Đây là mục tiêu UBND tỉnh đưa ra tại Kế hoạch số 683/KH-UBND ngày 6/10 về thực hiện công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Phấn đấu đạt 100% cơ sở GDPT có hệ thống ĐBCL giáo dục bên trong đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và có hiệu quả cao về nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục và Đào tạo, phụ huynh, học sinh và nhân dân về tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) giáo dục phổ thông đối với sự phát triển của ngành GD&ĐT Nghệ An. Chỉ đạo xây dựng hệ thống ĐBCL giáo dục đến từng cơ sở giáo dục; có kế hoạch chiến lược ĐBCL giáo dục phổ thông đáp ứng sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và các mục tiêu chiến lược của ngành GD&ĐT Nghệ An. 

Phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục phổ thông có hệ thống ĐBCL giáo dục bên trong đạt tiêu chuẩn quốc gia. 75 - 78% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 20% mức độ 2; Dự kiến xây dựng 04 trường tiểu học, 05 trường trung học tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, 50 lớp học phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Phấn đấu đạt tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp đối với tiểu học; cơ cấu giáo viên hợp lý ở các cấp học. 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 10% giáo viên tiểu học, 25% giáo viên trung học đạt trên chuẩn; 30% giáo viên ngoại ngữ, tin học đạt chứng chỉ quốc tế. 

Có đủ phòng học, phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, đồ dùng tối thiểu các cấp học, trong đó 80% phòng học được xây dựng kiên cố; 05% số trường tiểu học và 15% số trường trung học được trang bị phòng học thông minh; 20% số trường trung học được trang bị thiết bị và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). 100% học sinh phổ thông được học chương trình tăng cường tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu; ít nhất 20% học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đạt được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế theo chuẩn đầu ra cấp học; 30% học sinh lớp 9, lớp 12 đạt chứng chỉ tin học quốc tế. 

Thực hiện tốt việc công khai kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường chuẩn, trường trọng điểm chất lượng cao, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, các điều kiện ĐBCL giáo dục phổ thông đã đạt được để tạo điều kiện cho xã hội biết, tham gia giám sát, đồng thời quảng bá, xây dựng hình ảnh và thương hiệu của giáo dục Nghệ An.

Đảm bảo đủ số lượng giáo viên ở các cấp học, có cơ cấu hợp lý

Đến năm 2030, 20% số trường phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; 500 lớp học phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; dự kiến xây dựng 05 trường phổ thông quốc tế; 05% số trường phổ thông công lập tự chủ chi thường xuyên ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi. Đảm bảo đủ số lượng giáo viên ở các cấp học, có cơ cấu hợp lý; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 20% giáo viên tiểu học và 40% giáo viên trung học đạt trên chuẩn; 40% giáo viên ngoại ngữ, tin học đạt chứng chỉ quốc tế theo yêu cầu của cấp học. 

Có 90% số phòng học, phòng học bộ môn được xây dựng kiên cố; 20% số trường học tiểu học và 30% số trường trung học được trang bị phòng học thông minh; 100% số trường phổ thông triển khai giáo dục STEM ở các cấp độ, trong đó 40% số trường trung học được trang bị thiết bị và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh giáo dục STEM; 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% học sinh phổ thông được học chương trình tăng cường tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu; 50% học sinh lớp 5, 9 và 12 đạt được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế theo chuẩn đầu ra của cấp học; 50% học sinh lớp 9, lớp 12 đạt chứng chỉ tin học quốc tế.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển nhanh, bền vững các cơ sở giáo dục và đào tạo

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, trong đó, đảm bảo các yếu tố triển khai, xác định chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục, đảm bảo các yếu tố đầu vào, đảm bảo chất lượng quá trình dạy học và giáo dục, đảm bảo yếu tố đầu ra, thiết lập hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, triển khai quy trình và nội dung thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét thực tế triển khai để đề xuất cơ chế, chính sách trong việc triển khai thực hiện công tác ĐBCL trong các nhà trường, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công giáo dục ở thành phố, đô thị lớn, những nơi có dân số cơ học tăng nhanh, trong đó lấy mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế làm then chốt. 

Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác ĐBCL trong các nhà trường; Hàng năm công bố công khai chuẩn đầu ra và kết quả đạt được của các cơ sở giáo dục trực thuộc, phòng GD&ĐT; trung tâm GDNN - GDTX, trung tâm GDTX (có tổ chức dạy học chương trình giáo dục phổ thông) cho chính quyền và nhân dân được biết; chỉ đạo xây dựng các chương trình giáo dục tăng cường thống nhất trên toàn tỉnh, đặc biệt là mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, cơ chế, chính sách để thu hút các giáo viên giỏi, các chuyên gia, nhà khoa học để giảng dạy một số nội dung thuộc chương trình tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. 

Xây dựng dữ liệu ngân hàng đề thi khảo sát chất lượng các cấp với bốn khung thời gian: Giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II, cuối học kì II, phục vụ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh; Phối hợp với các trường Đại học xây dựng dữ liệu các bài thi đánh giá năng lực cho khối 5, khối 9, khối 12 để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tiếp cận quốc tế, là cơ sở tuyển sinh các khối đầu cấp, các trường đại học…/.