a-1665044448.jpg
Cấp phát thuốc Methadone dài ngày cho bệnh nhân tại Cơ sở điều tri của Trung tâm Y tế Quế Phong

Tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân

4 ngày 1 lần, ông L.V.T (50 tuổi, ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An) đến Cơ sở điều trị Methadone của Trung tâm Y tế huyện Quế Phong để uống và nhận thuốc đem về nhà sử dụng. 

Ông L.V.T là một trong 15 người đầu tiên ở huyện Quế Phong tham gia chương trình thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Ông L.V.T chia sẻ câu chuyện đời mình: Trước đây, tôi là một người nghiện. 5 năm trở lại đây, bản thân là bệnh nhân của chương trình điều trị Methadone. Tham gia chương trình, sức khoẻ của bản thân tốt lên, chất lượng cuộc sống cũng cải thiện, đặc biệt không còn thèm muốn ma tuý nữa… Dẫu vậy, cũng phải nói rằng việc đi điều trị Methadone vất vả, kinh phí xăng xe tốn kém. 

Sáng nào cũng như sáng nào, bất chấp lễ tết, thời tiết, tôi phải vượt 10 km từ nhà lên trung tâm y tế uống thuốc. Việc điều trị cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công việc làm ăn". Tuy nhiên, 3 tháng trở lại nay, sự vất vả trong quá trình điều trị Methadone của ông L.V.T đã giảm đi rất nhiều.  

Ông L.V.T kể, tham gia chương trình thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày, trong tháng thứ hai tôi được cấp 2 ngày 1 lần, bây giờ tháng thứ ba là 4 ngày 1 lần. Ít phải đi lại hơn, giảm chi phí liên quan, việc điều trị thuận lợi hơn, tôi có thể làm được nhiều việc hơn để nuôi sống gia đình… Bản thân rất vui, thoải mái, không còn phải lo lắng gì. Chương trình thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày đã mang lại nhiều niềm vui cho các bệnh nhân Methadone ở Quế Phong.

BS Phạm Ngọc Đức - Phụ trách cơ sở Methadone Trung tâm Y tế Quế Phong cho biết, huyện Quế Phong hiện có 148 bệnh nhân tham gia điều trị Methadone. 

Qua rà soát các tiêu chí theo Quyết định 559/QĐ-BYT ngày 09/03/2022 của Bộ Y tế về việc phê duyệt "Hướng dẫn triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện", cơ sở đã lựa chọn được 15 người đầu tiên tham gia chương trình. Ngày 26/7/2022, chương trình bắt đầu được triển khai. Các bệnh nhân đều có ý thức cao, tuân thủ tốt các quy định điều trị. Trung tuần tháng 10 này, cơ sở lựa chọn thêm 10 bệnh nhân nữa để khởi liều.

Được biết, thời điểm này, không riêng gì Quế Phong, toàn tỉnh Nghệ An còn có 11 cơ cở điều trị Methadone khác đang triển khai chương trình thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện với số bệnh nhân tham gia chương trình lên 171 người, bao gồm: Cơ sở điều trị tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (23 bệnh nhân), các huyện Quỳ Châu (19 bệnh nhân), Tương Dương (13 bệnh nhân), Trung tâm Giáo dục Xã hội 1 (5 bệnh nhân), Thanh Chương (15 bệnh nhân), Kỳ Sơn (10 bệnh nhân), Đô Lương (20 bệnh nhân), Con Cuông (15 bệnh nhân), Quỳ Hợp (10 bệnh nhân), Thái Hoà (8 bệnh nhân), Diễn Châu (28 bệnh nhân)… .

b-1665044475.jpg
Cán bộ y tế cơ sở điều trị Methadone kiểm tra giám sát việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân tại nhà

Cũng như các bệnh nhân ở huyện Quế Phong, tất cả các bệnh nhân tham gia chương trình thí điểm đều bày tỏ sự cảm kích khi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà nước và bày tỏ sự tin tưởng việc điều trị Methadone sẽ có nhiều khởi sắc; cuộc sống, công việc của bệnh nhân sẽ tốt hơn khi không phải phụ thuộc việc lấy thuốc điều trị hàng ngày.

Anh N.C.T, 36 tuổi, ở phường Lê Mao (thành phố Vinh, Nghệ An), là bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở Methadone của Trung Tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tâm tình: "Bên cạnh yếu tố đỡ mất thời gian, kinh phí, thuận lợi cho công việc thì chương trình thí điểm này giúp cho chúng tôi đỡ phần nào mặc cảm của một người nghiện; tạo động lực để bệnh nhân tuân thủ tốt việc điều trị. Mong rằng, chúng tôi được cấp thuốc nhiều ngày hơn nữa để có thời gian, điều kiện làm việc, xây dựng cuộc sống tốt hơn".

Methadone là chất trong nhóm Opioids, được dùng thay thế cho ma túy, đặc biệt là heroin trong chương trình quản lý bệnh nhân cai nghiện. Với người nghiện, uống dung dịch methadone vào sẽ làm giảm cơn thèm thuốc, cải thiện cả về sức khỏe, cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế của gia đình, phục hồi về thể chất và tinh thần.

