Sáng ngày 20/9/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tổ chức Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) nhằm khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành -Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU; cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo Trung ương và đại diện 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.

a-1664248433.jpeg
Điểm cầu của Chính phủ

Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU; cùng tham dự có đại diện các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và 05 huyện, thị ven biển.

b-1664248452.jpg
Điểm cầu tỉnh Nghệ An

Các đại biểu tham dự Hội nghị được nghe báo cáo về kết quả triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT; báo cáo kết quả ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài của Bộ Quốc phòng; báo cáo công tác triển khai IUU trong thời gian qua của Lãnh đạo UBND 07 tỉnh: Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, kết quả đạt được có tiến bộ so với trước, như công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp; đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác ở vùng khơi, vùng lộng và vùng ven bờ. Triển khai tốt hệ thống VMS để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, ngăn chặn nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, những kết quả đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với đội tàu chưa đạt yêu cầu (đạt 96,7% đối với tàu dài từ 15m trở lên, đối với tàu dưới 15m mới đạt tỉ lệ 46,6%). Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong năm 2022 còn chậm (mới tăng được 5%). Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều tồn tại, gây khó khăn cho công tác tháo gỡ thẻ vàng. Đây là vấn đề lớn, nếu không khắc phục được thì không những không gỡ được thẻ vàng mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Theo kế hoạch dự kiến vào tháng 10/2022, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam lần thứ ba để kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện chống khai thác IUU theo 04 nhóm khuyến nghị: (1) Khung pháp lý, (2) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu, (3) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, (4) Thực thi pháp luật. Theo đó, yêu cầu các Ban, Bộ, Ngành cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai nghiêm, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Khẩn trương xây dựng kế hoạch và kịch bản chi tiết đón tiếp đoàn Thanh tra EC với lộ trình thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương. Triển khai có hiểu quả các quy định liên quan đến theo dõi, kiểm tra, giám sát tàu cá như: Quy định về đăng ký, cấp phép khai thác cho tàu cá; lắp đặt, vận hành, quản lý thiết bị giám sát hành trình tàu cá; Quy định về lập danh sách tàu cá khai thác IUU, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; Quy định về nộp nhập ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng thủy sản tại cảng cá, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cũng như thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, qua đó cần đẩy mạnh ngăn chặn khai thác IUU.

Đối với Nghệ An, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo IUU tỉnh cùng với sự nổ lực của các Sở, Ban, Ngành, chính quyền địa phương, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện hoạt động chống khai thác IUU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận như: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017 và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân; ngư dân đã chủ động thông báo trước 01 tiếng trước khi tàu cập, rời cảng cá; 100% chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá đã thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase; công tác ghi nộp nhật ký, kiểm tra, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng ngày càng được cải thiện; phần lớn đã chủ động lắp đặt thiết bị VMS (tính đến nay tổng số thiết bị giám sát hành trình đã lắp trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 1.133/1.167 chiếc) thuận lợi cho việc theo dõi tàu thuyền trên hệ thống giám sát tàu cá đặt tại Trạm Bờ Chi cục Thủy sản/Tổng cục Thủy sản qua đó đã kịp thời phát hiện cảnh báo các tình huống xảy ra trên biển cho các chủ tàu/thuyền trưởng được biết nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về khai thác IUU; công tác phối kết hợp giữa các cơ quan đơn vị trong việc ngăn chặn khai thác IUU được thực hiện thường xuyên; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm do đó tình trạng vi phạm khai thác IUU ngày càng giảm, góp phần vào nỗ lực chung nhằm tháo gỡ thẻ vàng EC cũng như duy trì, phát triển bền vững nghề cá trên địa bàn tỉnh./.