1-1647416628.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Nghi Hải (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) quay clip hướng dẫn phụ huynh phối hợp giáo dục trẻ tại nhà.

Quay clip hướng dẫn trẻ hoạt động tại nhà

Trường Mầm non Thu Thủy (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đang tạm cho trẻ dừng tới lớp, nhưng cán bộ giáo viên vẫn duy trì hoạt động chuyên môn bình thường. Hàng tuần, các cô đến trường cùng phối hợp quay clip nội dung chủ đề chăm sóc, giáo dục trẻ theo tiến độ chương trình năm học.

Cô Nguyễn Thị Hiền còn trẻ, vào ngành chưa lâu nhưng đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, được giao phụ trách lớp 5 tuổi. Tuần này, lớp của cô đã hoàn thành chủ đề thực vật – mùa xuân và chuyển sang chủ đề động vật với cụm chữ cái C, I, T.

Cô lần lượt giới thiệu các chữ cái, đồng thời dùng các vật dụng như vỏ sò, nắp chai nhựa... xếp thành hình chữ cái, để các bé vừa học vừa chơi. Giáo viên 2 của lớp có nhiệm vụ quay clip lại bài giảng bằng điện thoại. Sau đó, các cô gửi clip hướng dẫn này vào nhóm Zalo của lớp để phụ huynh xem và phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn lại cho con em mình.

Nguyễn Thị Hiền chia sẻ, năm học 2021-2022, dịch bệnh đã gây khó khăn cho nhà trường nói chung và hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ của cô nói riêng. Từ sau tết nguyên đán đến nay, trẻ vẫn chưa được quay trở lại trường. Trong khi đó, chương trình giáo dục cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 có nhiều nội dung quan trọng cần triển khai. Dưới sự chỉ đạo, phổ biến chuyên môn của Ban giám hiệu nhà trường, cô cùng đồng nghiệp chuyển các nội dung giáo dục trẻ sang gián tiếp. 

2-1647416652.jpg
Cô Nguyễn Thị Hiền (áo trắng) cùng đồng nghiệp quay clip giới thiệu cụm chữ cãi C, I, T cho trẻ tại Trường Mầm non Thu Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Ngoài ghi hình các bài học, cô còn quay các video hướng dẫn phụ huynh rèn kỹ năng cho trẻ như: tô màu, tô nét chữ, kể chuyện qua tranh ảnh, cách chào hỏi, giao tiếp cơ bản... Sử dụng vật dụng sẵn có tại địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Đồng thời còn có những clip hướng dẫn trẻ vệ sinh phòng dịch, tập thể dục rèn luyện sức khỏe...

“Hằng ngày, tôi đều quay clip hướng dẫn trẻ các hoạt động, trong đó chú trọng con số chữ cái để chuẩn bị vào lớp 1. Bên cạnh đó, thông qua kênh Zalo thường xuyên thăm hỏi sức khỏe học sinh. Nắm bắt tình hình mỗi trẻ trong lớp và báo cáo cho nhà trường để kịp thời được hỗ trợ nếu gặp khó khăn”, cô giáo trẻ cho hay.

Theo cô Hoàng Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thu Thủy, nhà trường đã xây dựng chương trình, kế hoạch, mục tiêu cho từng nhóm lớp ngay từ đầu năm học, theo chỉ đạo chuyên môn của Phòng GD&ĐT. Trong đó, nội dung giáo dục trẻ 5 tuổi đặc biệt quan trọng. Bởi đây là năm cuối cùng của bậc mầm non, trẻ cũng có sự thay đổi về tâm sinh lý cũng như kỹ năng.

Trong thời gian việc đến trường đang bị gián đoạn, chúng tôi chỉ đạo giáo viên lựa chọn nội dung cốt lõi, cơ bản để hướng dẫn phụ huynh tham gia giáo dục trẻ tại nhà. Qua khảo sát, có 90% phụ huynh trẻ 5 tuổi tương tác được với giáo viên qua các kênh trực tuyến. Số còn lại là những trường hợp bố mẹ đi ăn ăn xa, để con cho ông bà nuôi dưỡng. Với nhóm trẻ gặp khó khăn này, giáo viên sẽ thường xuyên trao đổi qua điện thoại với ông bà của trẻ, và có thể đến tận nhà để hỗ trợ, trực tiếp hướng dẫn.

