Thời điểm “giao thời” Covid-19

Ở thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu (hay còn gọi là “bệnh lưu hành”). Covid-19 vẫn đang là bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm). Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có những động thái mới để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh Covid-19.

bna-dieu-tri-cho-benh-nhan-covid19-o-nghe-an-anh-thanh-cuong4622210-1632022-1647423656.jpg
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Trong tình hình chung, trong 7 ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới ở tỉnh Nghệ An luôn ở mức cao, trên 10.000 ca mỗi ngày, xếp thứ 2 toàn quốc. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Nghệ An, con số thống kê này chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Hiện có nhiều người mắc Covid-19 song không khai báo. Việc cập nhật ca nhiễm mới tại các địa phương thực hiện chậm… Ngày 9/3 vừa qua, Sở Y tế đã đăng ký bổ sung 45.896 ca nhiễm mới; nâng tổng số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên địa bàn lên 264.345 ca.

Cũng theo Sở Y tế Nghệ An: Trong 7 ngày qua, vẫn có những bệnh nhân Covid-19 tử vong. Tất cả bệnh nhân đều là người lớn tuổi, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc- xin Covid-19 và mắc bệnh nền. Hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc ở tình trạng nhẹ, được điều trị tại nhà. Số bệnh nhân phải vào điều trị tại 2 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức tích cực số 1 Nghệ An (những nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch) giảm. Hiện nay, tại Bệnh viện dã chiến số 8 chỉ còn điều trị khoảng 300 bệnh nhân; Trung tâm hồi sức điều trị khoảng 150 bệnh nhân… giảm hơn 1/2 so với tháng trước.

Theo PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Tình hình dịch cộng thêm việc bao phủ vắc xin đã cho thấy xu hướng tiến tới sống chung cùng dịch Covid-19, miễn dịch cộng đồng sẽ là tất yếu. Yêu cầu của toàn xã hội hiện nay là cần sớm bình thường hóa với dịch bệnh Covid-19… Thời điểm này được xem như thời điểm “giao thời” giữa việc xem Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh lưu hành.

Trong thời điểm “giao thời” này, nhiều quy định phòng, chống dịch (đặc biệt trong công tác điều trị) đã không còn phù hợp so với tình hình dịch hiện nay, đòi hỏi có sự thay đổi. Đơn cử như mô hình bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân ở mức độ nhẹ bị quá tải do ca nhiễm tăng nhanh; kinh phí chi trả cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 do ngân sách nhà nước đảm bảo song ngân sách hầu hết các địa phương rất khó khăn… Với diễn biến và xu thế của dịch bệnh, việc bình thường hóa trong công tác điều trị Covid-19 cần sớm đặt ra.

Thông tin từ Bộ Y tế: Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 6.552.918 ca mắc Covid-19, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 66.309 ca nhiễm). Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam vẫn đang tăng nhanh. Trong 7 ngày qua, trung bình số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày 166.671 ca/ngày. Tuy nhiên, số ca tử vong mỗi ngày giảm hơn so với thời điểm trước, từ trên 100 ca/ngày xuống 81 ca/ngày… Tính đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.477 ca, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.

Về tình hình tiêm chủng Covid-19, cả nước đã tiêm 200.516.229 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, đã có 47/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 trên 95%; Còn lại 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%; 57 tỉnh, thành phố đã bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên 90%.

Chủ động đi trước để chống dịch

Trước yêu cầu thực tế, ngày 09/3, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 1509/UBND-VX về việc thành lập khu thu dung và triển khai tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh lý kèm nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất với đề nghị của Sở Y tế về việc cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên (bao gồm cả các bệnh viện chuyên khoa) được tổ chức tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý (có kèm theo nhiễm Covid-19), đủ tiêu chuẩn điều trị nội trú tại đơn vị.

UBND tỉnh giao thành lập Khu thu dung, điều trị Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập như sau: Sở Y tế ban hành quyết định thành lập và điều động nhân lực tại khu thu dung, điều trị Covid-19 của cơ sở khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, phù hợp tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 và thực tế tại địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập, điều động nhân lực khu thu dung, điều trị Covid-19 của cơ sở khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện (bao gồm cả Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc và Tây Nam) phù hợp tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 và thực tế tại địa bàn, báo cáo Sở Y tế trước khi thực hiện…

bna-image-5068970-1632022-1647423710.jpg
Việc thiết lập cơ sở điều trị Covid-19 từ tuyến huyện trở lên mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Ảnh: Thành Cường

Ngay sau khi có Văn bản số 1509/UBND-VX của UBND tỉnh, Sở Y tế Nghệ An đã xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời triển khai Khu điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý (có kèm theo Covid-19) trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Việc UBND tỉnh yêu cầu thành lập khu thu dung và triển khai tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh lý kèm nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã thể hiện rõ sự chủ động của Nghệ An nói chung, ngành Y tế nói riêng trong việc thích ứng phòng chống dịch trong điều kiện, xu thế mới. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: Việc thành lập các khu điều trị mới nhằm mở rộng các cơ sở điều trị để đối phó với các tình huống dịch có thể xấu đi (biến chủng mới, ca nhiễm tăng và nặng); giảm tải cho các bệnh viện dã chiến, tiến tới thu gọn và đóng cửa các bệnh viện dã chiến khi tình huống dịch bệnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu; đồng thời tạo sự chủ động về tài chính trong bối cảnh ngân sách của địa phương khó khăn với việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế vào khám, điều trị Covid-19 và các bệnh lý kèm theo.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh cho rằng: Các khu điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến huyện trở lên được ra đời sẽ đảm bảo tốt quyền lợi cho bệnh nhân. Cụ thể, sẽ thay đổi cục diện “Bệnh viện rón rén lo phòng dịch, bệnh nhân thì không dám đi khám vì sợ Covid-19”. Các bệnh nhân mắc các bệnh nền, các bệnh nhân cần phải điều trị theo chu kỳ (chạy thận nhân tạo, đái tháo đường, ung thư, tâm thần, các bệnh về máu... ) và các bệnh lý cấp tính khác khi bị kèm theo nhiễm Covid-19 được đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh; được chăm sóc, điều trị với chất lượng tốt hơn… Về các cơ sở khám, chữa bệnh được giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng sẽ được giảm tải.

Ngày 14/3 vừa qua, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức họp cùng Sở Tài chính và BHXH tỉnh để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo hướng dẫn tạm thời triển khai Khu điều trị, cụ thể là liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, phải nói rằng, việc thành lập khu điều trị nói trên là chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ban, ngành. Các sở, ngành tham gia lấy ý kiến chưa thể thống nhất được phương án kinh phí thực hiện, đâu là ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh Covid-19 và đâu là Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán…

Các sở, ngành đều thống nhất cao: Việc thiết lập khu điều trị là cần thiết, tốt cho người dân. Kinh phí thực hiện đều từ ngân sách. Song các quy định hiện hành không theo kịp với diễn biến của dịch. Sở Y tế, Sở Tài Chính và Bảo hiểm xã hội sẽ có văn bản gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và UBND tỉnh để xin ý kiến hướng dẫn cụ thể triển khai.