Cải cách mạnh mẽ, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Có thể thấy rằng, hiện nay dư địa để phát triển của Nghệ An còn nhiều, nhất là tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc thu hút nguồn vốn FDI còn thấp; môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh chậm cải thiện, hiệu quả cải cách hành chính chưa rõ nét. Thế nhưng, thời gian gần đây, Nghệ An đã có tên trên bản đồ địa phương thu hút vốn FDI top 10 của cả nước.

Các dự án đầu tư, FDI đầu tư vào Nghệ An đều được quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư. Tại huyện Diễn Châu, dù nằm ngoài Khu kinh tế Đông Nam nhưng địa phương này cũng đã thu hút được 3 doanh nghiệp FDI vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Song song với việc thu hút đầu tư của tỉnh, huyện cũng tăng cường liên kết, thu hút, mời gọi đầu tư. Đại phương dự tính, khi KKT Đông Nam được lấp đầy thì sẽ dịch chuyển ra các huyện vùng ven. Vì vậy, điều quan trọng nhất là lập quy hoạch và bám sát quy hoạch đã được duyệt, để khi có nhà đầu tư vào sẽ sẵn sàng thực hiện ngay”. 

a-1665012510.jpg
KCN VSIP Nghệ An đang trở thành địa chỉ thu hút nhà đầu tư "lót ổ” trong thời gian qua 

Tỉnh Nghệ An xác định, việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là KKT Đông Nam và các Khu công nghiệp (KCN). Trong đó, ưu tiên 3 KCN gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1-Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt). Cả 3 KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại này sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Trên địa bàn, một số dự án có quy mô lớn được cấp mới như: Nhà máy Cấu kiện điện tử Everwin tại KCN VSIP Nghệ An (200 triệu USD); dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện - Goertek 2 (35 triệu USD); KCN Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng); điều chỉnh mở rộng giai đoạn II KCN WHA thêm 354,5 ha…

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để thu hút dòng vốn FDI. Tuy nhiên, không chỉ riêng Nghệ An mà hiện nay nhiều tỉnh cũng đang tập trung đẩy mạnh thu hút FDI dựa trên những lợi thế so sánh. Vì thế, để không bị tuột mất cơ hội thu hút đầu tư, cần phải có những giải pháp trọng tâm và quyết liệt hơn để kịp thời đón dòng vốn đó. Cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa; phải tăng cường hỗ trợ các dự án đã, đang và sẽ hoạt động tại Nghệ An, bởi đó là kênh truyền thông hữu hiệu nhất đối với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.

Sẵn sàng đón nguồn vốn FDI

Được biết, Nghệ An đã sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư; hoàn thành đầu tư hạ tầng các KCN hiện hữu; sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện để phát triển thêm các KCN mới. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất KCN, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong KKT Đông Nam và các KCN để đón nhận nhà đầu tư.

Hiện, Nghệ An đang huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh; phối hợp với Bộ GTVT để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Ngoài ra, địa phương này cũng tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội. Với nguồn nhân lực hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, hằng năm, Nghệ An có khoảng 45.000 lao động, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương đang tích cực đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "Một cửa tại chỗ", "Một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào KKT, các KCN được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi; xây dựng tinh thần chính quyền phục vụ, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

b-1665012550.jpg
Cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể hoá thể chế để “lót ổ” cho nhà đầu tư đang tạo đà cho Nghệ An “hút” vốn doanh nghiệp FDI trong thời gian gần đây

Thời gian gần đây, tỉnh Nghệ An đã chủ động kết nối, gặp gỡ, vận động các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KKT, KCN, CCN bên cạnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư. Ngoài các đối tác mới, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư nguồn vốn FDI từ các khu vực truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

Nghệ An cũng xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh cũng đang xây dựng phần mềm quản lý dự án đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 9/2022; xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nghệ An cũng đang thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI...

Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022, gồm: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Long An, Nghệ An và Đồng Nai./.