồn nước tưới cho ruộng lúa.
Liên quan đến đề án này, Công an Nghệ An đã bắt tạm giam ông Kim Văn Bốn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) và triệu tập ông Nguyễn Tâm Long (46 tuổi, Phó phòng Chính sách) để điều tra hành vi tham ô tài sản. Ông Bốn và ông Long được giao tham gia thực hiện dự án và đã lập khống hồ sơ để tham ô hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, công an cũng đã triệu tập giám đốc một doanh nghiệp cung cấp bò cho đề án, để làm rõ về việc cung cấp bò.