Hàng trăm hộ dân vùng cao H.Kỳ Sơn (Nghệ An) đang sống trong thấp thỏm lo âu dưới những ngọn núi sắp sập. Hễ có mưa lớn, họ lại tháo chạy khỏi nhà mình để lánh nạn.
Hiểm họa núi lở
Trong những ngày mưa lũ vừa qua, hàng ngàn người dân ở các xã Mường Típ và Mường Ải (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) đã nhiều lần phải sơ tán chạy lũ vì sợ núi lở. Hiện tượng nứt núi, sạt lở xảy ra từ năm 2018 khi một đợt mưa lũ kéo dài vào trung tuần tháng 8. Anh Lầu Dúa Chò (ngụ bản Huồi Khí, xã Mường Típ) kể, thời điểm đó, khi gia đình anh ngủ trưa ở gian chính của ngôi nhà thì phát hiện gian bếp cách đó chỉ mấy mét bị đất trên núi ập xuống, đè bẹp, cả nhà lập tức tháo chạy. Chỉ mấy giây sau, nước lũ kèm đất nhão và những tảng đá từ trên núi tiếp tục ập xuống, đè lên căn nhà của gia đình anh. Sau đó, căn nhà được dựng lại, nhưng đến nay gia đình anh Chò vẫn ám ảnh vụ sạt núi và hễ có mưa là lo dắt díu nhau đi sơ tán.
Cũng dịp đó, gia đình anh Moong Phò Tuất (ở bản Xốp Phong, xã Mường Ải) gồm 10 người đang ăn cơm trưa thì đất, đá từ trên núi đổ ập xuống. Chạy ra khỏi nhà, anh Tuất ngó lại không thấy cha mình đâu nên quay vào, khi anh chưa kịp đưa người cha 80 tuổi ra khỏi nhà thì căn nhà bị nước lũ từ trên núi đẩy xuống dòng suối Nậm Típ. Hai cha con bị lũ cuốn trôi, tử vong. Đợt mưa lớn năm đó đã khiến 6 người dân ở H.Kỳ Sơn thiệt mạng vì lở núi và lũ quét, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp.
Sau đợt lũ, xã Mường Ải và Mường Típ bị cô lập gần 2 tháng. Tuyến tỉnh lộ 543D chạy từ trung tâm huyện vào 2 xã này gần như hư hại hoàn toàn. Sau lũ, một số quả núi ở các bản của xã Mường Típ và Mường Ải xuất hiện vết nứt chi chít, chạy dài trên các đỉnh núi.
Ông Hạ Bá Thái, Chủ tịch UBND xã Mường Típ, cho biết xã có 9 bản thì 7 bản nằm trong nguy cơ bị lở núi, cần bố trí nơi ở mới. “Sớm muộn gì những vết nứt này cũng gây sạt lở, dân làng sống ngay phía dưới nếu không được di dời sớm thì rất nguy hiểm”, ông Thái lo lắng.
Cứ mưa là chạy
Ông Cụt Bá Nhâm, Chủ tịch UBND xã Mường Ải, cho biết tình trạng sạt lở núi xảy ra ở nhiều điểm trong xã. Trong đó, nguy cơ cao nhất là các điểm ở bản Xốp Phong và Xốp Lau. Ở trung tâm xã Mường Ải, nhiều hộ dân bản Xốp Lau suốt 2 năm nay sống trong thấp thỏm vì sợ lở núi, lũ quét. Bản này nằm cạnh khe Nậm Típ, cách những ngôi nhà này chừng vài chục mét là một điểm sạt lở đang lớn dần.
Mới đây, chính quyền đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây bờ kè ngăn sạt lở, nhưng kè được phía bờ bên này thì đầu bên kia lại xuất hiện hàng loạt vết nứt đe dọa nhiều ngôi nhà khác.Vì thế, hễ có mưa lớn, hàng chục hộ dân ở đây lại kéo nhau đi sơ tán. Để có nơi lánh nạn cho người dân, H.Kỳ Sơn đã đầu tư 4 tỉ đồng lắp 158 căn nhà bạt ở 3 bản xã Mường Típ và 1 bản xã Mường Ải cho người dân trú ngụ khi có mưa lũ.
Mới đây, chính quyền đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây bờ kè ngăn sạt lở, nhưng kè được phía bờ bên này thì đầu bên kia lại xuất hiện hàng loạt vết nứt đe dọa nhiều ngôi nhà khác.Vì thế, hễ có mưa lớn, hàng chục hộ dân ở đây lại kéo nhau đi sơ tán. Để có nơi lánh nạn cho người dân, H.Kỳ Sơn đã đầu tư 4 tỉ đồng lắp 158 căn nhà bạt ở 3 bản xã Mường Típ và 1 bản xã Mường Ải cho người dân trú ngụ khi có mưa lũ.
Ông Hạ Bá Thái cho biết sống trong vùng bị sạt lở đe dọa, thường xuyên phải đi sơ tán khi có mưa gió khiến người dân xã Mường Típ rất khổ sở. Xã có 7/9 bản với khoảng 500 hộ dân được xác định phải di dời đến nơi ở mới để tránh nguy cơ sạt lở núi. Trong hoàn cảnh đó, người dân cũng không thể yên tâm sinh sống, sản xuất.
Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, hiện có hơn 10 điểm rất nguy hiểm có nguy cơ sạt lở núi bất cứ lúc nào, cần khẩn cấp di dời. “Chúng tôi rất mong tỉnh và T.Ư sớm cân đối nguồn ngân sách để tổ chức giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư sớm cho người dân”, ông Minh nói./.