Tăng cường vai trò của phụ huynh

Trường Mầm non Nghi Hải chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh so với các đơn vị cùng bậc học trên địa bàn thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Bởi là địa phương đầu tiên ghi nhận các ca F0 trong trường học, gồm cả học sinh lẫn giáo viên. Đến nay, trường mới chỉ có 3 tháng thực học trên tổng số 9 tháng của năm học 2021-2022. Cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Hải chia sẻ, đến nay, bậc mầm non của thị xã vẫn chưa được hoạt động trở lại. Điều này rất thiệt thòi cho trẻ, đặc biệt là nhóm lớp 5 tuổi - giai đoạn chuyển giao từ mầm non sang tiểu học.

3-1647416682.jpg
Trường Mầm non Nghi Hải, (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) tổ chức tập huấn cho giáo viên nội dung hướng dẫn tổ chức hoạt động cho trẻ 5 tuổi giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.

Trẻ sẽ từ môi trường có hoạt động vui chơi là chủ đạo sang giáo dục phổ thông, với hoạt động dạy – học chiếm phần lớn. Trẻ cũng sẽ phải thích ứng với quy tắc, quy định, cách thức, phương pháp học tập mới. Vì thế, trường mầm non cần có sự chuẩn bị tốt cho trẻ 5 tuổi để các em không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1 trong năm học tới.

Dù đang tạm nghỉ, nhưng Trường Mầm non Nghi Hải không dừng chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. Cụ thể, giáo viên sẽ lựa chọn những nội dung cốt lõi, quan trọng để truyền đạt đến phụ huynh, trẻ qua nhiều kênh. Các video của giáo viên quay, trước khi gửi cho phụ huynh sẽ được ban giám hiệu nhà trường kiểm tra đánh giá nội dung. Sau khi được thống nhất, clip sẽ được chuyển cho phụ huynh để giáo dục trẻ tại nhà.

“Năm học này, nhà trường có 170 trẻ 5 tuổi. Mặc dù số trẻ đông, nhưng qua nắm bắt, sự tương tác, tham gia, phản hồi của phụ huynh đạt gần tuyệt đối. Đây cũng là điểm thuận lợi của nhà trường, khi phụ huynh rất quan tâm và tham gia tích cực, phối hợp cùng giáo viên trong chăm sóc giáo dục trẻ. Nhóm Zalo, Facebook của các lớp đều nhận được clip phản hồi của phụ huynh, ghi lại quá trình thực hiện các hoạt động theo hướng dẫn của giáo viên”, cô Nguyễn Thị Hiền cho biết.

4-1647416710.jpg
Giáo viên quay clip với nội dung theo chủ đề trong chương trình năm học, không để trẻ bị gián đoạn các hoạt động giáo dục.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Hải, từ sự phản hồi của phụ huynh, giáo viên có thể đánh giá mức độ tiếp nhận, cũng như thể lực, kiến thức, kỹ năng của trẻ. Từ đó có biện pháp và cách thức quản lý, giảng dạy, hướng dẫn phù hợp cho trẻ và phụ huynh.

Đến nay, thị xã Cửa Lò là một trong số ít địa phương của Nghệ An chưa cho trẻ mầm non trở lại trường để phòng dịch. Dù vậy, ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cho bậc học. Trong đó, ban hành riêng văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ 5 tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.

Ông Phùng Đức Nhân - Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò, Nghệ An cho biết: “Phòng cũng tập trung đội ngũ chuyên môn cốt cán, xây dựng tài liệu bài giảng hướng dẫn tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ 5 tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp mầm non lên tiểu học. Đồng thời tổ chức tập huấn rộng rãi đến các đơn vị, trường học. Vì vậy, các hoạt động, chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung và chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 nói riêng đang được các nhà trường thực hiện đầy đủ theo kế hoạch”./.