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tại Nghệ An, chương trình điều trị methadone được đưa vào từ năm 2012. Đến nay đã có 1.162 bệnh nhân tham gia điều trị tại 12 cơ sở điều trị, 20 cơ sở vệ tinh cấp phát thuốc.

Chung tay giúp đỡ bệnh nhân

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An: Hiệu quả mà Chương trình điều trị Methadone mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, Chương trình này vẫn chưa thể toàn diện khi yêu cầu bệnh nhân phải có mặt hàng ngày tại cơ sở điều trị để uống thuốc. 

Chính điều này đã khiến nhiều bệnh nhân có điều kiện khó khăn không thể điều trị thường xuyên, nản chí và dẫn đến bỏ trị…

Để khắc phục những hạn chế này, từ tháng 4/2021, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã thực hiện Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện về sử dụng tại nhà. 

3 địa phương đầu tiên thực hiện là Lai Châu, Điện Biên và Hải Phòng. Trên cơ sở những kết quả tích cực mà chương trình thí điểm mang lại, năm 2022, Bộ Y tế mở rộng thêm chương trình thí điểm tại 3 địa phương khác là Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An.

c-1665044518.jpg
Cấp phát thuốc Methadone dài ngày cho bệnh nhân tại Cơ sở điều tri của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An

Thực hiện chương trình, ngày 23/6/2022, Nghệ An đã ban hành kế hoạch 417/KH-UBND tỉnh Nghệ An triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.

Sở Y tế Nghệ An, các địa phương trong tỉnh cũng ban hành các hướng dẫn, kế hoạch thực hiện cụ thế… Theo kế hoạch này, trong năm 2022, Nghệ An sẽ triển khai tại 12 cơ sở điều trị. Nếu kết quả thí điểm đạt cao sẽ triển khai toàn tỉnh vào năm 2023.

BS Trần Mạnh Cường, phụ trách cơ sở điều trị Methadone Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Thực hiện kế hoạch thí điểm, việc lựa chọn bệnh nhân tham gia chương trình tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chí theo Quyết định 559/QĐ-BYT của Bộ Y tế. 

Những bệnh nhân được lựa chọn phải đạt liều duy trì từ 2 tháng trở lên; không sử dụng các chất dạng thuốc phiện trong 2 tháng gần nhất; không bỏ liều điều trị Methadone trong 2 tháng gần đây mà không xin phép, báo cáo cơ sở; không vi phạm quy định của cơ sở điều trị trong vòng 1 năm.

Trách nhiệm của bệnh nhân là tuân thủ quy định điều trị cũng như bảo quản thuốc; không làm mất mát, không mua bán trao đổi thuốc. 

Sau khi nhận thuốc tại cơ sở điều trị, người bệnh thường xuyên chịu sự giám sát trực tiếp tại nhà của nhân viên y tế (xã, thôn, bản hoặc cán bộ y tế cơ sở điều trị/cấp phát thuốc); đồng thời chịu sự giám sát của cơ sở điều trị. Mọi sự giám sát nhằm kiểm soát việc tuân thủ quy định sử dụng thuốc của người bệnh; đảm bảo an toàn cho người bệnh và người nhà người bệnh khi được cấp thuốc Methadone nhiều ngày… 

Bệnh nhân vi phạm sẽ xử lý với nhiều hình thức như giảm ngày cấp thuốc; đình chỉ tạm thời; cấm vĩnh viễn không cấp thuốc dài ngày.

d-1665044546.jpg
Cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại cơ sở điều trị đã đáp ứng mong muốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh…

Nghệ An bắt đầu thực hiện chương trình thí điểm vào ngày 13/7/2022 (tại cơ sở điều trị Methadone Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh). Đến nay, sau gần 3 tháng, nhìn chung chương trình thí điểm được diễn ra thuận lợi. 

Kết quả giám sát trực tiếp, gián tiếp của nhân viên y tế đối với bệnh nhân cho thấy gần như tất cả bệnh nhân đều tuân thủ điều trị. Duy chỉ có 01 bệnh nhân vi phạm làm mất thuốc bị đình chỉ tạm thời việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Chương trình thực sự đã đáp ứng mong muốn của cả nhân viên y tế và người bệnh.

Dẫu vậy, chương trình thí điểm đã, đang và sẽ gặp những khó khăn, thách thức, đó là: Khối lượng công việc của nhân viên y tế tại cơ sở điều trị vất vả hơn; nhiều khó khăn trong việc kiểm soát bệnh nhân mua bán, trao đổi, rút thuốc để dùng không đúng liều, đòi hỏi sự vào cuộc hỗ trợ giám sát từ nhiều phía.

"Đã có những trường hợp người nhà bệnh nhân ngộ độc do uống nhầm dung dịch methadone tại gia đình vì tưởng là nước ngọt. Chính vì vậy, các bệnh nhân phải thực hiện bảo quản thuốc nghiêm ngặt theo đúng quy định. 

Người bệnh được mang thuốc về nhà phải bảo đảm các điều kiện và tuân thủ theo các yêu cầu của chương trình và tuyệt đối thực hiện theo các hướng dẫn của các cán bộ y tế. Điều này đảm bảo cho việc bệnh nhân sẽ được cấp phát tối đa 10 liều/10 ngày (ở tháng thứ 6), đồng nghĩa bệnh nhân thuận lợi hơn trong công tác điều trị, BS Trần Mạnh Cường khuyến cáo./.